CSVN – Đã từ lâu, tôi nhủ mình, phải viết một điều gì đó, thật đầy đủ về chân dung vị tư lệnh cao su rất thành công dưới đỉnh núi Chư Prông lộng gió. Nhưng rồi cứ lần lữa, mãi đến bây giờ, tôi mới mượn chuyên mục Tâm huyết với ngành, để chỉ viết được những gì mình tâm huyết với ông – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông Phan Sỹ Bình – và coi đây là một phần rất nhỏ con người ông đã vì đời vì người trong suốt 40 năm qua trên mảnh đất mà ông chọn làm nơi lập thân, lập nghiệp!
Quyết tâm bám trụ bên Núi Lớn để lập thân, lập nghiệp!
Chúng tôi đã rất nhiều lần đến và lưu lại Chư Prông ( Núi Lớn). Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng chân núi biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai sáng như một trời sao. Ánh điện lung linh huyền ảo, quyện với âm thanh rộn rã từ những dãy nhà ở vùng biên giới phía Tây của tỉnh Gia Lai giáp với nước bạn Campuchia này gợi cho ta cảm giác như đang sống ở một nơi phồn hoa đô hội. Người ta không biết rằng, chính nơi đây 40 năm về trước là những cánh rừng bạt ngàn dưới chân núi Chư Prông và dòng Ia Đrăng đã bị chiến tranh tàn phá bởi bom cày, đạn xới, trở thành vùng đất trống đồi trọc, hoang vu vắng bóng người.
Ông Phan Sỹ Bình nhớ lại, đầu năm 1977, theo thỏa thuận giữa hai tỉnh cũ là Gia Lai – Kon Tum và Hà Nam Ninh, hơn 30 cán bộ công nhân viên của Nông trường Đồng Giao,(tỉnh Ninh Bình) được phân công đi tiền trạm để xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng đất Tây Nguyên. Sau đó là gần 4.000 con người từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam đã từng đợt vào theo. Họ rời quê hương mưu cầu một cuộc sống mới no đủ hơn.
“Tôi khi ấy vừa tròn 20 tuổi, đang làm kế toán viên của Nông trường Đồng Giao, được điều động theo đoàn đi xây dựng kinh tế mới. Gia đình rồi bạn bè cũng có ngăn cản, nhưng tôi quyết ra đi. Thực tình thì cũng có chút máu phiêu lưu của tuổi trẻ, nhưng nghĩ mình còn trẻ, lại chưa vướng bận gia đình nên nếu không thành, thì vẫn có đường lui! Tôi đã được chọn đọc quyết tâm thư nóng bỏng nhiệt huyết của mình trước lễ ra quân của hàng trăm con người, trước giờ lên xe đi về miền đất mới!” – ông Bình tâm sự.
Vùng đất mà ông Bình và đoàn người đến là thung lũng Ia Đrăng, địa danh được đặt tên theo một dòng sông uốn khúc quanh những cánh rừng dưới chân Núi Lớn – Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Nơi đây nổi tiếng với những trận đánh khốc liệt năm 1965. Chặt cây, đốt rừng làm rẫy, tỉa lúa, trồng bắp, và sắn, khoai… dựng những căn nhà tập thể bằng tranh tre vách nứa, là những công việc đầu tiên của những người đi mở đất kinh tế mới. Đầu năm 1977, Nông trường Cao su Chư Prông được thành lập. Những công nhân ở Nông trường Đồng Giao xưa, chỉ quen với cây lúa và hoa màu nơi đồng bằng Bắc bộ nay phải quay quắt với việc trồng cây cao su trên đồi cao, đất dốc nên lúng túng, bỡ ngỡ, cộng với khó khăn là vắt muỗi, sốt rét và bom mìn của chiến tranh để lại, nhiều người tỏ ra chán chường, bỏ cuộc…
Sau hơn 1 năm, chỉ còn vài trăm người bám trụ. 2.000 ha cao su mới trồng đã phải thanh lý một nửa vì không phát triển được. Sự thật phũ phàng, công nhân xao xác kẻ ở người đi lang bạt kiếm sống. Ông Phan Sỹ Bình, ưu tư: “Đường binh nghiệp đã không chọn tôi! Người đã chọn tôi làm người đi xây dựng những vùng kinh tế của đất nước, lẽ nào tôi từ chối? Tôi đã không bỏ cuộc! Tôi đã cùng những người ở lại vừa trồng lúa để có cái ăn, trồng đậu phộng để tăng thu nhập, thể hiện quyết tâm bám trụ để trồng bằng được cao su, để phát triển bằng được vùng kinh tế cao su trù phú và phồn thịnh như ngày nay và góp phần giữ vững sự ổn định an ninh – quốc phòng trên địa bàn vùng biên cương của Tổ quốc!” Bây giờ, sau 40 năm, địa bàn đứng chân của Công ty đã có nhiều đổi thay. Nơi đây được người dân gọi là Thành phố Cao su và trở thành một vùng quê giàu có. Hàng ngàn ngôi nhà mới của cán bộ, công nhân và gia thuộc được xây cất theo kiểu hiện đại. Cơ sở hạ tầng với điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin…được phủ khắp và được xếp vào loại bậc nhất so với các huyện ở Tây Nguyên.
