CSVN – “Ứng dụng công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa vào tất cả các khâu trồng, chăm sóc, khai thác cao su nhằm giảm thiểu cường độ lao động, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa bàn tỉnh Đồng Nai” sẽ là một trong những lĩnh vực đột phá của TCT Cao su Đồng Nai trong giai đoạn 2020 – 2025.
Ứng dụng cơ giới hóa tối đa trên vườn cây
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế giai đoạn 2020 – 2025 của tỉnh Đồng Nai có đề cập đến việc gắn kết chặt chẽ phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sản xuất thông minh.
Hòa chung với sự phát triển của tỉnh, của ngành và của đất nước, Cao su Đồng Nai cũng xác định chỉ có tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất mới giúp tăng hiệu suất lao động, giảm sức lao động thủ công của NLĐ, đặc biệt độ chính xác của máy móc đem lại sẽ tạo ra chất lượng đồng đều của vườn cây, sản phẩm. Vì vậy, với mục tiêu tập trung vào thay đổi cơ cấu giống, chú trọng chăm sóc vườn cây KTCB để duy trì mật độ 70% diện tích khai thác và 30% diện tích vườn cây KTCB cho những năm về sau, những năm gần đây TCT đã ứng dụng cơ giới hóa tối đa trên vườn cây.
Anh Phạm Ánh Phương – Trợ lý TGĐ, phụ trách vấn đề cơ giới nông nghiệp của TCT cho biết: “Tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trên vườn cây nhằm tạo ra môi trường đất màu mỡ, cây xanh tươi, giảm suất đầu tư, tăng năng suất lao động, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, đảm bảo môi trường sinh thái bền vững và giúp cho NLĐ tăng thêm thu nhập nhờ hiệu suất công việc tốt hơn. Đây mới chính là một quy trình bền vững. Vì vậy, TCT đầu tư cơ giới hóa toàn diện trên vườn cây, đặc biệt là trong công tác tái canh. Tất cả những công đoạn từ làm đất, khoan hố, bón phân, đưa cây giống tới vị trí hố trồng… đều được thực hiện bằng máy, chỉ có công đoạn nào máy móc không thể thay thế được NLĐ mới làm bằng phương pháp thủ công”.
Theo đó, định hướng trong giai đoạn 2020 – 2025, TCT sẽ mua sắm các đầu máy kéo của Nga với công suất 90 – 100HP, những máy này phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác tại Đồng Nai với hiệu quả cao nhất. Hiện nay, TCT đều sử dụng cơ giới hóa trong công tác tái canh, KTCB và khai thác như: máy dọn mặt bằng, máy khoan hố, máy bón lót phân, máy cày rạch ngầm phá thành nén hố khoan, máy vận chuyển cây giống, máy cắt cỏ, máy vùi lấp thảm phủ, máy phun phòng trị các loại bệnh trên vườn cây… Song song đó, tổ cơ giới của TCT còn liên tục sáng chế các băng tải di chuyển phân bón, cây giống… lên xe tải để hạn chế các công đoạn thủ công nhất có thể.
Đầu tư vào đội ngũ cơ giới hóa
Xác định ứng dụng cơ giới hóa trên vườn cây là một lộ trình lâu dài, chính vì vậy bên cạnh việc đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại nhất, phù hợp với địa hình tại Đồng Nai thì TCT còn chú trọng xây dựng, thu tuyển và đào tạo đội ngũ cơ giới lành nghề, có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Hiện nay, tổ cơ giới của TCT có 20 thành viên, các thành viên trong tổ này đều phải đảm bảo được tiêu chuẩn khi ra vườn cây phục vụ sản xuất là thợ lái máy cày, máy kéo, khi vào công xưởng phải là thợ cơ khí. Đội ngũ cơ giới của TCT đủ năng lực và chuyên môn để có thể độc lập sửa chữa khi máy móc có trục trặc, hỏng hóc. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và công việc, với mục tiêu cao nhất và hiệu quả nhất khi ứng dụng cơ giới hóa, đội ngũ công nhân cơ giới có trách nhiệm nghiên cứu sáng chế, cải tiến máy móc phù hợp với yêu cầu của sản xuất. Lực lượng tổ cơ giới như hiện nay của TCT đủ đáp ứng cho công việc của 10 nông trường với diện tích quản lý trên 35.000 ha.
Anh Nguyễn Thế Hựu – Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng tuyên giáo Thi đua TCT cho biết: “Ban lãnh đạo TCT đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trên vườn cây. Việc này sẽ mang lại nhiều hiệu quả, dễ thấy nhất là tăng hiệu suất công việc, tiết giảm suất đầu tư, giảm lao động thủ công ở những công đoạn không cần thiết. Công tác tái canh năm nay được tăng cường sử dụng cơ giới hóa ở các công đoạn, chính vì vậy, tiến độ thực hiện tái canh ở TCT sẽ đảm bảo về thời gian và chất lượng vườn cây”.
“Hiện nay, để khuyến khích và đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo trong toàn đơn vị, TCT thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật các cấp để kịp thời ghi nhận và khen thưởng những cải tiến, sáng kiến mang lại hiệu quả cao. Tất cả những sáng kiến, cải tiến của NLĐ khi được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sẽ được hội đồng khoa học kỹ thuật TCT đăng ký bản quyền và xét đề nghị khen thưởng cho NLĐ ở cấp cao hơn”, anh Hựu cho biết thêm.
MINH NHIÊN
Related posts:
- 220 vận động viên tham gia Hội thao Cụm thi đua số VI Công đoàn
- Công ty mẹ Tập đoàn giải nhất Hội thao Khu vực IV
- Gởi em - người thợ cạo
- Tạp chí Cao Su VN - kênh thông tin hữu ích
- Đôi bàn tay
- Mê học ...quên ăn, quên ngủ
- Đề xuất thu gom sách giáo khoa cũ trong ngành cao su
- Hội thao Rubico tổ chức 6 môn thi đấu
- "Xã bóng đá" GLAR
- Bình Ba lên ngôi thi Bàn tay vàng Cao su Bà Rịa