CSVN – Quyết tâm làm bài thi thật tốt, vững vàng về tâm lý và cộng thêm yếu tố may mắn là kinh nghiệm của những Bàn tay vàng (BTV) xuất sắc các đơn vị khi về tham gia hội thi.
Hoàng Thanh Tùng –BTV Cao su Đồng Nai: May mắn chiếm đến 30%
Anh cho biết, khi thi cấp TCT, anh không có áp lực gì vì đã từng thi nhiều. Hơn nữa, năm 2011 anh được Viện NCCS VNcấp giấy chứng nhận công nhân có tay nghề loại giỏi khi TCTtổ chức đào tạo chuyển công nhân từ vườn cây nhóm IIIsang vườn cây nhóm I. Nói về kỹ năng để đạt điểm cao anh Tùng chia sẻ: “Thứ nhất là mình phải quyết tâm hoàn thành bài thi thật tốt, thứ hai là vững vàng tâm lý, đừng run quá mà thi không tốt. Yếu tố quan trọng nữa đó là may mắn, may mắn chiếm đến 30%”.
Chia sẻ về cảm giác khi đoạt BTV cấp TCT, anh bộc bạch: “Khi đi thi thì ai cũng mong ước mình sẽ được giải nhưng tôi không nghĩ mình lại đoạt giải cao nhất. Nói thật đó là phần thưởng vinh dự nhất của tôi. Đó là dấu ấn đẹp trong cuộc đời tôi, vậy là cuộc đời làm nghề thật không uổng phí chút nào”.
Trần Trọng Lưu – BTV Cao su Đồng Phú: Thi hết mình bằng tất cả khả năng
Trước thềm Hội thi thợ giỏi toàn ngành, anh có chút lo lắng: “Được tham gia trong đội luyện thi để chọn lựa đội thí sinh tham dự Hội thi cấp ngành lần này quả thật có nhiều áp lực hơn hẳn. Vào đội rồi thì ai cũng tập luyện như nhau, không phân biệt ai giải cao giải thấp. Đến với Hội thi lần này tôi tham dự với tiêu chí là thi hết mình, bằng tất cả khả năng, bình tĩnh, kỹ lưỡng từng giai đoạn một từ cách cầm dao, cách chạy như thế nào. Bao nhiêu kỹ năng, kinh nghiệm đều phải thể hiện tốt trong ngày thi đó”.
Trong Hội thi thợ giỏi cấp công ty năm 2012 anh chỉ tham gia với vai trò thí sinh dự bị. Trải qua thời gian cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, năm nay anh là thí sinh chính thức trong đội dự thi cấp Công ty. Không chỉ anh mà vợ của anh, chị Bùi Thị Mai cũng là thí sinh dự thi của nông trường. Đây là trường hợp duy nhất của Công ty khi hai vợ chồng cùng công tác tại nông trường, đều là thí sinh trong Hội thi thợ giỏi cấp công ty.
Anh cho biết: “Khi tham gia thi thì không nghĩ mình được giải đâu, cứ cố gắng hết mình thôi. Hoàn thành phần thi gần cuối cùng, tốc độ 19p38s. Khi được giải thì bất ngờ và vui mừng lắm. Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của ban lãnh đạo nông trường và sự cổ vũ nhiệt tình của anh chị em”.
Nguyễn Thị Nhi – BTV Cao su Krông Buk: Không ngừng rèn luyện nâng cao tay nghề
Sinh năm 1981, nhưng Nguyễn Thị Nhi đã có 15 năm làm công nhân cao su. Chị luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ giao, khai thác đạt kết quả tốt nhất, thường xuyên học hỏi và lắng nghe đồng nghiệp, nhân viên kỹ thuật nên trong từng năm tay nghề của chị không ngừng được củng cố và nâng cao.
Điều này được thể hiện qua việc chị đã có đến 7 lần được đơn vị chọn là thí sinh chính thức của nông trường tham gia Hội thi thợ giỏi cấp công ty. Trong đó có 2 lần giải nhất vào năm 2007 và 2014 và 2 lần được tham gia thi cấp ngành vào năm 2006 và 2010.
Với thành tích đạt bàn tay vàng của công ty năm 2014, chắc chắn Nguyễn Thị Nhi cũng có tên trong danh sách đội thợ giỏi của Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk cùng nhau tranh tài với các đơn vị bạn tại Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su năm nay được tổ chức tại Công ty CPCao su Phước Hòa. Chị Nhi bày tỏ cảm xúc: “Nếu tiếp tục được là thí sinh chính thức tham gia Hội thi cấp ngành thì tôi thật hạnh phúc và vui sướng biết bao, niềm tự hào sẽ càng lớn vì Hội thi năm nay đã nâng lên tầm cao mới. Chắc chắn rằng, tôi sẽ chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng tay cạo trong những ngày còn lại trước khi Hội thi diễn ra”.
