CSVNO – Ngày 20/9, tại Trung tâm Hội nghị Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Hiệp hội Cao su VN (VRA) đã long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 15 năm hoạt động và phát triển (2004 – 2019).
Tham dự có ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT; ông Trần Quốc Toản – Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương; lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo VRG, đại diện các Hiệp hội bạn và khách hàng truyền thống của ngành cao su, cùng lãnh đạo, cán bộ lão thành qua các thời kỳ, cộng tác viên và hội viên VRA.
Trong suốt 15 năm hoạt động và phát triển, VRA đã tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, kiến nghị chính sách tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần vào việc phát triển bền vững ngành cao su và kinh tế – xã hội của đất nước.
VRA hiện có 130 hội viên. Hội viên của Hiệp hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hội viên gồm doanh nghiệp và tổ chức nhà nước, tư nhân, cổ phần, liên doanh và có vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tài chính, nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ và dịch vụ liên quan đến Ngành Cao su VN. Sự đa dạng thành phần Hội viên giúp Hiệp hội có thể thúc đẩy sự phối hợp giữa các Hội viên để cùng hợp tác phát triển toàn ngành cao su.
Liên tục trong 15 năm qua, VRA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho Hội viên, như cung cấp thông tin thị trường, giá cả, tình hình cung cầu của ngành cao su và thế giới; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội nghị doanh nhân giao thương; bảo vệ quyền lợi Hội viên, hỗ trợ hội viên trong nhiều lĩnh vực.
VRA hiện là Hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Cao su quốc tế (IRA), Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC). Ngoài ra, Hiệp hội cũng là Hội viên liên kết của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG), cộng tác viên của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC).
Bên cạnh công tác hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của Hội viên và phát triển quan hệ quốc tế, Hiệp hội đã tích cực tham gia với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mang lại nhiều cơ hội phát triển ngành cao su.
Hiệp hội luôn đồng hành cùng hội viên phản ánh kịp thời những khó khăn về chính sách và kiên trì phối hợp với các bộ, ngành đề ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiệp hội đã phối hợp với VRG kiến nghị thành công việc sửa đổi Quy chuẩn quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên phù hợp với điều kiện khả thi hiện nay của doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất đối với diện tích cao su trồng tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản từ năm 2015 đến năm 2020; miễn giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Hiệp hội đã kiến nghị thành công việc đưa thuế nhập khẩu 3 mặt hàng cao su tổng hợp mà trong nước chưa sản xuất được từ 5% xuống còn 0%; miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu của cao su kỹ thuật…
Hàng năm, Hiệp hội đã đề xuất và được Bộ Công Thương công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” cho các Hội viên. Hiệp hội phối hợp với Bộ Công Thương xét chọn những doanh nghiệp ngành cao su đăng ký sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value).
Từ khi thành lập, Hiệp hội đã tổ chức Họp mặt Doanh nhân VRA. Đến nay đã qua 15 lần tổ chức. Sự kiện Họp mặt Doanh nhân ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, qui mô quốc tế, thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự với số lượng đại biểu rất lớn.
Trước những hạn chế của cao su VN trên thị trường khu vực và thế giới do chất lượng chưa đồng đều và thương hiệu chưa được nhận diện, từ năm 2015, Hiệp hội đã triển khai Đề án Xây dựng và phát triển Thương hiệu Ngành Cao su VN trên cơ sở pháp lý của Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Hiệp hội đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu thành công trong nước và tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Trong ba năm 2016, 2017 và 2018, Hiệp hội đã triển khai cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho 13 Hội viên để gắn trên 62 sản phẩm của 24 nhà máy đáp ứng các tiêu chí của Hiệp hội.
Năm 2018, Hiệp hội đã đề ra kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững và thực hiện một số hoạt động bước đầu. Cụ thể là, Hiệp hội đã cùng với VRA hợp tác với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại VN để xây dựng và phổ biến Sổ tay Hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế.
Đồng thời, Hiệp hội cùng với VRG và Viện Nghiên cứu Cao su VN hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại VN để phát triển Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững. Ngoài ra, Hiệp hội và VRG hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ như PanNature, Oxfam Việt Nam, UNDP để xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội trong đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài. Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến để ANRPC xây dựng và triển khai kế hoạch hành động vì ngành cao su thiên nhiên bền vững cho các nước thành viên từ năm 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự đóng góp của VRA trong thời gian qua.: “Trong các năm qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã ghi nhận sự đóng góp tích cực, hiệu quả của VRA trong việc tham gia góp ý tháo gỡ khó khăn về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, khuyến cáo áp dụng các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Để hỗ trợ lực lượng nòng cốt này trong sản xuất, kinh doanh, VRA đã có nhiều nỗ lực đáp ứng nhu cầu của Hội viên với những hoạt động tích cực và hiệu quả”.
“Tôi cũng đánh giá rất cao đề án Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành cao su Việt Nam do Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam, để định vị giá trị, hình ảnh và sự tin cậy của khách hàng vào các sản phẩm của ngành cao su Việt Nam được Hiệp hội chứng nhận qua các tiêu chí nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp về xã hội và môi trường”, ông Toản nhấn mạnh.
“Để góp phần cho ngành cao su phát triển bền vững, ngoài việc tiếp tục phát huy những thành quả vừa qua, Hiệp hội cần tập trung vào những hoạt động sau: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam sang nhiều nước, đặc biệt những thị trường tiềm năng và ổn định về nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên. Thứ hai, phối hợp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cao su và tiến đến xây dựng Thương hiệu Cao su Việt Nam để nâng cao uy tín, giá trị cho các mặt hàng cao su và tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Hội viên cũng như cho người tiêu dùng” – ông Toản nhận định.
TRẦN HUỲNH – ẢNH: ĐÀO PHONG
Related posts:
- Dự án cao su của VRG là hình ảnh sinh động cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia
- Công ty mẹ VRG nhận chứng chỉ ISO 9001:2008.
- Trần Hữu Thắng giành "Bàn tay vàng" Cao su Chư Sê
- Đoàn Thanh niên VRG tham gia giải bóng đá do Báo Nhân Dân tổ chức
- Khối Thi đua số 14 trao 99 suất học bổng nhân ngày khai giảng
- Tập huấn thu thập thông tin giám sát tác động của Hiệp định VPA/FLEGT
- VRG quyết liệt thực hiện chiến lược phát triển bền vững
- Cao su Bình Thuận đạt 20% sản lượng khai thác đầu năm
- Đại sứ Vũ Quang Minh thăm, động viên các công ty cao su Cụm I, III
- Côte d’Ivoire - Nguồn cung cao su lớn của thế giới