CSVN – Trong những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, chúng tôi có dịp đến với một ngôi làng rất đặc biệt, đó là làng Le ở xã Mo Rai của huyện Sa Thầy – Kon Tum, ngôi làng chỉ có 153 hộ với 538 người dân tộc Rơ Mâm sinh sống.
Cảm động câu chuyện lập làng
Làng Le cách trung tâm huyện Sa Thầy chừng 50km và mất chừng một giờ đồng hồ để đến nơi, cung đường đến với làng Le cũng hết sức đặc biệt, thú vị khi ai muốn đến cũng đều đi qua và được ngắm cảnh nguyên sơ của rừng Quốc gia Chư Mom Ray hùng vĩ. Chúng tôi đến UBND xã Mo Rai như đã hẹn. Anh Huỳnh Tấn Tài – Phó Chủ tịch xã tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện, cởi mở. Sau vài câu xã giao, anh Tài đích thân đưa chúng tôi đến làng Le.
Những ngày giáp Tết cổ truyền, quang cảnh làng Le thật đẹp, những ngôi nhà sàn lợp ngói kiểu xưa, xen cùng những ngôi biệt thự kiểu Thái nhiều mái, núp bóng dưới tán cây xanh. Hai bên đường, nhiều quán xá bày bán rất nhiều mặt hàng, cho thấy cuộc sống ổn định của bà con người dân tộc Rơ Mâm ở vùng biên giới này.
Trên đường đi, anh Tài cho hay: Tôi về đây nhận nhiệm vụ mới được vài tháng, do vậy để hiểu và nắm rõ tình hình đời sống, tập tục của bà con Rơ Mâm tôi đưa các anh đến gặp đồng chí A Thái – Bí thư chi bộ 6, một người ưu tú của làng Le. Vừa dứt lời thì xe đã đến nhà, A Thái có thân hình không cao, nước da ngăm đen nhưng cơ thể rất rắn chắc.
A Thái là người được đến trường đầy đủ, được đào tạo và huấn luyện trong quân ngũ. Tuy nhiên, để nắm rõ về lịch sử hình thành làng Le thì anh vẫn phải nhờ đến một trong số những người lập làng, đó là ông A Giói. Chúng tôi cùng nhau đến nhà A Giói để hiểu hơn về làng Le, về tộc người Rơ Mâm. Nhà A Giói nằm hút sâu ở phía cuối của một lô cao su, mà theo A Thái đây là cao su của A Giói đã chia cho các con, giờ 2 vợ chồng làm túp lều phía cuối lô sống ẩn danh. A Giói năm nay 64 tuổi, vóc người khỏe mạnh, tinh thông lịch sử dân tộc mình.
Qua lời ông, chúng tôi được biết: Trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Mâm chỉ có 159 người với 26 hộ. Trở về sau những năm tháng sống, chiến đấu trong môi trường quân đội, A Giói thấy dân làng vẫn đói khổ, chưa đến mùa mà nhiều chòi lúa đã hết sạch. Thương bà con, nhiều đêm ông không ngủ, nghĩ phải làm việc gì đó để giúp người Rơ Mâm của mình hết khổ cứ thôi thúc trong lòng. Cuối cùng, ông quyết định động viên bà con “xuống núi” lập làng, trồng lúa nước, cây mì và cao su…Biết đây là một quyết định rất khó khăn nên ông tìm cách tiếp cận với những người có uy tín như ông A HLới, bà Y Mi… cùng với bộ đội biên phòng vận động thuyết phục. Đầu năm 1976, ông quyết định đưa nhà mình cùng gia đình 3 đảng viên trong tộc người Rơ Mâm rời khỏi ngọn núi Yang Sít xuống lập làng Le ở xã Mo Rai, huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum bây giờ.
A Giói cho hay: “Ngày xưa, xưa lắm, người Rơ Mâm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập với người Jơ Rai, làng Rơ Mâm ở nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi một trận dịch khủng khiếp đã xóa sạch các làng Rơ Mâm, từ 12 làng chỉ còn lại một làng duy nhất”.
Do dân số ít, để tồn tại, trao đổi hàng hóa, người Rơ Mâm phải giao tiếp với các dân tộc khác, nên có một điều đặc biệt là người Rơ Mâm biết rất nhiều “ngoại ngữ”. Họ có thể nói tiếng dân tộc Hà Lăng, Jơ Rai, Brâu và thạo cả tiếng Lào như người bên tỉnh Attapeu của Lào. Ngoài săn bắt, hái lượm và trỉa lúa, người Rơ Mâm rất giỏi đánh cá bằng lưới.