“Không thể đong đếm được mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người lao động mấy thế hệ đã đổ xuống vùng đất dưới chân Núi Lớn này, nhưng thành quả của chúng tôi, thì ai cũng đã nhìn thấy rõ. Những cây cao su trên vùng đất đỏ bazan Chư Prông đã thay đổi những phận người năm xưa đi mở đất, trong đó có tôi, trưởng thành từ một nhân viên được như ngày nay!” – Ngồi trong ngôi biệt thự với biết bao nhiêu hiện vật gắn với những kỷ niệm một thời, trong đó có những tấm Huân chương Lao động, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, hạng Ba, ghi nhận công lao đóng góp cho đất và người 40 năm qua, ông Phan Sỹ Bình nói như thầm tâm sự với bản thân.
Nặng tình với người!
Đã nhiều lần ông Phan Sỹ Bình phát biểu: “Ở địa bàn chiến lược như biên giới Chư Prông, việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân cao su là đúng đắn và cần thiết. Công ty phải xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Và, đây không chỉ là trách nhiệm mà chính là sự trả ơn đối với đồng bào đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống quân thù, bảo vệ Tổ quốc!”
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã thu nhận hàng trăm người dân tộc Ja Rai ở các xã lân cận vào làm công nhân. Đến nay, Công ty hiện có 3.154 người, trong đó công nhân dân tộc thiểu số tại chỗ là: 1.610 người, chiếm 51%. Riêng ở NTCS Hòa Bình, có đến gần 92% công nhân là người Ja Rai, hoặc ở NTCS Suối Mơ, tỷ lệ này là 77%. Công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm hàng trăm km đường cấp phối, 60 km đường nhựa, hàng chục km đường điện hạ thế; đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế quy mô 35 giường bệnh; hệ thống trường học, nhà trẻ mẫu giáo từ thị trấn đến các buôn làng… Giúp bà con vay không lãi để làm nhà kiên cố, ưu tiên về việc làm, định mức đầu tư, đơn giá tiền lương…rồi xóa mù chữ, bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 cho trên 500 người Ja Rai ở các xã.
Lương bình quân của công nhân người dân tộc thiểu số đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều thợ giỏi cạo mủ và rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở công ty có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cuộc sống khá giả. Vài năm gần đây, Công ty đã tiếp nhận hàng chục nhân sự có bằng cấp kỹ sư, cử nhân và tương đương, thuộc đủ ngành nghề, là con, cháu cán bộ, công nhân thuộc các thế hệ của công ty. “Cũng đã có nhiều ý kiến không đồng tình! Nhưng dù cao su có khó khăn đến mấy, tuy có khó bố trí việc phù hợp, thì cũng nên nhận các cháu vào công ty.
Đó là truyền thống. Đó cũng là trả ơn những người đi trước khai khẩn để vùng đất này có được như ngày nay!” – ông Bình quả quyết! Năm nào Công ty cũng đều tổ chức gặp mặt các cụ hưu trí vào dịp cuối năm. “Mục đích của cuộc gặp ngoài việc tri ân và tôn vinh, ghi nhận những công lao đóng góp của các thế hệ đi trước. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống cho những người hiện tại, nhất là lớp trẻ để duy trì và phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống thủy chung như nhất, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Công ty một cách bền vững.” đó cũng chính là tâm nguyện mà ông Phan sỹ Bình gửi gắm.
Ông Phan Sỹ Bình ít khi cáu gắt với ai (!?). Ông luôn cư xử chân tình, lịch thiệp và đúng mực với mọi người, dù là trước cả cái sai của thuộc cấp! Và, đó là một trong những ưu điểm mà ai cũng nhận ra ngay, khi tiếp xúc với ông. Tôi đoan chắc rằng mọi người khi tiếp xúc với ông đều cảm thấy mình được tôn trọng. Có lẽ ông hiểu thấu đáo rằng:“ Nếu bạn luôn cư xử lịch sự thì dần dần ngay cả những người thô lỗ nhất cũng có thể cư xử với bạn tốt hơn”.
Hồ Trung Trực
Related posts:
- Sáng kiến từ lòng nhiệt huyết
- Người truyền lửa cho thế hệ trẻ
- Nữ công nhân cao su ưu tú giúp chị em phát triển kinh tế gia đình
- Giải nhất Bàn tay vàng 2022 Cao su Dầu Tiếng: Thành quả của một quá trình rèn luyện
- Sáng kiến tiết kiệm bạc tỷ của một giám đốc nông trường
- Quyết tâm đưa đơn vị trở thành lá cờ đầu của Nông trường
- Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc
- Người ươm mầm cao su
- Lương Thị Dung: Nữ công nhân đi đầu trong lao động sản xuất
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su