Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn: Phát huy truyền thống, tôn tạo di tích

CSVN – Đến dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su này, từ những ngày tháng đầu đi theo ngọn cờ của Đảng cho đến hôm nay, có thể nói chúng ta đã kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn… Nhưng cuộc sống không hề dừng lại, chúng ta sẽ bước tiếp trên con đường nhiều thuận lợi, cũng lắm khó khăn, và hy vọng sẽ có những thắng lợi mới từ tinh thần quật khởi “Phú Riềng Đỏ” năm nào. Đó là một hoài niệm thiêng liêng chẳng thể nào quên, và phát huy truyền thống, tôn tạo di tích là những việc cần khắc ghi vào tâm khảm.
Vườn cây lô 9, NT Dầu Giây trồng từ năm 1906
Vườn cây lô 9, NT Dầu Giây trồng từ năm 1906
Những lời tâm huyết

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT VRG, từng nói: “Sự phát triển của VRG nói riêng và ngành cao su VN nói chung như ngày nay, đã được tạo dựng từ sự hy sinh sinh mạng, quá trình lao động miệt mài và cống hiến bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ công nhân qua các thời kỳ… Chúng tôi – thế hệ đang kế thừa di sản của các thế hệ cha anh để lại, ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm mà các thế hệ đi trước giao phó. Chúng tôi nguyện kế thừa một cách xứng đáng di sản quý báu đó, cùng nhau cống hiến tâm sức để ngành cao su VN ngày càng phát triển bền vững”.

“Ý thức vai trò, trách nhiệm mà các thế hệ đi trước giao phó” của lãnh đạo Tập đoàn, từ nhiều năm qua đã thể hiện hiệu quả trên khắp các vùng cao su. Từ những vùng cao su hoang tàn đổ nát sau ngày giải phóng, đến nay chúng ta đã có trên 900.000 ha cao su, trong đó VRG với trên 83.000 CBCNV-LĐ quản lý trên 400.000 ha cao su trong và ngoài nước… Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên của VN từ năm 2006 đến nay luôn đạt trên 1 tỉ USD…”

Hiện thì cái khó khăn, “nhức đầu” nhất của ngành là việc do giá mủ xuống thấp kéo dài đã làm giảm đáng kể thu nhập của người công nhân. Một số người “xôn xao”, rập rình bỏ ngành đi tìm việc khác. Nhưng cũng vẫn còn đó rất nhiều công nhân trung kiên. Anh Phạm Văn Thiện, công nhân Đội 6, Công ty CPCS Hòa Bình tâm đắc: “Cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người công nhân cao su khi xưa vô cùng gian nan, vất vả. Các cụ đã phải trải qua biết bao hy sinh, phấn đấu mới có được thắng lợi cuối cùng… Tôi thấy hiện nay vì cao su mất giá nên đời sống công nhân có bị ảnh hưởng, nhưng khó khăn đâu thể so bì với các bậc tiền nhân. Thấu hiểu được điều đó, chúng tôi nguyện khắc phục khó khăn, không bỏ vườn cây, choàng gánh hết mình hoàn thành nhiệm vụ, cố gắng để xứng đáng với các cụ”.

Đoàn viên Thanh niên và công nhân Công ty CPCS Đồng Phú trồng hoa trong khuôn viên di tích đang được tôn tạo. ẢNH: Vũ Phong.
Đoàn viên Thanh niên và công nhân Công ty CPCS Đồng Phú trồng hoa trong khuôn viên di tích đang được tôn tạo. Ảnh: Vũ Phong.

