Virus Corona: Làm gì để “quẳng nỗi lo” dịch bệnh đi mà vui sống?

CSVN – Virus corona khiến cả thế giới lâm vào trạng thái hoang mang. Trong khi đó, tin tức về đại dịch dường như cứ liên tu bất tận.

Tất cả những chuyện đó đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của tất cả chúng ta, nhất là những người sống trong tâm trạng lo lắng và bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder – OCD). Vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ sức khỏe tâm lý của chúng ta?

Rất dễ hiểu là trong tình cảnh này, hầu như tất cả mọi người đều quan tâm đến những tin tức liên quan đến đại dịch. Nhưng với nhiều người, những thông tin dồn dập như vậy có thể làm các vấn đề sức khỏe tâm lý mà họ đang đối diện trở nên tồi tệ hơn.

Những người sử dụng mạng xã hội đặc biệt hoan nghênh Tổ chức Y tế Thế giới khi đưa ra lời khuyên về cách bảo vệ sức khỏe tâm lý của chúng ta trong đợt bùng phát virus corona.

Như Nicky Lidbetter thuộc Anxiety UK – một tổ chức nhân đạo trợ giúp những người gặp nỗi lo lắng – giải thích, sự lo âu quá mức trước một tình huống không thể kiểm soát và không chắc chắn là đặc điểm chung của chứng rối loạn lo âu. Bởi vậy, có thể thấy rằng, tại thời điểm này, những người mắc chứng lo âu đang đối mặt với nhiều thách thức nhất.

Rosie Weatherley, phát ngôn viên của tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm lý cho biết: “Rất nhiều lo âu bắt nguồn từ những lo lắng về những điều mà ta chưa biết và đang trong tâm trạng đón đợi một điều gì đó xảy ra – virus corona chính là một điều như vậy, nhưng ở quy mô rất lớn”.

Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ sức khỏe tâm lý của chúng ta?

Hãy đừng để mình bị kiệt sức. Dịch sẽ còn tiếp diễn trong hàng tuần hay hàng tháng nữa, nên điều quan trọng là hãy sống chậm lại.Và bất cứ lúc nào có thể, hãy đến với thiên nhiên và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hãy tập thể dục, ăn uống điều độ và uống nước.

Để đối phó với sự lo âu và sợ hãi, Anxiety UK đề nghị mọi người thực hành kỹ thuật mà họ gọi là “Apple” – từ tạo thành từ chữ cái đầu tiên của các từ sau:

  • Acknowledge (Công nhận): Để ý và ghi nhận mỗi khi có sự hoang mang xuất hiện trong tâm trí bạn.
  • Pause (Tạm dừng): Không phản ứng như bình thường. Đừng phản ứng gì cả. Chỉ tạm dừng và thở.
  • Pull back (Kéo lại): Hãy tự nói với bản thân rằng, đây chỉ là nỗi lo âu mà thôi. Lo lắng như vậy là không ích lợi gì và không cần thiết. Đó chỉ là một ý nghĩ hay cảm giác. Đừng tin vào tất cả những gì bạn nghĩ. Và suy nghĩ không đồng nghĩa với việc điều đó thực sự điều hiện hữu.
  • Let go (Buông bỏ): Hãy buông bỏ những suy nghĩ hoặc cảm giác. Nó sẽ đi qua. Bạn không cần phải phản ứng lại với chúng. Bạn có thể tưởng tượng như chúng đang bay đi như bong bóng hoặc trôi qua như đám mây.
  • Explore (Khám phá): Khám phá hiện tại trong từng phút giây, bởi ngay trong thời khắc hiện tại, tất cả đều ổn. Hãy chú ý đến hơi thở và cảm giác của hơi thở của bạn. Hãy nhìn mặt đất dưới chân, hãy nhìn ra xung quanh và chú ý đến những gì bạn thấy, những thanh âm bạn nghe, những gì bạn có thể chạm vào, hay những gì bạn ngửi thấy hiện tại. Sau đó, chuyển sự tập trung chú ý của bạn sang thứ khác – như những gì bạn cần làm, những gì bạn đang làm – trước khi để cho sự lo lắng xâm chiếm tâm trí bạn. Tỉnh thức trong phút giây hiện tại.

Q.A (theo bbc)