Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934

(tiếp theo kỳ trước)

Khai thác cao su tại Indonesia vào năm 1930.

Cao  su  Việt  Nam  (và  Đông  Dương)  cũng  bị  cuốn trong  cơn  hỗn  loạn  này,  cộng  thêm  với  cuộc  khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một lần nữa cao su Việt Nam lại rơi vào vực thẳm của khó khăn, sau một thời kỳ khởi sắc ngắn ngủi.

Giá  cao  su  trên  thị  trường  quốc  tế  tụt  theo  chiều thẳng đứng. Năm 1928, tại Luân Đôn giá cao su chỉ còn 10 pence/1 livre (1 livre bằng 450 gam), ngang với giá cao su vào thời kỳ tồi tệ nhất năm 1921. Năm 1930 1 livre cao su chỉ còn 5 pence bằng 50% giá cao su năm 1921 và 1928. Năm 1931, chỉ còn 3 pence; sang năm 1932, 1 livre cao su chỉ bán được 2 pence tại thị trường Luân Đôn. Người ta còn nhấn mạnh đây là đồng penny bị phá giá năm 1931.

Tình hình này làm cho mọi người lo sợ khi các nhà sản xuất có thể bị phá sản mà đến các Chính phủ từ chính  quốc  đến  thuộc  địa  cũng  đều  lo.  Hà  Lan,  ngày xưa một mình mình rong ngựa trong thời kỳ kế hoạch Stevenson, chính là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có một lý do là các đồn điền Indonesia đẩy mạnh quá mức việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên khi cao su tụt giá, một số đồn điền không có khả năng trả nợ, có người phải trả đất lại cho Nhà nước. Mặt khác trong thời gian lợi dụng kế hoạch Stevenson để làm giàu các đồn điền Indonesia không có một sự chuẩn bị tối thiểu nhằm đối phó với tình thế bi đát có thể xảy ra. Ngược lại cao su Malaysia đã được rèn luyện trong thời kỳ gian khổ thắt lưng buộc bụng; các cơ sở cao su Malaysia không bị bất ngờ vì cao su tụt giá kéo dài và họ đã có sẵn các biện pháp đối phó với khó khăn. Theo Victor Forbin thì năm 1932, 1/3 cao su Indonesia ngưng cạo mủ. Trong hoàn cảnh khó khăn này, việc chống đối của người địa phương với người Hà Lan gia tăng khắp nơi. Chính phủ Hà Lan đâm lo. Lúc này Chính phủ Hà Lan nhận thấy cần phải nâng giá cao su lên để giải quyết vấn đề chính trị nóng bỏng. Chỉ có một cách là thảo luận với đế quốc Anh nổi danh vì tính bảo thủ và nhớ dai, nhất là đế quốc Anh khó có thể quên cú đá “phản thùng” của Hà Lan trong kế hoạch Stevenson. Vì vậy tuy bị áp lực của các đồn điền, nhất là các cơ sở lớn của người Hà Lan trước đây đã muốn Hà Lan tham gia kế hoạch Stevenson, Chính phủ Hà Lan vẫn ngần ngại, vì dù sao cũng còn có cái mặt của một quốc gia cần phải bảo vệ. Chính phủ của ngài Xốc – Sin đã để cho Hà Lan xách cặp chờ 2 năm.

Cuối cùng, các đồn điền Anh ở Malaysia cũng kêu cứu vì cao su tiếp tục tụt giá làm cho các đồn điền này ngày càng khó khăn, dù họ đã được thử thách. Cũng nhờ đó một phần, các cuộc thương lượng La Haye về biện pháp ổn định tình hình cao su được bắt đầu từ tháng giêng năm 1934. Sau 4 tháng bàn cãi, cuối cùng Công ước 1934 qui định việc sản xuất và xuất khẩu cao su ra đời ngày 1 tháng 6 năm 1934 với thời hạn 5 năm.

