Đây là phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị Công nghiệp VRG năm 2014 của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận. TGĐ VRG đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như chất lượng của các báo cáo, tham luận được trình bày tại Hội nghị. TGĐ cũng biểu dương các đơn vị có nỗ lực vượt khó đạt thành tích tốt trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và công tác chế biến cao su.
TGĐ Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh, năm 2014, giá mủ liên tục sụt giảm, lượng hàng tồn kho nhiều. Ngoài lí do khách quan thì còn có những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực chế biến, chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ. Bởi vậy, trong trước mắt cũng như lâu dài, VRG phải xây dựng một chiến lược chế biến sản phẩm cao su có cơ cấu chủng loại phù hợp theo nhu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, uy tín.
Về phía Tập đoàn, sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục quản lý về môi trường, chế biến, vận chuyển, thu mua… Trong đó, sẽ quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến phù hợp theo từng vùng miền với nguyên tắc tận dụng tối đa công suất, trên cơ sở hợp tác trong việc cung cấp nguyên liệu giữa các công ty giúp, tăng hiệu quả sử dụng vốn và giảm chi phí chế biến. Chủ trương của VRG là chỉ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến khi đạt được các yêu cầu về sản lượng.
Trong lĩnh vực quản lý, cần tập trung thực hiện quy chuẩn về chủng loại cao su, nâng lên tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, thực hiện nghiêm về tiêu chuẩn môi trường và hoàn chỉnh tính pháp lý về quy trình chế biến. Cùng với đó, VRG sẽ sớm ban hành quản lý suất đầu tư phù hợp từng vùng miền, đầu tư theo năng lực để đạt kết quả tối ưu.
Về cơ cấu sản phẩm, dự báo đến năm 2020 tình hình tiêu thụ cao su không mấy lạc quan. Chủ trương của VRG là chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tìm kiếm cơ cấu chủng loại phù hợp. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm là nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Định hướng của VRG là giảm dần tỷ lệ mủ SVR 3L, tăng sản lượng mủ tờ RSS, SVR CV, SVR 10, 20 và ly tâm.
TGĐ cũng khuyến khích lãnh đạo các đơn vị thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng: “Sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần”, trong đó phải chú trọng hơn thị trường trong nước. Cùng với việc nâng sản lượng chế biến thì việc bảo vệ, giữ gìn môi trường phải được đặc biệt chú trọng. Mục tiêu của VRG là đến năm 2020, hầu hết các nhà máy chế biến đều phải đạt chất lượng nước thải cột A.
“Có thể nói, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các đơn vị cần cố gắng, nỗ lực vượt khó, thực hiện tốt công tác được giao. Để thực hiện được điều đó, các đơn vị trong ngành phải tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị bạn vươn lên. Chúng ta vững tin rằng, với bề dày truyền thống, từng có kinh nghiệm vượt qua nhiều thăng trầm, chắc chắn VRG sẽ vượt khó thành công, hoàn thành tốt kế hoạch 2014”, TGĐ Trần Ngọc Thuận khẳng định.
Nguyễn Lý
Related posts:
- Các công ty thành viên VRG tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
- Các công ty cao su tại Campuchia hoàn thành tốt mục tiêu kép
- Cao su Bà Rịa Kampong Thom dự kiến vượt 27% kế hoạch 2019
- Cao su Kon Tum: Phấn đấu sản lượng, doanh thu tăng 2-3% mỗi năm
- Tạo điều kiện mở cạo Cao su Điện Biên
- Ngành cao su Việt Nam thích ứng với quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu
- Cao su Mang Yang quyết tâm đưa năng suất vườn cây đạt 1,8 tấn/ha
- Thanh niên VRG tiếp bước truyền thống hào hùng
- Thư chúc mừng năm mới của ban lãnh đạo VRG và Công đoàn cao su Việt Nam