Hơn chục năm nay, thợ giỏi Phạm Bảo Châu ở NT Cầu Khởi, Công ty CPCS Tây Ninh vẫn vượt đều mỗi năm trên 1 tấn mủ. Khi nghe hỏi đồng lương xuống thấp sao vẫn vững tay dao, Bảo Châu cho biết đó là nhờ cô đã tích cực làm kinh tế phụ. Với 4.000 cây hoa phong lan trong vườn nhà, huê lợi cho được trên 4 triệu đồng/tháng cũng giúp gia đình giữ được sự ổn định. Cô tâm sự: “Ngành cao su đã cho tôi thật nhiều trong những khi thuận lợi, thì nay sao mình lại có thể bỏ ngành vào những lúc khó khăn. Tôi tin nhiều công nhân cao su cũng có chung tâm trạng như tôi. Chúng tôi ráng làm thêm để ổn định cuộc sống, gắn bó với ngành, bởi suy cho cùng thì việc bỏ ra làm bên ngoài thu nhập bấp bênh mà hầu như chẳng có chế độ gì”.

Năm 1989, tôi từng gặp anh Thổ Nơi, người dân  tộc Chơ Ro, một thợ giỏi của NT Bình Lộc, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Đến nay, sau 30 năm gặp lại thì anh đã trở thành một… già làng ở Xóm Chơ Ro, Bình Lộc. Anh có một đề nghị khá hay: “Nông trường tôi hiện có trên 100 công nhân là người dân tộc Chơ Ro. Bà con có biết đến ngày thành lập Tổng Công ty cao su Đồng Nai là 2/6, chứ hỏi đến ngày truyền thống ngành cao su 28/10 thì không ai biết. Tôi có quen một số bạn công nhân là người dân tộc Ê Đê, S’Tiêng ở các đơn vị khác, hỏi đến ngày 28/10 thì   ai cũng mù tịt! Tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục để bà con công nhân là người dân tộc được biết, được hiểu về ngày truyền thống vẻ vang của ngành”.

Ông Đặng Thành Công, nguyên Chủ tịch Công đoàn Cao su VN có nhận định: “Ngành cao su đã  trải qua nhiều thăng trầm, bão táp, nhưng rồi cũng đã vượt qua và lớn mạnh như ngày nay. Với bề dày truyền thống 90 năm lịch sử vẻ vang, hào hùng mà không phải ngành nào cũng có được, đây chính là sức mạnh tinh thần lớn lao giúp ngành tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới”.

Rất hào sảng, ông Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, nói: “Nay, tuy tình hình khó khăn nhưng chúng ta không “kêu” nữa mà phải chủ động “sống chung với giá mủ thấp”, đoàn kết một lòng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Tôn tạo khu di tích, giữ lấy vườn cây lịch sử, mái nhà xưa

Khu di tích Phú Riềng Đỏ (nơi đặt tượng đài Phú Riềng Đỏ) là di tích lịch sử quốc gia do Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước quản lý. Khu di tích nằm trên địa bàn Công ty CPCS Đồng Phú nên từ nhiều năm qua, công ty cũng đã có nhiều đóng góp trong việc chỉnh trang, tu bổ, giữ gìn…, với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên công ty. Anh Đặng Kim Mùi, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CPCS Đồng Phú cho biết: “Vào những dịp định kỳ hàng năm, chúng tôi đều huy động các Đoàn cơ sở ở khu vực trung tâm như Đoàn khối cơ quan công ty, Đoàn NT Thuận Phú, Đoàn NT Tân Thành đến làm vệ sinh, cắt, dọn cỏ trong khuôn viên tượng đài, và phối hợp với Ban tổ chức trong phục vụ các buổi lễ”.

Đoàn viên Thanh niên và công nhân Công ty CPCS Đồng Phú trồng hoa trong khuôn viên di tích đang được tôn tạo. ẢNH: Vũ Phong.
Đoàn viên Thanh niên và công nhân Công ty CPCS Đồng Phú trồng hoa trong khuôn viên di tích đang được tôn tạo. Ảnh: Vũ Phong.

