Thực hiện 10 quyết sách trong định hướng và chiến lược phát triển

CSVN – Trước thềm Đại hội đồng cổ đông VRG – Công ty cổ phần năm 2019, PV Tạp chí CSVN đã có buổi trao đổi với ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG về kết quả hoạt động SXKD của VRG từ sau Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào tháng 5/2018 cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới.
Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát ra mắt tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất VRG – Công ty cổ phần vào ngày 22/5/2018. Ảnh: Tùng Châu.
Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát ra mắt tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất VRG – Công ty cổ phần vào ngày 22/5/2018. Ảnh: Tùng Châu.

– Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của VRG – Công ty CP sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty CP từ ngày 1/6/2018, và chuyển đại diện chủ sở hữu vốn từ Bộ NN&PTNT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ 15/11/2018?

Ông Trần Ngọc Thuận: Năm 2018 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của VRG. Tập đoàn đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào ngày 22/5/2018 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty cổ phần từ ngày 1/6/2018. Đây là kết quả của quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung triển khai quyết liệt công tác cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn theo Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15/11/2018, VRG đã thực hiện hoàn tất công tác bàn giao đại diện chủ sở hữu vốn từ Bộ NN&PTNT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngày 2/2/2018, VRG đã tổ chức buổi đấu giá chào bán CP lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tại đợt chào bán CP lần đầu này, có 498 nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng 99.617.560 CP, với giá trúng bình quân là 13.011 đồng mỗi CP, số tiền thu về cho Nhà nước là hơn 1.295 tỷ đồng.

VRG là một tập đoàn có quy mô lớn, quản lý  trên 400.000 ha cao su, trải dài khắp nước và đầu tư trồng cao su ở Lào và Campuchia; nguồn vốn trên 40.000 tỉ đồng; có trên 80.000 lao động nên khối lượng công việc khi tiến hành cổ phần hóa (CPH) VRG là rất lớn. Dù vậy, VRG đã thực hiện công tác CPH quyết liệt, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, phù hợp với các quy định.

Chuyển đổi sang công ty CP là một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển của VRG, phù hợp với xu thế và thực tiễn hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị, tạo thêm sự linh hoạt trong quản lý điều hành, mở rộng cơ hội tiếp cận và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả SXKD của VRG.

Sau khi đi vào hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ty cổ phần từ 1/6/2018 đến nay, mặc  dù gặp nhiều khó khăn do thị trường cao su không thuận lợi, giá cao su giảm thấp, thời tiết bất thuận ảnh hưởng đến sinh trưởng của vườn cây cao su. Nhưng đánh giá chung hoạt động của Tập đoàn đã và đang tiếp tục có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tích cực.

Sau Đại hội đồng cổ đông lần đầu, trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội, Hội đồng quản trị Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng mới, bổ sung hoàn thiện các quy trình, quy chế quản lý nội bộ phù hợp với mô hình của công ty cổ phần và thực tiễn hoạt động của Tập đoàn; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quản trị; quy chế công bố thông tin; xây dựng, hoàn chỉnh 12 quy chế, quy định quản trị nội bộ khác phù hợp với mô hình công ty cổ phần, đảm bảo hoạt động đúng pháp luật và Điều lệ Tập đoàn.

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án SXKD sau cổ phần hóa; tập trung sắp xếp lại doanh nghiệp và đẩy mạnh thực hiện thoái vốn tại các đơn vị ngoài lĩnh vực sản xuất chính bảo đảm có hiệu quả và đúng quy định. Tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ cho các đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, SXKD.

Đến nay có thể khẳng định, chủ trương CPH đồng thời Công ty mẹ với 20 công ty cao su và 4 đơn vị sự nghiệp; tiến hành CPH đồng thời với việc sắp xếp lại nông lâm trường của VRG là hoàn toàn đúng đắn.

Tại buổi làm việc với VRG vào ngày 18/4/2019, đ/c Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà VRG đã đạt được trong những năm qua trên các mặt hoạt động. Đồng thời, Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả thực hiện công tác CPH của VRG. VRG đã thực hiện công tác CPH đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Sau CPH, dù giá bán mủ cao su giảm mạnh, nhưng VRG vẫn đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 80.000 lao động.

Ảnh: Ng.Cường
Ảnh: Ng.Cường

– Các cổ đông và nhà đầu tư rất quan tâm tới kết quả hoạt động năm 2018 và mục tiêu, kế hoạch năm 2019 của VRG – Công ty CP. Ông có thể chia sẻ thông tin về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Thuận: VRG chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 1/6/2018. Chúng tôi nhận thức kết quả kinh doanh 7 tháng cuối năm 2018 có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm tạo đà vững tiến để VRG tiếp tục thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cho các năm sau.

