CSVN – 93 năm – quãng thời gian khá dài, có thể dài hơn cả một đời người, so với mấy ngàn năm lịch sử của đất nước cũng có thể coi là một giai đoạn quan trọng.
Hồi ấy, khi còn là một thiếu niên, tôi đã xúc động trước trang sử hào hùng ấy. Tôi đã đến thư viện, tìm kiếm tài liệu, rồi biết về phong trào cao su của nước ta qua những cuốn sách. Hồi đi học, phong trào đấu tranh của công nhân cao su gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi. Lúc ấy, dù non nớt nhưng tôi đã đồng cảm với tinh thần và ý chí của cuộc đấu tranh ấy, góp phần cho dòng chảy cách mạng của cả dân tộc.
Người ta nói, cái gì sờ tận tay, nhìn tận mắt thì cũng cảm nhận rõ rệt hơn, hiểu được tường tận hơn. Và tôi có thể nói mình có cái duyên với ngành cao su. Đơn giản chỉ là mấy chuyến đi đến thăm các di tích lịch sử, nghe các bậc lão thành kể câu chuyện bên bàn ăn, mà sao những hình ảnh thân thương ấy cứ đọng lại trong tôi đến tận bây giờ. Năm 1929, thời điểm Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ được thành lập tại đồn điền cao su Phú Riềng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư… Những thông tin đó cứ như ánh sáng hiền hòa mà da diết, kéo tôi đi cùng, tiến bước theo tiếng gọi của tinh thần cao su bất diệt .
“Song hành cùng truyền thống cách mạng”, đó là câu nói nhiều người trong ngành cao su tự hào bộc bạch. Cả thế kỷ rồi, qua bao thăng trầm, bao biến động rồi, người công nhân cao su từ thân phận làm thuê đã trở thành người chủ thực sự. Hàng ngàn, hàng vạn bàn tay cạo mủ đã nắm trong tay vận mệnh của chính mình. Là một ngành đặc thù, cây cao su luôn cần có bàn tay của người công nhân. Chính sự trưởng thành và kỹ năng cao của người công nhân phát triển qua năm tháng là sức mạnh của ngành cao su. Điều đó làm nét đặc thù của ngành càng đẹp lên, trở thành sợi dây liên kết không thể bị đứt.
Với lịch sử hào hùng như vậy, ngành cao su Việt Nam có một bề dày văn hóa. Chính văn hóa ấy là nền tảng, là bệ đỡ quan trọng để ngành cao su vượt qua khó khăn trong các giai đoạn đối mặt với cơn sóng dữ. Xu thế hội nhập đến, cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư phủ kín nền kinh tế, ngành cao su không ngoại lệ. Với đầu tàu là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ngành cao su đã từng bước vượt qua khó khăn, khai thác, tận dụng tốt tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình. Có thể thấy, tài sản và cũng là vốn quý nhất của ngành cao su nước ta là con người, là một đội ngũ với lòng yêu nghề. Đó chính là nền tảng để ngành cao su có bước tiến vững chắc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong quá trình ấy, ngành cao su không chỉ đóng góp về mặt kinh tế mà còn tham gia tích cực vào phát triển xã hội. Với vai trò cũng như trực tiếp quản lý một lực lượng công nhân đông đảo, các doanh nghiệp ngành cao su cũng đóng góp quan trọng vào phát triển nguồn lao động, đóng góp vào công tác an sinh xã hội, phát triển nông thôn. Kinh tế phát triển luôn phải đi cùng với chăm lo xã hội. Nhìn thu nhập và đời sống của ngành cao su luôn được bảo đảm vả tăng dần qua các năm, ta thêm vững tin vào sự phát triển ổn định của ngành.
Với lịch sử hào hùng, chiến lược bài bản, ý chí kiên định, ngành cao su Việt Nam đã khẳng định được vị thế quan trọng trong sự phát triển của đất nước. 93 năm vẻ vang truyền thống ngành cao su, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử ấy, tinh thần ấy để rồi cùng nhau tiến những bước dài về tương lai tươi sáng.
ĐINH THÀNH TRUNG
Related posts:
- Cao su Lai Châu: Thu nhập người lao động đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng
- Nét độc đáo ngôi chùa Tổng thống Obama ghé thăm
- "Đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới"
- Công ty Cổ phần Thể thao Ngôi Sao Geru tài trợ giải bóng rổ trẻ Quốc gia
- Công đoàn Cao su Phước Hòa: Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
- Thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phần tiêu thụ cao su lâu dài và ổn định
- Du Xuân ấm áp, tiết kiệm
- Sôi nổi Ngày hội văn hóa gia đình tại Cao su Đồng Nai
- Tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi
- Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công đoàn