Y Túy – Hộ nhận khoán, Cao su Kon Tum – 3 lần liên tục (2010 – 2012) đạt BTV cấp công ty: Nữ thiệt thòi hơn
Chị chia sẻ: “Là phụ nữ khi đi thi đã là một sự thiệt thòi so với đồng nghiệp nam rồi, bởi nếu là thanh niên còn đỡ chứ phụ nữ sau khi sinh con rồi thì sức khỏe không được tốt, chạy không bằng những công nhân nam. Mặc dù đã nhiều lần có thành tích cao trong các Hội thi tay nghề của công ty, nhưng em không thể có giải ở Hội thi cấp ngành, không phải vì yếu tố tay nghề hay sự may mắn mà là sức khỏe. Đi xe thì bị say, sức khỏe không đảm bảo nên không thể có phong độ tốt nhất, do vậy khi chọn lựa thí sinh nam là tốt nhất”.
Lường Khắc Thương – Cao su Phước Hòa, BTV cấp ngành năm 2012: Cả hai chú cháu đều đoạt Bàn tay vàng
Vừa gặp, anh Thương vui mừng thông báo với chúng tôi về BTV cấp công ty năm nay là anh Lường Quốc Hưng – Nông trường Lai Uyên, là cháu của anh. Anh rất phấn khởi vì thế hệ con cháu mình cũng tiếp nối trở thành thợ giỏi, phấn đấu trong công việc.
Dù đã về hưu nhưng với anh Lường Khắc Thương thì quãng thời gian gắn bó với dao cạo, với vườn cây thấm thía biết bao nghĩa tình. Anh vẫn thường xuyên ghé qua vườn cây thăm hỏi, động viên anh em cố gắng công tác tốt. Đặc biệt là vào dịp tập luyện để bước vào Hội thi toàn ngành năm 2014.
Sau khi trở thành quán quân của Hội thi thợ giỏi năm 2012, anh vẫn tiếp tục công tác tại Nông trường Lai Uyên, Công ty CPCS Phước Hòa. Anh cho biết: “Trước khi đạt giải cao nhất của Hội thi thợ giỏi lần đầu tiên nâng lên tầm quốc gia 2012, tôi đã đạt nhiều giải cao trong Hội thi cấp nông trường, cấp công ty. Khoảnh khắc được xướng tên tại Tây Ninh lên bục vinh quang là dấu ấn đẹp, không thể nào quên trong suốt cuộc đời của tôi. Đó là niềm vinh dự, tự hào rất lớn. Sau đó cứ thừa thắng xông lên, với thành tích đạt được tôi luôn phấn đấu khai thác năng suất năm sau cao hơn năm trước để xứng đáng với phần thưởng cao quý ấy”.
Hiện tại, anh đã nghỉ hưu theo chế độ. Anh chia sẻ: “Thời điểm này các thành viên trong đội thợ giỏi đang ráo riết luyện tập để tranh tài trong Hội thi sắp tới. Khoảnh khắc này khiến tôi rất nhớ Hội thi lần trước”.
Để đạt điểm cao trong Hội thi, anh cho biết yếu tố tâm lý là quan trọng nhất. “Ai tham gia Hội thi cấp ngành đều là thợ giỏi, trước một sân chơi lớn của toàn ngành, thí sinh cần phải bình tĩnh, không phân tâm đến các việc khác, chỉ tập trung vào phần thi của mình. Tôi mong rằng, các thí sinh năm nay nỗ lực đạt kết quả tốt để không phụ lòng thầy cô huấn luyện và ban lãnh đạo công ty”.
Nguyễn Thị Nga – Công nhân NT Ya Chim, Cao su Kon Tum, BTV cấp ngành năm 2000:Trở thành “huấn luyện viên”
Gặp lại chị Nguyễn Thị Nga, chị cho biết: “Đã 14 năm rồi, Hội thi giờ đây đã có cái tên mới. Với bộ áo mới, Hội thi ngày càng quy mô hơn, chuyên nghiệp và cũng gay cấn hơn với nhiều công nhân có tay nghề, trình độ cũng như sức trẻ tốt hơn. Với tôi, sau giải nhất cuộc thi tay nghề năm đó khi trở lại công việc vẫn nhiệt huyết đó, vẫn sự yêu nghề nhưng đã có nhiều thay đổi. Ngoài công việc hàng ngày, tôi còn là một công nhân được nông trường chọn làm người huấn luyện, chỉ bảo cho những công nhân khác trong việc rèn luyện”. Khi được hỏi về yếu tố quyết định để đoạt BTV, chị Nga cho rằng trong Hội thi, yếu tố may mắn chiếm phần chủ đạo.
Quỳnh Mai – Gia Linh
Related posts:
- Năm 2020 cung cấp ra thị trường sản phẩm cao su Organic
- Công ty 75 trao 2 nhà “Mái ấm công đoàn”
- Nông trường Ea Hiao - Thành viên mới câu lạc bộ 2 tấn
- Cao su Đồng Nai phấn đấu vượt sản lượng trên 5%
- "VRG là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị"
- Đa dạng hình thức khen thưởng thi đua nước rút
- Cao su Lai Châu: Lương bình quân trên 4,1 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Phước Hòa dự kiến chia cổ tức năm 2022 tối thiểu 40%
- VRG chia cổ tức 1.200 tỷ đồng năm 2023
- Cao su Chư Prông kết nghĩa với Trung đoàn 710