Năm 2018 cũng là một năm đầy thử thách khi bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động. Giá mủ cao su tiếp tục giảm trên 18% so với giá bán bình quân năm 2017 và sự cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển đã chuyển dịch cơ cấu lao động có tay nghề ra khỏi khu vực cao su truyền thống là hai trong số những khó khăn lớn mà VRG đối mặt trong năm 2018.

Năm 2018 cũng là năm VRG tiếp tục tái cơ cấu toàn diện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung chuyển đổi cấu trúc quản trị theo mô hình tiên tiến trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và thách thức.

Đứng trước tình hình đó, Ban lãnh đạo VRG đã đề ra nhiều giải pháp mang tính thực tiễn cao. Từ các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp để giảm giá thành khai thác mủ, linh hoạt và mở rộng thị trường tiêu thụ cho đến tăng cường khai thác tiềm năng các hoạt động sản xuất chính khác, bù vào doanh thu và lợi nhuận mủ cao su sụt giảm. Nhờ đó, VRG đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2018.

Năm 2018, VRG đã khai thác 307.108 tấn mủ, đạt 102% kế hoạch. Các sản phẩm khác như chế biến gỗ, các sản phẩm công nghiệp cao su đều vượt kế hoạch, đặc biệt hoạt động kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp vượt đến 131% kế hoạch được giao.

Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Tập đoàn lần lượt là 22.683 tỷ đồng và 3.334 tỷ đồng, bằng 102,70% và 84,70% so với năm 2017; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 8,58%. Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch được phê duyệt: doanh thu đạt 4.536 tỷ đồng vượt 23,53% kế hoạch; lợi nhuận 2.740 tỷ đồng, vượt 9,03% kế hoạch.

Mặc dù hoạt động SXKD năm 2018 gặp nhiều khó khăn hơn năm 2017, nhưng với chủ trương chăm lo tốt đời sống người lao động, VRG vẫn đảm bảo mức thu nhập bình quân của 81.776 người lao động đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng. Các nghĩa vụ đối với Nhà nước được VRG thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Ngoài hiệu quả SXKD, thông qua các hoạt động đầu tư, phát triển cao su, VRG còn góp phần củng cố, giữ gìn quốc phòng an ninh và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Cộng hòa DCND Lào và Vương quốc Campuchia, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. VRG còn thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho bà con đồng bào các dân tộc ở vùng sâu vùng xa, tham gia hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Kể từ năm 2019, Công ty mẹ – Tập đoàn hoàn toàn chuyển qua hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và VRG cũng đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chính phủ đã giao các Tập đoàn, TCT Nhà nước, trong đó có VRG, phải đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%.

DSC_3875

Đối với VRG, để đạt chỉ tiêu này là rất nan giải, bởi năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm còn nhiều khó khăn đối với hoạt động của VRG: Các nước sản xuất cao su thiên nhiên chưa có các hành động cụ thể nhằm cắt giảm mạnh nguồn cung, tồn kho cao su thiên nhiên vẫn duy trì ở mức cao, trong khi nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới chưa có dự báo gia tăng, là những thông tin thực tế nhằm tránh lạc quan vào sự chuyển biến tích cực của giá mủ cao su trên thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc hơn 320.000 tấn mủ cao su khai thác trong kế hoạch năm 2019 sẽ chỉ mang về một khoản lợi nhuận tối thiểu, không như kỳ vọng. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết khô hạn kéo dài cũng là một thách thức đối với ngành nông nghiệp, trong đó có cây cao su.

Năm 2019 diễn ra nhiều cột mốc quan trọng đối với hoạt động của ngành cao su Việt Nam và VRG: đây là năm kỷ niệm 122 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam (1897-2019), kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019) với sự kiện thành lập chi bộ Phú Riềng đỏ của công nhân cao su. Với bề dày lịch sử, truyền thống của ngành cao su, của đội ngũ công nhân cao su Việt Nam, trên cơ sở nhận định và đánh giá kỹ lưỡng những khó khăn và thuận lợi, thách thức và cơ hội, dựa trên năng lực và quyết tâm của Ban lãnh đạo và tập thể người lao động, VRG xây dựng kế hoạch SXKD năm 2019 có tính khả thi, bảo đảm định hướng phát triển ổn định, bền vững và lợi ích cao nhất của cổ đông với mức tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực trọng yếu. So với thực hiện của năm 2018, sản lượng mủ cao su khai thác trên 320.000 tấn, tăng khoảng 5%; sản phẩm gỗ tăng bình quân 10%, sản phẩm công nghiệp cao su và khu công nghiệp tăng 5-20% tùy loại sản phẩm và dịch vụ…

Phiên đấu giá bán cổ phần  VRG lần đầu ra công chúng
Phiên đấu giá bán cổ phần VRG lần đầu ra công chúng

– Năm 2018, VRG đã niêm yết CP lên sàn Upcom. Được biết VRG có kiến nghị trong năm 2019 thực hiện niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Ông có thể cho biết việc này có lợi gì cho doanh nghiệp và nhà đầu tư?

