Dự kiến xuất bản công trình Lịch sử Cao su Việt Nam vào ngày 19/5

CSVNO – Ngày 29/4, tại Hội trường Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, VRG phối hợp với Học viện chính trị quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học Lịch sử Cao su Việt Nam (CSVN) 1897 – 2020 (Góp ý bản thảo lần 2). Dự kiến sách Lịch sử CSVN sẽ được xuất bản vào ngày 19/5/2021.

Đây là hội thảo khoa học góp ý bản thảo cuốn Lịch sử CSVN lần thứ hai

Chủ trì hội thảo có đồng chí Trần Tuyết Minh – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; PGS. TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia TP.HCM; đồng chí Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG.

Chủ trì hội thảo

Lịch sử CSVN là công trình khoa học có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành cao su được VRG phối hợp với Học viện chính trị quốc gia TP.HCM thực hiện. Trước đó, vào ngày 30/3, VRG đã tổ chức hội thảo góp ý bản thảo lần thứ nhất.

Ban biên soạn cuốn Lịch sử CSVN đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo của VRG qua các thời kỳ để bổ sung, chỉnh sửa phù hợp để hoàn thiện bản thảo lần thứ hai.

Theo đó, Lịch sử CSVN có 2 tập: tập 1 từ năm 1897 đến năm 1975; tập 2 từ năm 1975 đến năm 2020. Ban biên soạn đã bổ sung ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia hội thảo góp ý lần thứ nhất nhằm làm nổi bật hơn nữa đóng góp của ngành cao su trong lịch sử của dân tộc, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình phát triển của ngành cao su. 

Đặc biệt, trong tập 2 Lịch sử CSVN tập trung chuyển tải các điểm nổi bật của VRG như: bộ máy tổ chức, mô hình phát triển của VRG; Vai trò chủ đạo của VRG trong việc định hướng, dẫn dắt trong quá trình phát triển cao su ở Việt Nam; Hoạt động sản xuất kinh doanh cao su của một số tổ chức, doanh nghiệp khác; Hình ảnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng về tiềm năng, vị thế của VRG trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên – Viện trưởng viện Lịch sử Đảng cho biết: “ Bản thảo lần thứ hai được bổ sung nhiều tài liệu rất quý, trong đó có nguồn tài liệu, hình ảnh của bảo tàng tại Pháp. Trong tập 1, Lịch sử CSVN bổ sung thêm các hoàn cảnh lịch sử của từng giai đoạn, nhấn mạnh sự đóng góp của ngành cao su trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ở tập 2, giai đoạn 1975 – 2020, Ban biên soạn đã tập trung vào các thành tích của VRG như mở rộng diện tích vườn cây ở các khu vực; mở rộng thị trường xuất khẩu cao su; nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho NLĐ; đóng góp của VRG trong công tác an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và đối ngoại; củng cố hệ thống chính trị ngành cao su nói chung và VRG nói riêng”.

Hội thảo đã ghi nhận 12 ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự vào nội dung, chương mục, hình thức của cuốn Lịch sử CSVN.

Đồng chí Trần Ngọc Thành – Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CSVN (nay là VRG) phát biểu ý kiến.

Bày tỏ sự phấn khởi khi tham dự hội thảo khoa học góp ý bản thảo lần thứ hai cuốn Lịch sử CSVN, đồng chí Trần Tuyết Minh – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Lịch sử CSVN là công trình khoa học lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh rất cần thiết triển khai thực hiện các công trình lưu giữ giá trị truyền thống của ngành. Ban biên soạn bao gồm tập thể tác giả có uy tín, có kinh nghiệm, do đó tôi tin tưởng rằng Lịch sử CSVN là một công trình có chất lượng”.

Đồng chí Trần Tuyết Minh cũng đã đóng góp 2 ý kiến trong hội thảo lần này, cụ thể: Mối quan hệ với tổ chức Đảng, chính quyền địa phương của các đơn vị cao su đứng chân trên địa bàn; Những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực hiện Lịch sử CSVN, đồng chí Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG cho rằng: “Cuốn Lịch sử CSVN phải đánh giá được vai trò, đóng góp của ngành cao su vào sự phát triển của lịch sử dân tộc. Điều đó vừa khẳng định vừa khích lệ, định hướng phát triển của ngành cao su trong tương lai”.

Góp ý tại hội thảo, đồng chí Trần Công Kha – Ủy viên BTV Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VRG đề nghị: “Ban biên soạn cần chuyển tải cụ thể nội dung quan trọng trong từng dấu mốc đánh dấu sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của VRG như đầu tư phát triển KCN, công nghiệp cao su”.

Đồng chí Trần Công Kha – Ủy viên BTV Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VRG phát biểu tại hội thảo

Sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia TP.HCM kết luận: “Sau hội thảo ngày hôm nay, Ban biên soạn sẽ bổ sung, chỉnh lý công trình Lịch sử CSVN. Trong đó phải xác định rõ các cột mốc lịch sử của ngành. Bổ sung cụ thể vào những đổi mới của VRG trong giai đoạn 2006 – 2020. Cuốn Lịch sử CSVN phải đánh giá khách quan quá trình phát triển của ngành cao su, đặc biệt là VRG đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”.

Sau khi hoàn thiện bản thảo, cuốn Lịch sử CSVN sẽ được đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương viết lời tựa. Theo dự kiến, Ban biên soạn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tích cực phối hợp với VRG để xuất bản cuốn Lịch sử CSVN vào ngày 19/5/2021. Đây là một món quà tập thể NLĐ VRG dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác.

Đoàn đại biểu dự Hội thảo khoa học Lịch sử CSVN dâng hương tại tượng đài Phú Riềng đỏ

Vào sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo VRG qua các thời kỳ đã dâng hương tại di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng đỏ, nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (28/10/1929). 

MINH NHIÊN – VŨ PHONG

Khẳng định trang sử vàng truyền thống ngành