“Thế hệ trẻ sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang”

CSVN – Cả cuộc đời gắn bó với ngành cao su, với chị Đinh Kim Huê – Nguyên GĐ NT Long Thành, TCT Cao su Đồng Nai, ngành cao su đã mang lại nhiều đổi thay trên đất Đồng Nai, đặc biệt là nhờ có cao su nhiều gia đình đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Chính vì vậy, thế hệ trẻ kế thừa phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị mà ngành cao su đã dựng xây.
Chị Chị Đinh Kim Huê (bên phải) cùng PV.
Chị Chị Đinh Kim Huê (bên phải) cùng PV.
Khó khăn nhưng luôn lạc quan

Sinh ra tại Bình Dương, lên 7 tuổi chị theo gia đình tản cư đến Cẩm Mỹ, Đồng Nai để sinh sống. Với chị, Bình Dương là quê hương, là nơi sinh ra chị nhưng Đồng Nai là nơi cho chị một gia đình, một công việc mà chị dành cả cuộc đời để gắn bó. Năm 1976, chị vào làm công nhân khi Công ty Cao su Đồng Nai tiếp quản vườn cây, nhà máy của thực dân để lại sau giải phóng. Và từ đó, chị gắn bó, trường thành, kinh qua nhiều vị trí cho đến khi nghỉ hưu, tròn 40 năm. Con số 40 năm ấy là cả một chặng đường dài, một hành trình xuyên suốt với ngành, với nghề mà giờ đây khi nhắc đến là nhiều kỷ niệm khó quên. Từ công nhân trực tiếp lên làm tổ trưởng, rồi Bí thư ĐTN cơ sở, Bí thư Chi bộ, Đảng bộ của NT Trảng Bom rồi sang NT Long Thành, chị đã để lại dấu ấn trên mỗi cương vị công tác.

Trong ký ức của cô gái 17 tuổi ngày ấy thì sau khi tiếp quản, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, của ngành, Cao su Đồng Nai làm nhiệm vụ khôi phục vườn cây, ổn định sản xuất và khai hoang, trồng mới cao su. Làm nông nghiệp nhưng thuở ban đầu làm hoàn toàn bằng thủ công, không có máy móc cơ giới hỗ trợ, sức lao động bỏ ra nhiều hơn. Lương thực và nhu yếu phẩm thiếu thốn, đời sống khó khăn, công ty phải đến những huyện gần địa bàn để mua lương thực về bán cho công nhân.

Tuy nhiên, với chị tuy khó khăn nhưng mà vui, tình cảm và nhiều kỷ niệm. Chị chia sẻ: “Trước đó, khi làm cho thực dân Pháp thì công nhân chỉ biết làm thôi. Sau giải phóng, trong tư thế người làm chủ, ai cũng làm việc rất phấn khởi, hân hoan. Người già người trẻ cùng làm chung với nhau. Vất vả đó, cực nhọc đó nhưng không thấy ai than thở, anh chị em đều tự giác với công việc với phương châm tập trung làm tốt việc, cạo hết cây, trút hết mủ, có thể nói là không khí thi đua sôi nổi. Ban ngày đi làm, buổi tối đi học bổ túc văn hóa, sinh hoạt văn nghệ. Cứ thế, rồi khó khăn nào cũng qua hết, ai cũng lạc quan, tin tưởng về một tương lai tươi sáng”.

Qua thời gian, những ngày gian khó lùi dần để nhường lại màu áo mới cho sự khởi sắc. Chị vẫn còn nhớ như in dấu mốc năm 1987 khi bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống NLĐ cũng dần dần đi vào nề nếp, ổn định và khởi sắc hơn trước. Điện lưới quốc gia về với thôn xóm, nhà ai cũng sắm sửa cho mình những vật dụng sinh hoạt cần thiết trong gia đình như ti vi, nồi cơm điện…

Tuổi trẻ – thế hệ giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của ngành

Trong suốt buổi trò chuyện, chị say sưa nói về chủ trương của công ty, của ngành mà đến nay với chị chủ trương ấy đã làm thay đổi cuộc sống của NLĐ, đó là cấp nhà ở cho công nhân. Năm 2006, nhà nước hóa giá nhà đất, những ai gắn bó với công ty được cấp nhà ở thì nay đã yên tâm về nơi ăn chốn ở. Chị kể: “Đến bây giờ khi gặp lại một số anh chị em làm cao su, họ rất phấn khởi và hào hứng vì nhờ có cao su thì gia đình con cái họ mới có đất để ở. Chủ trương cấp nhà đất cho NLĐ là chủ trương rất đúng đắn”.

Mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm khác nhau, nhưng với chị: “Dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa thì cao su vẫn là ngành nông nghiệp và con người luôn đóng vai trò quan trọng trọng việc quyết định sự thành công của đơn vị. Nói gì thì nói nhiều người vẫn thích làm cao su hơn. Theo tôi biết được thì tâm tư, nguyện vọng của những người gắn bó với cao su đã lâu vẫn muốn đeo bám với nghề. Chỉ có điều, ở đây các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, rồi diện tích cao su ngày càng thu hẹp do bị thu hồi làm các công trình công cộng xã hội, NLĐ đôi khi chưa nắm rõ nên vẫn còn hoang mang, cần phải ổn định tư tưởng để NLĐ yên tâm công tác”.

Nói về những kỳ vọng dành cho lớp trẻ và nhìn lại chặng đường của bản thân, chị tâm sự: “Tôi thiết nghĩ cần phải tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị truyền thống của ngành cao su. Các bạn được sống trong môi trường hiện đại, được thụ hưởng đầy đủ điều kiện thuận lợi của xã hội, vì thế không lý do gì mà các bạn không phấn đấu, nỗ lực trong công việc. Tôi vẫn thấy đâu đó một số bạn làm việc không đặt hết tâm huyết hoặc chỉ cầm chừng. Ở công việc nào, vị trí nào cũng vậy các bạn cần phải tự điều chỉnh lề lối làm việc, tự trau dồi rèn luyện thì mới phát triển được. Tuổi trẻ – chính các bạn là người kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của ngành cao su, những trang sử của ngành sẽ được chính các bạn viết tiếp từ ngày hôm nay”.

HÀ KHUÊ