Ông Trần Ngọc Thuận: Ngày 21/3/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 99,14 triệu CP của VRG (mã cổ phiếu là GVR) đã chính thức giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.000 đồng.

Việc VRG kiến nghị trong năm 2019 thực hiện niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) là để thuận lợi hơn cho các giao dịch, chuyển nhượng vốn, hoạt động công khai, minh bạch hơn.

Mặt khác, sau khi CPH, VRG tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn, trong đó tiếp tục thoái vốn trên sàn Upcom. Nếu được niêm yết trên sàn HOSE, VRG sẽ tiến hành thoái vốn hiệu quả hơn, góp phần tăng lợi ích của Nhà nước khi thực hiện thoái vốn tại VRG, đồng thời nâng cao giá trị vốn hóa của VRG trên thị trường chứng khoán.

– Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vào ngày 18/4/2019, Phó Thủ tướng yêu cầu VRG sớm xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể Tập đoàn sau CPH để Thủ tướng xem xét phê duyệt. Ông có thể cho biết nội dung và kế hoạch của công tác tái cơ cấu VRG sau CPH sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Ngọc Thuận: Như thông tin đã đưa, tại buổi làm việc với VRG vào ngày 18/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ghi  nhận  và đánh giá cao kết quả thực hiện công tác CPH của VRG. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu VRG sớm xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể VRG sau CPH để Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu VRG cần tập trung vào 5 lĩnh vực chính. Ngoài ra VRG cần phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia tăng hàm lượng tinh chế chuyên sâu để tăng giá trị gia tăng, nâng cao hơn nữa doanh thu và lợi nhuận.

Hiện nay, VRG đã xây dựng định hướng và chiến lược phát triển của VRG trong thời gian tới, giúp VRG vượt qua khó khăn, giữ được sản xuất ổn định, phát triển bền vững và đảm bảo đời sống người lao động ngày càng tốt hơn. Cụ thể là 10 quyết sách sau:

1. Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nội dung Đại hội đồng Cổ đông đã biểu quyết thông qua; đảm bảo hoạt động của VRG đúng luật và điều lệ Tập đoàn; tổ chức thực hiện công bố thông tin đúng quy định. Xây dựng, hoàn chỉnh các quy định, quy chế phù hợp với mô hình công ty cổ phần và thực tiễn hoạt động của

2. Tiếp tục tập trung công tác tái cơ cấu VRG theo hướng: hoàn thành công tác thoái vốn theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sáp nhập trên tinh thần giảm số lượng các công ty có quy mô nhỏ và tiếp tục tập trung triển khai hoàn chỉnh công tác cổ phần hoá theo quy định cho đến khi hoàn chỉnh thủ tục bàn giao vốn từ công ty TNHH 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đảm bảo các quy định.

3. Xin ý kiến chủ sở hữu về chiến lược, phương án, cơ chế giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tập trung phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai; tiếp tục thực hiện thoái vốn tại Công ty mẹ và các công ty con theo lộ trình.

4. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động sản xuất hàng năm trên tinh thần phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, đảm bảo cổ tức và đời sống cho người lao động. Tiếp tục nâng cao hiệu quả lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su thông qua hình thức liên kết, hợp tác đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các nhà máy sản xuất gỗ và gỗ nhân tạo (MDF, HDF…) của VRG. Tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của VRG. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả của doanh nghiệp.

5. Tập trung phát triển VRG theo hướng phát triển bền vững, vì cộng đồng đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế theo khuyến cáo của các tổ chức NGOs đặc biệt trong các lĩnh vực môi trường, quản lý rừng bền vững, quan hệ cộng đồng…

6. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như kinh tế, phát triển doanh nghiệp bền vững, trao đổi khoa học công nghệ và đào tạo, các lĩnh vực khác phù hợp với năng lực cốt lõi của

7. Tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực dài hạn từ cấp Công ty mẹ – Tập đoàn đến các đơn vị trực thuộc nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của VRG trong giai đoạn hiện nay và trong giai đoạn tiếp

8. Phấn đấu đưa VRG là công ty đại chúng quy mô lớn, hoạt động hiệu quả trên thị trường chứng khoán, duy trì giá trị cổ phiếu của Tập đoàn theo hướng phù hợp với thị trường.

9. Thực hiện minh bạch hoạt động và tổ chức công bố thông tin theo quy định; sớm đưa cổ phiếu Tập đoàn giao dịch chính thức trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong thời gian sớm nhất khi đủ điều kiện.

10. Duy trì và phát huy các giá trị, thương hiệu, bề dày truyền thống của VRG, nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo cổ tức, quyền lợi chính đáng của cổ đông.

PHÚ VINH (THỰC HIỆN)