Do đây là công trình có nhiều ý nghĩa với ngành cao su, nên trong nhiều hoạt động mang tính lễ hội hàng năm, công ty đều tổ chức dâng hương, hoa tại Khu di tích. Đặc biệt là vào ngày truyền thống ngành cao su 28/10, Tập đoàn thường phối hợp với công ty để tổ chức dâng hương tưởng niệm. Năm nay, nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành 28/10, Tập đoàn và Công đoàn Cao su VN đã tiến hành tôn tạo Khu di tích, với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng, do Công đoàn Cao su góp 2 tỷ đồng, số còn lại do NLĐ đóng góp. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành, với các hạng mục được tôn tạo gồm khu vực làm lễ, nhà bia, nhà chờ, cổng chào… trong khuôn viên khu di tích, được nâng từ 0,4 ha trước đây lên 0,8 ha.

Nhằm lưu giữ lại những hình ảnh, hiện vật ghi dấu bao thời khó khăn, gian khổ và quá trình phát triển đi lên, hầu hết các đơn vị trong ngành cao su đều đã xây dựng Nhà truyền thống. Có một tín hiệu đáng mừng là ở một số nơi, tinh thần truyền thống đã “bước ra” khỏi không gian của bốn bức tường quen thuộc, được tôn tạo và phát huy giá trị bằng trực quan sinh động nơi những vườn cao su lịch sử.

Thời cao su thuộc Pháp, nhà ở của công nhân được gọi là “nhà hãng” với mái lợp ngói âm dương, kèo, đòn tay làm bằng gỗ dầu, tường xây xi măng với một cửa sổ và một cửa chính bằng gỗ, còn nền thì chủ yếu là nền đất. Cả trăm năm đã trôi qua, nhiều căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nên trong làng công nhân hiện nay, nhiều người đã đập bỏ xây nhà mới, với tỉ lệ cũng khá cao, có thể lên tới trên 90%. Nhưng đâu đó ở khắp các nông trường, cũng còn những người công nhân vẫn giữ lấy mái nhà xưa.

Ông Trần Công Vụ là một phu công tra từ Quảng Trị vào, từng làm việc ở đồn điền Dầu Giây, Đồng Nai từ những năm đầu thế kỷ XX. Ông đã sớm qua đời, do mắc phải căn bệnh sốt rét hiểm nghèo. Sau khi ông mất thì con gái là Trần Thị Hường tiếp bước làm thợ cạo mủ, nay đã bước vào tuổi 85. Mặc dù đã về ở với người con trai cũng là một công nhân nông trường, nhưng cụ Hường vẫn giữ lại mái nhà xưa, nơi từng lưu dấu biết bao kỷ niệm của gia đình với cha mẹ, anh em. Nhà đã xuống cấp nhiều, nhưng cụ quyết không thay đổi hiện trạng. Cụ nói: “Ngôi nhà này gắn liền với nhiều kỷ niệm về một thời làm cao su của gia đình tôi… Tôi cố lưu giữ không phải cho riêng mình, mà còn để cho lớp con cháu sau này nhìn thấy mà hình dung được lớp cha ông đã sống như thế nào”.

Chị Nguyễn Thị Thìn 67 tuổi, một công nhân NT Bến Củi, Tây Ninh đã nghỉ hưu, là con của hai bác Nguyễn Văn Thái – Nguyễn Thị Đã, là phu công tra từ Nam Định vào. Chị vẫn ở trong ngôi nhà cổ mang số 18, đường số 3, ấp 2, xã Bến Củi từ bé cho đến nay. Chị tâm sự: “Tôi quí ngôi nhà này lắm, vì cứ đi lao động mệt mỏi về đến nhà là lại thấy khỏe, như được sự vỗ về, an ủi của cha mẹ ngày xưa”. “Có nhiều người cũng đã đặt vấn đề với tôi xin mua lại mảnh vườn có ngôi nhà này rồi đập bỏ xây “biệt thự”, nhưng tôi không đồng ý. Làm như thế thì có tiền nhưng vĩnh viễn mất đi nơi từng một thời lưu dấu mẹ cha thương quí”, chị bộc bạch.

Ý thức công nhân trong việc gìn giữ mái nhà xưa thật đáng trân trọng, nhưng liệu có cầm cự được mãi trước tàn phá của thời gian? Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo trong ngành cùng quan tâm đến vấn đề này, có hướng chỉ đạo thiết thực hơn trước một một khía cạnh sâu sắc của bảo tồn truyền thống.

