Tác phẩm văn học “được mùa” lên phim

CSVN – Bẵng đi một thời gian, đến năm 2014 phim Việt lại rất mặn mà với các kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học (TPVH). Theo các nhà chuyên môn nhìn nhận, chuyện TPVH nhộn nhịp lên phim là một tín hiệu tốt cho phim Việt.
Một cảnh trong phim Thời xa vắng
Một cảnh trong phim Thời xa vắng
Sôi động phim chuyển thể từ tác phẩm văn học

Đã có một thời trên cái nền vững chắc của văn học đã cho ra những bộ phim có sức sống vượt thời gian và ngôn ngữ điện ảnh cũng đã góp phần tôn vinh văn học, đó là những: Mê Thảo – thời vang bóng, Chuyện của Pao, Thời xa vắng, Mùa len trâu, Đừng đốt, Trăng nơi đáy giếng, Cánh đồng bất tận, Long thành cầm giả ca, Tâm hồn mẹ, Mùi cỏ cháy... Phim truyền hình có: Đất phương Nam, Dưới cờ đại nghĩa, Lục Vân Tiên, Kính vạn hoa…

Và, nay là: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ĐD Victor Vũ), chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; Hương Ga (ĐD Cường Ngô) chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú; Quyên (ĐD Nguyễn Phan Quang Bình), chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ; Nước – 2030 (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh) chuyển thể từ truyện ngắn Nước như nước mắt của Nguyễn Ngọc Tư; Đời như ý (ĐD Vương Quang Hùng) chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư; Mỹ nhân (ĐD Đinh Thái Thụy) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Văn Lê…

Trước đây, phiên bản từng được chuyển thể thành phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn nên với Hương Ga ĐD Cường Ngô muốn khai thác hướng khác, theo chuyển thể của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cố vấn kịch bản là ĐD Việt Linh, trợ lý kịch bản là biên kịch Nguyễn Thị Như Khanh.

Phim Quyên (ĐD Nguyễn Phan Quang Bình), với bối cảnh Đông Âu thời bức tường Berlin sụp đổ, Quyên là nhân vật đầy ẩn dụ về thời thế và phận người.

Đạo diễn ăn khách Victor Vũ lần đầu tiên đến với kịch bản chuyển thể từ TPVH. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hướng đến sự trưởng thành của trẻ em, muốn xây dựng việc thoát nỗi sợ ma quái khi cho nhân vật thực hiện hành trình đối diện với Xóm Miễu. Siêu thực, thần thoại, lãng mạn và đời thường là chất của phim này.

Đời như ý, ĐD Việt kiều Vương Quang Hùng muốn kể lại cho người xem cuộc đời của hai anh em Như và Ý rồi sẽ có được cuộc sống như ý hay không. Trong truyện, câu mở và câu kết Nguyễn Ngọc Tư đã hỏi: “Làm gì có chuyện đời như ý?”.

Phim Mỹ nhân lật giở lại một nghi án loạn luân còn nhiều tranh luận, liên quan đến cuộc đời hai ca nương là Tống Thị Xuân Đào và Lê Thị Thừa.

Phim hay như truyện: đó là một thách thức!

Sự nở rộ của những dự án phim chuyển thể chưa thể báo hiệu gì cho sự lên ngôi của những bộ phim dựng từ các TPVH. Những TPVH này đều rất hay, đã có chỗ đứng trong lòng độc giả nhưng xét kỹ số phim lôi cuốn, buộc người xem phải nôn nóng chờ đợi mỗi ngày để theo dõi phim thì không nhiều.

Một lý do khiến phim không thành công như mong đợi là bởi phim ảnh chỉ là hiện thực tái tạo lại TPVH, mọi thứ trên phim đều hiển hiện trước mắt người xem, từ bối cảnh cho đến nhân vật, tất cả đều là thật. Những “cái thật” này nhiều khi khác xa với trí tưởng tượng của người đọc khi xem truyện. Đó là chưa kể lắm lúc diễn xuất của diễn viên lại quá tệ không thể hiện được cái “thần” của nhân vật trong TPVH.

Ngoài ra kịch bản của các phim khá “trung thành” với nguyên tác, thiếu hẳn những tình tiết được bàn tay biên kịch “thêm thắt”, hư cấu để tăng sức hấp dẫn dù rằng đây là việc làm được cho phép khi chuyển thể một TPVH thành phim. Do vậy mà xem nhiều phim khán giả thường có cảm giác như đang thưởng thức một cuốn truyện bằng hình ảnh. Thêm vào đó cấu trúc mỗi tập phim phân bố cũng chưa hợp lý, kết phim không ở đoạn cao trào, trong khi đây chính là đặc điểm của phim truyền hình.

Thế mạnh dễ thấy nhất của việc chuyển thể chính là sức hấp dẫn sẵn có từ tác phẩm văn chương, bởi hiếm khi người ta chuyển thể một tác phẩm dở.

“Nhưng việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim điện ảnh không phải dễ dàng. Bởi tiểu thuyết được viết để trở thành tiểu thuyết. Còn phim đòi hỏi những quy tắc và yếu tố nhất định. Nên sẽ rất bình thường khi phim chuyển thể xuất hiện tình tiết hoặc cấu trúc mới để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Đó chính là một thách thức.” – Đạo diễn Victor Vũ, tâm sự.

Hà Phương