CSVNO – Từ đầu năm đến nay, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty (chưa bao gồm SCIC và VEC) ước đạt 892.166 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 19/7, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Chủ trì Hội nghị, Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh đánh giá, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nhiều thách thức, Ủy ban đã chủ động và nỗ lực triển khai các giải pháp để thực hiện tốt nhất các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và của cơ quan thuộc Chính phủ. 19 tập đoàn, tổng công ty đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và tập trung đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng cho biết, tính đến hết quý II/2022, tổng doanh thu của 19/19 công ty mẹ (tập đoàn, tổng công ty) ước đạt 543.429 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu hợp nhất và Công ty mẹ đều đạt cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)…
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 53.274 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ. Trong đó, một số Tập đoàn, Tổng công ty đã đạt lợi nhuận cao hoặc có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với kế hoạch năm và với cùng kỳ, như Petrovietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…
Tổng nộp Ngân sách Nhà nước hợp nhất của 16/19 tập đoàn, tổng công ty, không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), SCIC và VEC, ước đạt 125.829 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ; tổng nộp Ngân sách Nhà nước 19/19 công ty mẹ ước đạt 31.818 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ.
Nêu cao tinh thần chuyên nghiệp hóa
Cũng tại Hội nghị, ý kiến đại điện lãnh đạo CMSC, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty thống nhất đánh giá Ủy ban ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước chuyên trách tại 19 tập đoàn, tổng công ty.
Ủy ban đã tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp về: Công tác cán bộ tại doanh nghiệp; bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam và Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; tiếp tục chỉ đạo cổ phần hóa 6 doanh nghiệp quy mô lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, kết quả nổi bật là nhiều dự án đầu tư quan trọng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiêu biểu, như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành thương mại ngày 13/5/2022, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa đồng bộ bằng dầu ngày 12/5/2022 và bằng than ngày 16/6/2022, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành đánh giá các nội dung chính của dự án và báo cáo Chính phủ tại văn bản số 3223/DKVN-CNK&LH ngày 15/6/2022…
Về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Ủy ban đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của từng doanh nghiệp, báo cáo Ủy ban xem xét, phê duyệt/trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi và phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và lưu ý hoạt động sản xuất-kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn nhiều khó khăn.
“Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, Ủy ban và 19 doanh nghiệp trực thuộc cần đẩy mạnh hơn nữa các mặt công tác để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, Ủy ban sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất-kinh doanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chiến lược, kế hoạch theo quy định; thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định và kế hoạch; và đẩy mạnh giám sát tài chính, giám sát đầu tư, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh giao nhiệm vụ, các doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao, bảo đảm có hiệu quả, phát triển bền vững.
Thêm vào đó, 19 tập đoàn, tổng công ty cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật mới được ban hành. Các doanh nghiệp cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, chú trọng các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.
Người đứng đầu CMSC cũng lưu ý 19 tập đoàn, tổng công ty cần thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đúng kế hoạch và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phát hiện và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; lành mạnh hóa tài chính, xử lý dứt điểm nợ không có khả năng thành toán và các tài sản không sinh lời.
P.V
Related posts:
- "Phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đã đề ra"
- Bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc Cao su Dầu Tiếng
- "Xắn tay" tiết giảm suất đầu tư
- Gỗ MDF VRG Kiên Giang phấn đấu thu nhập bình quân đạt trên 7,8 triệu đồng/người/tháng
- VRG và Bộ tư lệnh QK7 khám phát thuốc miễn phí cho công nhân Cao su Lộc Ninh
- Thi đua đưa năng suất vườn cây đạt trên 2,5 tấn/ha
- Công ty 75: Tổ chức hiến máu tình nguyện khẩn cấp
- Nền kinh tế cao su của Indonesia đang thu hẹp?
- Đơn vị thứ 2 của VRG “khơi dòng vàng trắng” trên đất bạn Lào
- Cần thiết lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên đất cao su