Cuộc sống đã đổi thay
Không giấu được cảm xúc khi mùa xuân đang đến, ông A Giói nói như khoe: “Có được cuộc sống như bây giờ là nhờ công ơn của Bác Hồ, người Rơ Mâm mình ai cũng coi Bác như người Cha trong gia đình. Không ai bảo ai, nhưng nhà nào cũng lập bàn thờ Bác. Mọi người trong làng đều lấy tấm gương đạo đức của Bác để học tập và làm theo. Mọi người đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau và trong làng không có tình trạng mất cắp. Ngày Tết cổ truyền, trên bàn thờ lúc nào cũng có bánh chưng, hoa, quả và nhang thơm”.
Qua tìm hiểu, trước đây phong tục của người Rơ Mâm không có Tết Nguyên đán. Tết của người dân nơi đây là các lễ hội: Chọc tỉa, cúng mừng lên đòng và cúng lúa mới. Khoảng gần 20 năm trở lại đây, người dân bắt đầu ăn Tết cổ truyền. Đặc biệt, những năm gần đây, hầu như nhà nào cũng biết gói bánh chưng. Với người dân nơi đây, bánh chưng xanh không chỉ mang không khí ngày Tết mà còn thể hiện tinh thần quân dân nồng ấm. Nhất là từ ngày các chú bộ đội của Công ty 78 – Binh đoàn 15 về làng cùng tổ chức ăn Tết với bà con nên càng vui hơn.
Trước đây, đồng bào Rơ Mâm sinh sống với nhiều thói quen rất lạ. Họ tập hợp thành làng, thành bản và có dựng nhà nhưng rất ít khi chọn bản, chọn làng mình làm nơi sinh sống. Họ chỉ về bản khi ốm đau, có người sinh nở hoặc vào ngày lễ hội. Ngày đào bới, săn bắt được con gì là chụm củi nấu nướng. Tối lại vài cành lá dựng lên sơ sài, đống lửa đốt lên rồi qua đêm.
Cuộc sống của họ lầm lũi, khốn khó cho tới khi có mặt của các chiến sỹ Đồn biên phòng Mo Rai và đặc biệt là Công ty 78. Với nhiệm vụ quân sự, chính trị và phát triển kinh tế, hàng trăm chiến sỹ biên phòng và Công ty 78 đã không hề ngại khó khăn. Đầu tiên là khai hoang trồng cao su, vì nơi đây thích hợp với cây cao su nên nó nhanh chóng được đưa về.
Khi cao su phủ xanh đất trống, công việc tiếp theo của các anh là gọi dân về làng. Việc này gian khó vô cùng vì người Rơ Mâm quen phụ thuộc vào rừng nên để đưa họ về, làm quen với việc sống gắn bó mỗi ngày ngay tại ngôi nhà mình cũng không phải chuyện dễ, sau đó là dạy họ cách làm lúa nước, cách làm rẫy, trồng các loại cây, củ có năng suất cao.
Từ cuộc sống lệ thuộc, bỏ làng vào rừng tìm kiếm cái ăn thì nay người Rơ Mâm đã biết định cư. Rồi trở thành công nhân cao su, sống hòa đồng và bắt đầu biết cầm những đồng tiền để trao đổi, mua bán. Xóa bỏ cuộc sống tự cung, tự cấp là một điều rất khó thực hiện. Thế nhưng ngày nay, đấy là một điều có thật ở xã Mo Rai, nơi duy nhất có người Rơ Mâm sinh sống.
Khi được hỏi về chuyện mình, dân mình, ông A Giói đã không nén được niềm vui: “Mình cám ơn bộ đội lắm. Không có bộ đội thì không biết người Rơ Mâm mình sẽ ra sao. Giờ đây, ngoài 20 ha lúa nước, 120 ha mì đã đem lại cho bà con mình một khoản lương thực tạm ổn. Nhờ bộ đội và cây cao su của bộ đội, 100% các hộ gia đình trong làng đã mua được tivi và nhiều gia đình đã xây được nhà rồi đấy”. Một mùa xuân mới đang về với đất trời và người dân ở Mo Rai, vùng cực Bắc Tây Nguyên. Sự chuyển đổi nhận thức, sự phát triển vượt bậc của bà con dân tộc Rơ Mâm như một câu chuyện cổ tích giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Mùa hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn
- Chế nhạc là hành vi vi phạm pháp luật
- Tổ chức công ty cao su đại điền ở Việt Nam
- Hoàn tất công tác chuẩn bị Hội thi "Tiếng hát CN cao su" khu vực II
- Cao su …không rụng lá
- Sự ra đời của ngành khai thác cao su ở Việt Nam
- Nơi địa đầu Tổ quốc
- "Nhảy"
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp: "Nghe tiếng vọng về từ quá khứ"