CSVN – Nhằm phổ biến kiến thức về quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chứng chỉ rừng đến các chủ rừng, các công ty lâm nghiệp cũng như một số công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, trong 2 ngày 6 – 7/3, tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phổ biến kiến thức QLRBV và chứng chỉ rừng”.
Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các công ty cao su, lâm nghiệp và các chủ rừng khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, trong đó có đại diện các công ty cao su thuộc VRG.
Các đại biểu đã được nghe những chuyên đề liên quan đến tiến trình thực hiện Chứng chỉ rừng quốc tế (FSC) và chuỗi hành trình sản phẩm (CoC); lợi ích của doanh nghiệp (DN) khi có chứng chỉ rừng; vai trò, tầm quan trọng của chứng chỉ CoC với xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường quốc tế…
Tại Hội thảo, SFMI giới thiệu và phổ biến kiến thức đối với đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về QLRBV và chứng chỉ rừng (mã đề tài 03.10/2019 – DA2) do tiến sỹ Đào Công Khanh – Phó Viện trưởng SFMI là chủ nhiệm. Bên cạnh đó, tiến sỹ Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh cũng giới thiệu “Các vấn đề trong quản lý rừng trồng ở Việt Nam, giải pháp thúc đẩy quản lý rừng trồng bền vững”. Còn tiến sỹ Nguyễn Quang Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN) giới thiệu chủ đề “Tổng quan tiến trình quản lý chuỗi hành trình sản phẩm CoC”. Các đại biểu cũng được nghe ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nói về “Vai trò, tầm quan trọng của chứng chỉ CoC với xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường quốc tế”.
Thực tế cho thấy, khi DN được cấp FSC thì đó là cơ hội tốt để xuất khẩu các sản phẩm từ rừng sang các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Ngoài những lợi ích lâu dài thì việc có được FSC còn giúp cho việc khai thác và bảo vệ rừng theo hướng bền vững hơn.
Về mặt kinh tế, FSC giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập. Hoạt động quản lý rừng của chủ rừng, của DN, của nhóm hộ được công nhận và tin cậy hơn. Các chủ rừng được tiếp cận một cách chuyên nghiệp và bền vững các thị trường tiềm năng trong nước và ngoài nước, đồng thời tiếp cận tốt nhất đến nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ về tài chính, kĩ thuật.
Về xã hội, để được cấp FSC thì cộng đồng địa phương và các bên liên quan phải tham gia vào lập kế hoạch QLRBV. Chủ rừng nhận biết, tôn trọng các quyền thông tin của người dân địa bàn đối với tài nguyên rừng và quyền của công nhân. Từ đó, điều kiện lao động, trình độ, nhận thức, năng lực của nhân viên, công nhân và nông dân liên quan đến rừng được cải thiện và nâng lên. Bên cạnh đó, hình ảnh của chủ rừng với xã hội cũng được nâng cao.
Còn đối với chuỗi hành trình sản phẩm thì tiến sỹ Nguyễn Quang Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng cũng chỉ ra: DN được cấp chứng chỉ CoC chắc chắn sẽ có uy tín cao hơn trên thị trường quốc tế so với các DN chưa được cấp chứng chỉ CoC. Việc tuân thủ các quy định thực hiện CoC các DN sẽ kiểm soát và quản lý được nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm tốt hơn, đồng thời có thể dễ dàng mở rộng thị trường, tăng doanh thu…là những tiền năng lớn cho DN khi được cấp chứng chỉ CoC.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Dâng hương kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành
- VRG vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
- VRG tăng cường hợp tác với Đài PTTH Bình Phước
- "Cao su Việt - Lào đã làm tốt an sinh xã hội cho người dân Lào"
- Năm 2020 cung cấp ra thị trường sản phẩm cao su Organic
- Cao su Bình Thuận thưởng 108 triệu đồng thi đua nước rút tháng 10
- Hoàn thiện quy định tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ở nước ngoài
- VRG tham dự Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng Đảng
- Tăng cường truyền thông về hoạt động của VRG
- Cao su Chư Păh thưởng thi đua nước rút trên 1 tỷ đồng