Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG

CSVN – Một trong những nhiệm vụ then chốt đặt ra tại Hội nghị Định hướng phát triển ngành gỗ được tổ chức vào ngày 19/8 là trong thời gian tới Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG. Giai đoạn 2022 – 2025, Tập đoàn sẽ hình thành một khu công nghiệp với quy mô lớn chuyên về ngành chế biến gỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển các công ty gỗ.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG (giữa) chủ trì Hội nghị Định hướng phát triển ngành gỗ
Doanh thu ngành gỗ tăng dần qua các năm

Tính đến năm 2022, Tập đoàn có 15 công ty chế biến gỗ với 18 nhà máy sản xuất, ở các khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng công suất thiết kế trên 1 triệu m3/năm, gồm các chủng loại: gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế và MDF.

Trong đó, có 12 công ty sản xuất gỗ phôi, 6 công ty sản xuất gỗ ghép tấm và 6 công ty sản xuất gỗ tinh chế. Với công suất thiết kế lớn, gỗ MDF là thế mạnh của Tập đoàn, sản lượng trung bình hàng năm chiếm gần 50% sản lượng sản xuất trong nước.

Những năm qua, hoạt động SXKD của ngành gỗ có sự gia tăng về mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch chung của VRG. Tập đoàn có sự đầu tư phù hợp để phát triển và có một số thuận lợi, tuy nhiên ngành gỗ của Tập đoàn được đánh giá chưa có sự phát triển tương ứng với ngành gỗ của Việt Nam và tiềm năng hiện có.

Trong 5 năm qua (2017 – 2021) tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành gỗ ở mức trung bình, năm 2021 chỉ tăng 7,2% so với năm 2017. Trong giai đoạn này Tập đoàn đã đầu tư thêm nhiều nhà máy sản xuất gỗ mới góp phần quan trọng trong tăng trưởng về sản lượng của ngành gỗ. Gỗ phôi, ghép tấm có chiều hướng giảm, tuy nhiên gỗ MDF có xu hướng tăng đều. Về sản lượng tiêu thụ, nhìn chung có sự tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2017 – 2021 với mức tăng 7,5%, sản lượng tiêu thụ trung bình trên 1,2 triệu m3/ năm, trong đó sản lượng MDF đóng góp 77% tổng sản lượng tiêu thụ.

Về kết quả kinh doanh, tổng giá trị doanh thu tăng dần qua các năm, năm 2017 doanh thu 6.806 tỷ đồng tăng lên 7.264 tỷ đồng vào năm 2021. Đã đóng góp 25% tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn. Về lợi nhuận sau thuế chủ yếu là đóng góp của các công ty MDF, trong đó MDF Dongwha đóng góp tỷ lệ lợi nhuận cao nhất. Ngành gỗ đóng góp 12,6% tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn, giá trị lợi nhuận sau thuế trên doanh thu 9,5%.

Tổng lao động năm 2021 của ngành gỗ hơn 3.900 lao động; thu nhập bình quân năm 2021 của ngành gỗ là 8,73 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với lĩnh vực SXKD khác và so với lương bình quân của toàn Tập đoàn. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của ngành gỗ đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất tại nhà máy chế biến Gỗ Tây Ninh. Ảnh: CTV
Dự kiến tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 10%

Theo kế hoạch sản lượng 4 năm 2022 – 2025, chỉ tiêu sản xuất của các công ty gỗ tăng ổn định. Tuy không có biến động lớn về sản lượng sản xuất nhưng ngành gỗ vẫn mang lại tăng trưởng bình quân hàng năm về doanh thu và lợi nhuận hơn 10%. Trong thời gian tới, Tập đoàn tập trung định hướng cho các sản phẩm ngành gỗ bao gồm các sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới phục vụ cho thị trường nội thất gỗ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và có nguồn gốc từ rừng trồng.

Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG gắn liền với các sản phẩm tinh chế. Hợp tác với các nhà phân phối tiêu thụ lớn trên thế giới với chất lượng sản phẩm và có nguồn gốc rõ ràng, chứng chỉ rừng bền vững quốc tế là lợi thế để cạnh tranh và thu hút hợp tác đầu tư xây dựng thương hiệu.

Ngành gỗ sẽ tiếp tục đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng theo lộ trình sản phẩm gỗ tinh chế với quy mô gấp đôi hiện nay. Đầu tư các sản phẩm mới như: Ply Wood, MFC, ván dăm (Okal), gỗ viên nén (Wood Pellet) và mở rộng dây chuyền sản xuất MDF tăng từ 300.000 – 600.000 m3/năm… để tận dụng hết các phụ phẩm của cây cao su và đáp ứng nhu cầu thị trường MDF dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới. Chủ trương Tập đoàn là lựa chọn liên kết, hợp tác với các đối tác có thực lực về tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu và thị trường để phát triển những sản phẩm mới, để gia tăng chuỗi giá trị của cây cao su.

Bên cạnh đó, phát triển ngành gỗ Tập đoàn theo hướng sản xuất hàng tinh chế quy mô lớn, nâng cao giá trị và phát triển đồng bộ các khâu của chuỗi từ khai thác – chế biến – tiêu thụ phù hợp với quy mô và trình độ sản xuất của Tập đoàn. Phát triển các hình thức thương mại hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển thương mại điện tử cùng với xây dựng thương hiệu gỗ Tập đoàn gắn với nguồn gốc gỗ hợp pháp, mở rộng thị trường trong và ngoài nước có tính cạnh tranh cao. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt từ 5-7%/năm, giá trị tổng doanh thu ngành gỗ Tập đoàn sẽ đạt 10.891 tỷ đồng vào năm 2026, doanh thu đạt 11.648 tỷ đồng và lợi nhuận đạt tương đương 1.437 tỷ đồng vào năm 2030. Ngành gỗ sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế, giữ vững vị trí đóng góp đối với Tập đoàn.

THIÊN HƯƠNG