Công trình khoa học lịch sử có ý nghĩa đặc biệt

CSVN – Cuốn Lịch sử Cao su Việt Nam (CSVN) (1897 – 2020) do VRG và Học viện Chính trị quốc gia HCM phối hợp thực hiện là công trình khoa học lịch sử có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành cao su. Cuốn sách sẽ chuyển tải rõ nét giai đoạn hình thành, ổn định và phát triển của ngành CSVN từ khi cây cao su có mặt tại Việt Nam cho đến nay.

Đoàn đại biểu dự hội thảo góp ý sách Lịch sử Cao su Việt Nam viếng tượng đài Phú Riềng Đỏ, ngày 29/4. Ảnh: Vũ Phong
Công trình khoa học lịch sử có nhiều tài liệu quý giá

Lịch sử CSVN có 2 tập: tập 1 từ năm 1897 – 1975; tập 2 từ năm 1975 – 2020. Cuốn sách được viết bởi những nhà khoa học, nghiên cứu có kinh nghiệm và có nguồn tài liệu quý giá, phong phú. Đặc biệt là nguồn tài liệu được sưu tầm từ bảo tàng tại Pháp. Bản thảo Lịch sử CSVN được VRG tổ chức hội thảo góp ý lần 1 vào ngày 30/3. Tiếp sau đó gần 1 tháng, ngày 29/4, tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, VRG tiếp tục tổ chức hội thảo góp ý lần 2 để ban biên soạn hiệu chỉnh, bổ sung và hoàn thiện trước khi xuất bản theo thời gian dự kiến.

Tại buổi hội thảo lần thứ 2, ban biên soạn đã ghi nhận 12 ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, lãnh đạo VRG qua các thời kỳ và đại diện các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ.

Lịch sử CSVN nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình phát triển của ngành cao su, đóng góp của ngành cao su trong lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, tập 2 sẽ tập trung chuyển tải các điểm nổi bật của VRG như: bộ máy tổ chức, mô hình phát triển của VRG; Vai trò chủ đạo của VRG trong việc định hướng, dẫn dắt trong quá trình phát triển cao su ở Việt Nam; Hoạt động sản xuất kinh doanh cao su của một số tổ chức, doanh nghiệp khác; Hình ảnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng về tiềm năng, vị thế của VRG trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Phát biểu tại hội thảo góp ý lần 2, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia HCM) cho biết: “Bản thảo lần thứ hai được bổ sung nhiều tài liệu rất quý, trong đó có nguồn tài liệu, hình ảnh của bảo tàng tại Pháp. Trong tập 1, Lịch sử CSVN bổ sung thêm hoàn cảnh lịch sử của từng giai đoạn, nhấn mạnh sự đóng góp của ngành cao su trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ở tập 2, giai đoạn 1975 – 2020, Ban biên soạn đã tập trung vào các thành tích của VRG như mở rộng diện tích vườn cây ở các khu vực; mở rộng thị trường xuất khẩu cao su; nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho NLĐ; đóng góp của VRG trong công tác an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và đối ngoại; củng cố hệ thống chính trị VRG”.

Khẳng định ý nghĩa của Lịch sử CSVN đối với ngành cao su, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn CSVN cho biết đây sẽ là món quà gởi tặng các vị khách quý, đối tác, bạn hàng của VRG. “VRG đã thực hiện nhiều công trình nhằm lưu giữ giá trị truyền thống của ngành như Lịch sử phong trào công nhân cao su 2001 – 2014, Kỷ yếu 90 năm xây dựng và phát triển của ngành… Bên cạnh cuốn Lịch sử CSVN 1897 – 2020, sắp tới VRG tiếp tục thực hiện và cho ra mắt Ký ức người lính và Bàn tay vàng ngành cao su”, ông Hùng chia sẻ.

Hội thảo lần 2 tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Vũ Phong.
Làm nổi bật vai trò đóng góp của ngành vào sự phát triển lịch sử dân tộc

Bình Phước được xem là cái nôi phong trào cách mạng của công nhân cao su, đây cũng là nơi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên được thành lập. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của công nhân cao su ngày càng phát triển mạnh mẽ và lan tỏa khắp cả nước. Do vậy, việc VRG thực hiện cuốn Lịch sử CSVN được lãnh đạo tỉnh Bình Phước đánh giá cao trong bối cảnh cấp thiết triển khai công trình lưu giữ những giá trị truyền thống của ngành.

Bà Trần Tuyết Minh – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Lịch sử CSVN là công trình khoa học lịch sử có ý nghĩa quan trọng, Ban biên soạn bao gồm tập thể tác giả có uy tín, có kinh nghiệm, do đó tôi tin tưởng rằng Lịch sử CSVN là một công trình có chất lượng. Tại hội thảo lần này, tôi có ý kiến cùng ban biên soạn nên bổ sung thêm hai nội dung, thứ nhất là mối quan hệ với tổ chức Đảng, chính quyền địa phương của các đơn vị cao su đứng chân trên địa bàn vì đây là mối quan hệ hữu cơ. Thứ hai là những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển của ngành, vì đã là sách lịch sử thì cần đúc kết bài học kinh nghiệm trong từng giai đoạn”.

Là một công trình lịch sử lớn, là tài liệu quý và cũng là tâm huyết, trách nhiệm gìn giữ lịch sử ngành cho thế hệ mai sau, ông Trần Ngọc Thành – nguyên Chủ tịch HĐQT TCT CSVN mong muốn Lịch sử CSVN sẽ thể hiện đầy đủ, chân thực các sự kiện quan trọng của VRG qua từng giai đoạn, đặc biệt sau năm 1975 VRG đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và phát triển ngành cao su Việt Nam, định hướng, dẫn dắt cao su tư nhân cùng phát triển.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực hiện Lịch sử CSVN, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG cho rằng: “Cuốn Lịch sử CSVN phải đánh giá được vai trò, đóng góp của ngành cao su vào sự phát triển của lịch sử dân tộc. Điều đó vừa khẳng định, vừa khích lệ, định hướng phát triển của ngành cao su trong tương lai”.

Góp ý tại hội thảo, ông Trần Công Kha – Ủy viên BTV Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VRG đề nghị: “Ban biên soạn cần chuyển tải cụ thể nội dung quan trọng trong từng dấu mốc đánh dấu sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của VRG như đầu tư phát triển KCN, công nghiệp cao su”.

Sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM kết luận: “Sau hội thảo ngày hôm nay, Ban biên soạn sẽ bổ sung, chỉnh lý công trình Lịch sử CSVN. Trong đó phải xác định rõ các cột mốc lịch sử của ngành. Bổ sung cụ thể vào những đổi mới của VRG trong giai đoạn 2006 – 2020. Cuốn Lịch sử CSVN phải đánh giá khách quan quá trình phát triển của ngành cao su, đặc biệt là VRG đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”.

MINH NHIÊN