CSVNO – Thời gian qua ngành văn hóa của tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các đơn vị tổ chức phục dựng các nghi thức “Lễ mừng lúa mới”, “Lễ cầu mưa”… Thông qua nghi thức này, đồng bào Jrai tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh đã mang đến các hoạt động văn hóa đặc sắc. Từ đây, nhiều giá trị truyền thống được bảo tồn và hướng đến mục tiêu phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng.
Biểu tượng văn hóa độc đáo
Theo chân các anh chị ở Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, chúng tôi được tham dự lễ phục dựng “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc thiểu số Ia Rai ở huyện ChưPrông. “Mừng lúa mới” đối với đồng bào dân tộc Jrai là một biểu tượng văn hóa độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của bà con trong từng buôn làng. Ngay từ sáng sớm dân làng tập trung tại nhà kho của chủ nhà chuẩn bị làm heo, gà và đem những ghè rượu ngon nhất để làm lễ cúng thần linh. Lễ cúng mừng lúa mới trong khuôn khổ gia đình nên toàn bộ nghi lễ diễn ra ngay dưới kho đựng lúa của chủ nhà. Lễ vật gồm có 1 con heo, 2 con gà và 3 ghè rượu.
Sau khi cúng xong mọi người đánh cồng chiêng, múa xoang, ca hát. Chủ nhà cùng thầy cúng trong trang phục mới và truyền thống lên rẫy để cúng đưa hồn lúa về kho. Trước khi cúng chủ nhà cắt bông lúa đặt vào rổ để trước ghè cùng với con gà đã mổ làm sạch lông, thịt heo và đặt trên lá chuối, thầy cúng vẫy bằng tay 3 lần hồn lúa và khấn. “Ô Yàng ơi, tôi gọi Yàng mơ, Yàng hứa hẹn, Yàng phía Tây, phía Đông. Tôi gọi Yàng về đây, Yàng ở các vùng xa vùng gần, yàng ở khắp mọi nơi. Hôm nay tôi đi gặt lúa, tôi có mang theo rượu ghè và con gà, con gà để mong có có nhiều lúa thóc, rượu ghè để mong có nhiều bắp, từ nay cho đến khi về già, thóc lúc nào cũng được đầy bồ, gia đình lúc nào cũng khỏe mạnh, gieo trồng cây gì được cây ấy, ăn nên làm ra”.
Nỗ lực bảo tồn để kết nối du lịch
“Lễ cầu mưa” là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai, qua lễ cầu mưa nhằm tôn vinh những vị thần cai quản nông nghiệp; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khác với lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa được thực hiện giữa không gian ngôi nhà sàn truyền thống, những nghi thức trong Lễ cúng cầu mưa của người Jrai đã được phục dựng một cách nguyên bản, đúng theo nghi lễ truyền thống của người Tây Nguyên.
Khi ánh mặt trời dần đứng bóng, cũng là lúc đồ cúng chuẩn bị xong, rượu ghè đã đủ. Thầy cúng bắt đầu lời khấn, mời các vị thần linh về chung vui với thành quả lao động của dân làng; cầu mong Yàng ban mưa thuận gió hòa; mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống đủ đầy. Già làng Ksor Chuel ở Buôn Rưng Ama Nin, xã Ia Bol, thị xã Ayun Pa chia sẻ: “Lễ cúng cầu mưa là lễ hội truyền thống quan trọng của người Jrai. Vừa là tuyên truyền cho thế hệ sau, vừa là già làng, trưởng bản gặp nhau gửi gắm tình cảm đến con cháu phải biết đoàn kết, biết giữ gìn văn hóa của mình để phát triển buôn làng được tốt hơn, giàu đẹp hơn”.
Ông Nguyễn Ngọc Long – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, đơn vị thường xuyên tổ chức các nghi lễ phục dựng cho biết: “Các lễ phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống một cách đúng hướng. Với tinh thần dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế của tỉnh thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc còn góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” để thu hút du khách”.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Giới trẻ quá lố trên mạng xã hội
- Xuân trên bản làng đồng bào Rơ Mâm
- Bỏ hip-hop học đánh cồng chiêng
- Cao su Bình Thuận tổ chức hội thi ẩm thực “ Hương vị ngày Xuân”
- Lớp học dưới chân đồi cao su
- Pha sơn từ dầu hạt cao su – thời khởi nghiệp của ông Lê Văn Kiểm
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Sẵn sàng cho mùa tuyển sinh 2018
- Hà Tây vô địch giải bóng đá mini Cao su Chư Păh
- Sài Gòn hàng rong
- Cao su Hà Giang góp sức cho thành công hội diễn