CSVNO – Hội nghị Cao su Quốc tế 2019 (IRRDB International Rubber Conference 2019) đã diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar từ 30/9 đến 1/10/2019 với chủ đề: “Công nghiệp cao su thiên nhiên: Con đường phía trước cho tính cạnh tranh và bền vững”.
Hội nghị được phối hợp tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar và Hiệp hội các nhà sản xuất và trồng cao su Myanmar (MRPPA). Đây là lần hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Myanmar và là lần thứ 38 kề từ khi thành lập hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB).
Đã có gần 500 đại biểu từ trên 20 nước về dự. Đoàn Việt Nam với 5 đại biểu là Phó viện trưởng Đỗ Kim Thành, Phó viện trưởng Nguyễn Anh Nghĩa, Tiến sĩ Trần Thanh, Thạc sĩ Nguyễn Thành Nhân và Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trúc. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Tổng thư ký Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) cũng đã tham dự.
Hội nghị Cao su Quốc tế là sự kiện quan trọng hàng năm của IRRDB. Hội nghị nhằm mục đích như một cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà sản xuất cao su công bố các kết quả nghiên cứu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và sản xuất cao su.
Lễ khai mạc hội nghị có sự tham dự của một số quan chức chính phủ liên bang Myanmar; Tổng Thư ký ANRPC, T.S. Nguyễn Ngọc Bích; Tổng Thư ký IRRDB, Tiến sĩ Abdul Aziz: đại diện các nước thành viên của các hiệp hội này; các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất và trồng cao su Myanmar và các chuyên gia cao su từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Aung Thu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi đã phát biểu khai mạc buổi lễ. Với chủ trương phát triển bền vững trong canh tác cao su để tránh suy thoái rừng, đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Ông đề nghị nên áp dụng các chính sách để phát triển bền vững ngành công nghiệp này, thành lập hội đồng cao su như ở các nước trồng cao su khác, tạo nguồn nhân lực, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, hỗ trợ sản xuất cao su chất lượng cao, hỗ trợ cho các hộ cao su tiểu điền, thực hiện các khóa đào tạo, phổ biến kiến thức.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp các cơ sở nghiên cứu và phòng thí nghiệm, trồng các giống cao su có năng suất cao và thích nghi tại địa phương. Bộ trưởng cũng đề nghị tăng cường xuất khẩu các sản phẩm cao su để mở rộng thị trường cho người trồng cao su và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong khi nhu cầu đang tăng trong lốp xe máy và ô tô. Ông U Aung Myint Htoo, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và trồng cao su Myanmar, tiếp đó đã thảo luận về tình hình sản xuất và thị trường cao su. Tiếp theo là phát biểu chào mừng của Tiến sĩ Abdul Aziz, Tổng thư ký IRRDB.
Sau lễ khai mạc, 2 bài phát biểu chính và 64 báo cáo trên các lĩnh vực: nông học, bảo vệ thực vật, thu hoạch mủ, sơ chế và công nghệ, kinh tế xã hội của các chuyên gia cao su từ Ấn Độ, Brazil, Campuchia, Côte d’Ivoire, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nhật Bản, Nigeria, Pháp, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc… được lần lượt trình bày trong 2 ngày. Việt nam cũng đã có 2 báo cáo được trình bày tại hội nghị.
Lần hội nghị kế tiếp dự kiến sẽ được tổ chức tại Guatemala (2020) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội những người trồng cao su Guatemala (Gremial de Huleros de Guatemala).
NGUYỄN ANH NGHĨA
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Doanh thu hợp nhất 6 tháng của các tập đoàn, tổng công ty bằng 90% kế hoạch năm
- Cao su Kon Tum xứng đáng là lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên
- Bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc Cao su Dầu Tiếng
- Tin buồn
- Cao su Phước Hòa – Kampong Thom sôi nổi hội thao kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam
- Cao su Dầu Tiếng, Phước Hòa đóng góp đảm bảo an ninh trật tự địa phương
- 2 công nhân đi tù vì ăn trộm phân bón
- Thực hiện 10 quyết sách trong định hướng và chiến lược phát triển
- Cao su Hòa Bình dự kiến chia cổ tức tối thiểu 3% trong năm 2022
- Rà soát, điều chỉnh kế hoạch 2016