Năm 1906, đồn điền Suzannah (Pháp) đã trồng thử 1.000 gốc cao su tại Dầu Giây thành công, và vị trí này sau đó đã trở thành lô 9 của đồn điền, đánh dấu sự ra đời của ngành khai thác cao su ở vùng Đồng Nai, Biên Hòa.

Ông Lê Văn Phúc, một cán bộ NT Dầu Giây (Tổng Công ty cao su Đồng Nai) cho biết: “Được giao quản lý vườn cây cao su bảo tồn của ngành cao su Việt Nam, qua kiểm kê của NT còn 306 cây, trong đó có 74 cây bị cụt ngọn, hư mục, 21 cây bị mưa gió, lốc xoáy làm trốc gốc, gãy đổ. Vì vậy, vườn cao su di tích hiện chỉ còn 211 gốc. Để tránh lãng phí đất, từ năm 1991 NT đã trồng xen vào 625 cây. Đoàn Thanh niên NT hiện được giao phụ trách vườn cây lịch sử này”.

Tôi đi cùng anh Trần Sơn Vũ, Bí thư Đoàn Thanh niên NT đến vườn cây lịch sử. Vườn cây được bao bọc bởi tường rào kiên cố với cổng chào trang trọng, bên trong có một nhà bảo tồn trưng bày một số hiện vật liên quan. Anh Nguyễn Đình Thương 53 tuổi, người công nhân duy nhất được phân công khai thác những cây cao su trồng xen và chăm sóc vườn cây cũng đến góp chuyện với chúng tôi. Anh Vũ nói: “Đoàn Thanh niên NT tôi với 26 đoàn viên, sau những giờ làm việc chính thì thường đến vườn cây bảo tồn để chăm sóc, giữ gìn vườn cây với những việc cụ thể như dọn chà bị gãy từ cây do mưa gió, quét dọn, làm vệ sinh nhà bảo tồn. Định kỳ mỗi năm có hai lần phát cỏ giữa hàng, làm cỏ, quét lá đường băng, chú trọng phòng chống cháy, rồi kiểm kê, theo dõi đều đặn tình hình vườn cây sinh trưởng theo thời gian”.

Anh Nguyễn Đình Thương cho biết sau khi đi bộ đội về, anh vào làm công nhân NT Dầu Giây từ năm 1991. Vẻ xúc động, anh tâm sự: “Mình làm ở đây lương tháng trên dưới 5 triệu, cũng như công nhân ở các đội nhưng trách nhiệm nặng nề hơn. Vậy mà cứ thấy trong lòng vui vui thế nào ấy, khi vinh dự được là người chăm sóc vườn cao su lịch sử. Mình sẽ cố gắng hết sức để giữ cho vườn cây được trường thọ”. Tôi quay qua anh Vũ: “Vậy rồi qua nhiều năm kiêm thêm công việc ở đây, anh thấy có điều gì đáng quan tâm?”. Không phải mất nhiều thời gian suy nghĩ, anh Vũ đáp: “Tôi thấy vườn cây đã già cỗi nên rất cần được sự chăm sóc đặc biệt về kỹ thuật. Mùa mưa lũ vừa qua, có cây bị trốc gốc, anh em chúng tôi nhìn thấy ở phía trong bộ rễ bị rỗng do mối mọt đục nát nên cây không còn đủ khả năng bám đất. Lại thêm nhiều cây gần như chỉ còn lớp vỏ bên ngoài thôi, phải đeo cành nhánh nặng rất dễ bị gãy nhánh… Để cây có thể kéo dài tuổi thọ, rât cần có sự hỗ trợ thêm từ cán bộ các cấp”.

Thật là một kiến nghị chí lý, tôi trân trọng ghi lại tiếng nói của anh Bí thư Đoàn.

SÁU VƯỜN ƯƠM