Giá cao su được nâng lên dần, mang lại những hy vọng mới cho cao su thế giới. Đối với cao su Việt Nam, tình hình giá cả ngày càng sáng sủa, vào giữa thập kỷ 30, cũng khích lệ các đồn điền cải tiến và nâng cao công tác khoa học kỹ thuật và quản lý của họ, mặc dù phải đương đầu với phong trào  đấu  tranh  của  giai  cấp  công  nhân  cao  su  đã được Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Công ước 1934 cũng ưu ái đối với cao su Đông Dương và nước Pháp. Vào năm 1934, sản lượng cao  su  Đông  Dương  chỉ  vào  khoảng  20.000  tấn, trong khi Malaysia sản xuất 480.000 tấn, Indonesia 378.000 tấn. Nước Pháp cần dùng hằng năm đến 70.000 tấn. Vì vậy Công ước 1934 cho phép Đông Dương  tự  do  khai  thác  cao  su  của  mình  và  xuất khẩu tự do 30.000 tấn. Từ 30.000 tấn đến 70.000 tấn (mức tiêu thụ cao su của Pháp), tỷ lệ hạn chế chỉ là 10%.  Năm 1939, lượng cao su xuất khẩu tự do của Đông Dương được nâng lên 60.000 tấn.

Việc Đông Dương được ưu đãi đã làm cho nước Siam (Thái Lan ngày nay) tức giận, không chịu phê chuẩn Công ước 1934, mặc dù nước này là nước duy nhất được Công ước 1934 cho phép trồng mới 12.000 ha. Nước Siam cho rằng quota xuất khẩu do Công ước 1934 định cho họ quá thấp. Cũng nhờ dám phản đối mà cuối cùng quota xuất khẩu cao su của Siam đã được nâng lên.

Như vậy trong lần hạn chế có tính thế giới này, cao su Việt Nam cũng đã thoát nạn “vẻ vang”. Đây là một vận may của cao su Việt Nam trong khi các khó khăn của giai đoạn 1929 – 1934 đã suýt làm cho một số đồn điền phá sản. Cũng như lần trước, sau thế chiến lần thứ nhất, các tiểu điền của người bản xứ ngưng cạo và người ta đi tìm công việc khác để làm, các đồn điền trung và nhỏ, chủ người Pháp, thì gặp khó khăn nhất. Ai có thế lực, người đó mới được xuất khẩu cao su, mới vay được tiền của Nhà nước thông qua nhà băng…  Đây cũng là một dịp để cá lớn nuốt cá bé.Các đồn điền lớn trụ lại được nhờ có thế lực và nhờ cách quản lý tốt hơn, khoa học hơn. Trong đợt trước, chính quyền Đông Dương đã thông qua Ngân hàng Đông Dương để cho các đồn điền vay; Nhà nước cấp tiền ứng trước và cấp hoa hồng cho cao su xuất khẩu. Số tiền bỏ ra khoảng 20 triệu Francs (1.800.000đ  tiền  Đông  Dương)  đã  được  hoàn  trả không thiếu một xu. Nhờ vậy mà trong giai đoạn khó khăn mới này, Nhà nước cũng dễ dàng giúp đỡ các đồn điền đang gặp khó khăn. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng xảy ra trên toàn cầu, nước Pháp cũng gặp  khó  khăn  về  tài  chính.  Nhưng  nhất  định  phải cứu vớt các đồn điền cao su vì đã có thêm một nhân tố mới: trong Chính phủ Pháp có người lo rằng các đồn điền cao su không có tiền trả lương cho công nhân người bản xứ, sẽ gây ra sự bất bình cao độ có thể dẫn đến bạo loạn trong đồn diền và cả các thị trấn gần bên. Những người công nhân cao su quá khích có khả năng tấn công và bắt cóc các người Pháp và gia đình họ để làm con tin…

Bọn cai trị thực dân đã bắt đầu lo trước phong trào của công nhân, từ khi Đảng Cộng sản ra đời. Vì vậy Bộ trưởng Bộ thuộc địa (lúc bấy giờ là Paul Reynaud) đã can thiệp để Chính phủ Pháp ra tay giúp các đồn diền. Cuối cùng tháng 3 năm 1930 Chính  phủ  Pháp  đồng  ý,  nhưng  món  tiền  ứng  ra phen  này  cũng  bằng  lần  trước,  nghĩa  là  20  triệu Francs. Các đồn điền cao su Đông Dương (và Việt Nam) đang trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước đã phải ngậm đắng nuốt cay vì lần này diện tích cao su phải cứu giúp bằng 6 lần đợt trước và số công nhân đông gấp 4 lần. Và lần này nguy cơ tan vỡ lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Họ cũng kêu, nhưng chính quyền cho biết không có cách nào khác là sẽ xem xét yêu cầu của các đồn điền cao su trong dịp xét ngân sách năm sau, mặc dù các cơ quan Nhà nước đều thấy tính chất cấp bách của sự giúp đỡ này.

Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson

(còn tiếp)

CSVN

(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)