CSVNO – Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh – công nhân thu hoạch mủ NTCS Cầu Khởi, khẳng định như vậy tại Lễ tuyên dương 304 gia đình tiêu biểu truyền thống công nhân cao su Công ty CPCS Tây Ninh, tổ chức chiều ngày 23/10.
Gia đình chị Linh có 4 thế hệ làm trong ngành cao su. Chị là thế hệ thứ 4, hiện đang làm việc tại tổ 3, đội K3 và có 10 năm thâm niên cạo mủ. Đời ông cố, ông nội, bà nội, bà ngoại đều làm công nhân Công ty Cao su Tây Ninh cho Pháp. Cha chị là ông Nguyễn Văn Sanh, hiện công tác tại Phòng Thanh tra Bảo vệ Công ty CPCS Tây Ninh; chồng là Trần Hồng Vũ cũng làm công nhân khai thác cùng tổ với chị.
Đứng trên bục vinh danh, được nhận biểu trưng gia đình tiểu biểu dịp kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành do công ty trao tặng, chị Linh cảm thấy rất vui, rất tự hào về nghề truyền thống gia đình. Niềm vui của chị càng được nhân lên, bởi tới đây, vào ngày 26/10, tại mảnh đất Phú Riềng thiêng liêng, gia đình chị tiếp tục được Tập đoàn tuyên dương.
Khi được hỏi, có thấy nao núng khi tình hình ngành cao su hiện nay rất khó khăn, chị Linh quả quyết: “Đời ông, đời cha sống được thì mình sống được. Trải qua bao thăng trầm, ngành cao su vẫn phát triển lớn mạnh đến hôm nay đó thôi. Với tôi, khó khăn đến mấy cũng gắn bó với nghề cao su. Con tôi mới học lớp 10, nhưng cả hai vợ chồng dự tính định hướng cho con sau này theo nghề truyền thống của gia đình”.
Mới làm công nhân cao su từ năm 2007, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Thu Phong, công nhân tổ 1, đội G4, NTCS Gò Dầu có 3 thế hệ làm công nhân cao su.
Chị Phong cho biết ông nội trước đây làm cho đồn điền cao su Tây Ninh của tư bản Pháp, còn bố là Nguyễn Văn Gần làm việc tại NTCS Gò Dầu từ năm 1978 đến tháng 6/2014 nghỉ hưu.
“Khi chưa xin vào làm công nhân công ty, tôi đi cạo thuê bên ngoài, cuộc sống rất bấp bênh. Ngày nào đi làm thì có thu nhập, còn những lúc ốm đau phải nghỉ thì chẳng có gì. Từ lúc đi làm công ty nhà nước, cuộc sống có khá lên. Bên cạnh lương, thưởng, tôi còn được cấp quần áo bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, ăn giữa ca, đóng bảo hiểm. Nói chung tất cả các quyền lợi đều được đảm bảo. Tôi tự hào về nghề mà cha ông đã gắn bó”, chị Phong thổ lộ.
Tại lễ tuyên dương, TGĐ công ty Lê Văn Chành đã bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ cán bộ công nhân đã gắn bó cuộc đời vì sự nghiệp cao su và mong rằng các thế hệ đi sau nhận thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử truyền thống, vun đắp thêm niềm tự hào về ngành cao su.
“Mỗi gia đình công nhân cao su hãy vững tin, đồng hành cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tôi tin tưởng rằng với tinh thần nỗ lực phấn đấu, chúng ta sẽ vượt khó thành công, đưa ngành, đưa công ty ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp thế hệ cha anh đã dày công vun đắp, xây dựng” ông Chành kêu gọi.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Cao su Ea H'Leo: 3/7 nông trường, đội hoàn thành kế hoạch trước 25 ngày
- Giá cao su giảm, tiểu điền chới với
- TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận được vinh danh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi m...
- Khối thi đua doanh nghiệp tỉnh Bình Dương trao nhà Đại đoàn kết
- Cần khen người lao động trực tiếp nhiều hơn cán bộ
- Tỉnh Kon Tum sẵn sàng cho ngày khai hội thể dục thể thao khu vực II của VRG
- Cao su Điện Biên ra quân khai thác
- Bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng 2 công ty cao su Việt – Lào
- Chủ tịch HĐQT VRG gửi thư chúc mừng nhân Ngày Thi đua yêu nước 11/6
- Cao su Bình Long: Lương bình quân tháng 9 đạt 7,2 triệu đồng