Ngọn đuốc Phú Riềng Đỏ

CSVN – Tôi về hưu mới đó mà đã mười bảy mười tám năm rồi. Thời gian trôi lẹ quá. Năm tháng, tuổi tác chất chồng khiến cho đời người dễ buông xuôi.
CBCNV ngành cao su dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Tùng Châu
CBCNV ngành cao su dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Tùng Châu

Là cứ tưởng vậy. Là vương vấn, tiếc nuối, câu thúc một điều chi mà không lý giải được thì nghĩ suy, toan tính vậy thôi chứ thật ra, nói thật lòng, dễ gì quên được mấy mươi năm trời gắn bó với cây cao su, với những công nhân cần mẫn, chắt chiu nên dòng vàng trắng ấy!

Tôi lắng nghe. Lốc xoáy ở miền Đông. Cơn bão ập vào miền Trung. Rồi miền Bắc chịu ảnh hưởng cơn bão số… Hàng trăm và có thể hàng ngàn cây cao su gãy đổ. Xót xa quá!

Tôi lắng nghe. Suốt tháng trời mưa dầm dề từ miền Đông Nam Bộ và cả dọc Trường Sơn Tây Nguyên. Độ ẩm vườn cây tăng cao. Bệnh phấn trắng hoành hành. Thể nào chất lượng, sản lượng mủ cũng giảm sút. Thiên thời vậy, thật buồn!

Rồi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế thế giới liên tục nhiều năm trì trệ, vài năm gần đây có xu hướng hồi phục nhưng rất chậm chạp. Nước ta nằm trong bối cảnh chung đó làm sao tránh né được “cơn bão” toàn cầu? Nói cho cụ thể sát sườn là từ 2013 đến nay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm dường như bị ách tắc trong việc xuất khẩu mủ cao su nguyên liệu. Bởi giá thành trên một tấn sản phẩm không những hạ ngay mức giá sàn mà còn tuột dốc xuống dưới mức đó nữa!

Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” như vậy Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn kiên trì, bản lĩnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khôi phục vườn cây miền Trung duyên hải, tập trung chăm sóc hàng vạn hecta cao su đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản ở các tỉnh phía Bắc, tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới ở Lào và Campuchia để hoàn thành mục tiêu sớm nhất 100.000 ha cao su trên đất bạn. Mặt khác, tăng năng suất, chất lượng khai thác mủ, đa dạng hóa sản phẩm, triệt để tiết kiệm điện, nước, xăng dầu và các chi phí khác một cách tối đa để hạ giá thành sản phẩm. Điều quan trọng nữa là mở rộng thị trường tiêu thụ mủ cao su nguyên liệu và hàng hóa cao su…

Như thế là rất nhiều công việc phải làm, phải kiên quyết đứng vững trên đôi chân của mình. Vì hai mục tiêu cơ bản là từng bước hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành cao su VN làm sao Ngành cao su sớm trở thành ngành kinh tế hàng đầu của đất nước. Và việc thứ hai rất quan trọng là chăm lo đời sống mọi mặt cho trên 130.000 cán bộ công nhân viên trong ngành. Trước mắt khó khăn quá thì bảo đảm lương tối thiểu. Còn việc chăm lo sức khỏe, việc học hành của con em công nhân thì phải đặc biệt quan tâm. Đó là “sức bền”, là tương lai lâu dài của Ngành cao su, không thể lơ là được.

Bề bộn khó khăn. Bề bộn công việc. Trong bối cảnh đó Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN phối hợp với tất cả các đơn vị trong Ngành mở ngày hội lớn chào mừng “85 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam”. Tư tưởng chủ đạo của ngày hội là tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của lớp lớp công nhân cao su VN, của “Phú Riềng Đỏ” anh hùng, đức tin bền bỉ, thủy chung, sáng tạo của lớp lớp công nhân ngày hôm nay.

Và ngày hội lớn được cụ thể hóa bằng các cuộc thi tài thể dục thể thao, văn nghệ, thi trả lời câu hỏi, thuyết trình về truyền thống Ngành cao su VN… Không những thi trên sân khấu mà còn thi cả trên bài viết của từng cá nhân nữa. Các cụm thi ở các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung duyên hải, ở TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ thật sự là ngày hội lớn, đặc biệt sôi động và hấp dẫn dường như khiến cho người ta “quên đi” mủ cao su xuống giá và cơn bão đã đi qua…

Tôi rất may mắn được Ban tổ chức cử vào Ban giám khảo các cuộc thi đó. Tôi sung sướng lắm và thấy mình hạnh phúc quá chừng!

Ngồi xem các loạt ảnh miêu tả ngày xa xưa công nhân cao su bị chủ Tây hành hạ tàn nhẫn và chính họ đã vùng lên đòi cơm áo, đòi độc lập tự do như thế nào sau ngày 28 – 10 – 1929, khi lá cờ Đảng tung bay giữa rừng thẳm cao su Phú Riềng cách nay đã 85 năm! Rồi những lời thuyết trình thấm đẫm tình đời, tình người; có lúc giọng nói của những người công nhân trẻ ấy sâu lắng, câu thúc nhạt nhòa trong nước mắt bởi lòng biết ơn, tôn kính bậc tiền nhân năm xưa… Thật lòng, làm giám khảo nhưng những thời khắc ấy mắt tôi rưng rưng, lúng túng không biết cho điểm như thế nào!

Thế hệ trẻ trong ngành tham gia các cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành với tấm lòng tri ân, trân trọng giá trị lịch sử. Ảnh: Tùng Châu
Thế hệ trẻ trong ngành tham gia các cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành với tấm lòng tri ân, trân trọng giá trị lịch sử. Ảnh: Tùng Châu

Còn các bài viết dự thi đều rất đáng trân trọng. Bài nào cũng giới thiệu ngắn gọn thành tích nổi bật về công ty mình, cũng thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, tính kiên trì, tự tin vì sự nghiệp bền vững của “Ngành cao su nước nhà”. Có những bài viết nhẹ nhàng như lời tâm sự, tỉ tê như tự kể cho riêng mình… Một nữ công nhân trẻ ở Cao su Bình Long viết rằng, “Em là đời thứ 3 làm công nhân cao su. Đời ông bà nội em không rành lắm nhưng chắc là rất nghèo. Đời cha mẹ em có khá lên nhưng vẫn còn nghèo. Em nhớ khi em bé xíu, chạy quanh trong nhà, hễ nghe tiếng còi hú dài từ nhà máy vang lên là mẹ sắp về. Mà chờ lâu lắm đấy. Mẹ đạp chiếc xe cũ kỹ, cọc cạch làm sao nhanh được! Rồi em đi học. Tiếng còi vang lên. Mẹ vẫn đón em về trên chiếc xe cọc cạch ấy. Bây giờ em là công nhân nhà máy chế biến cao su, nơi mẹ làm việc năm xưa, em đi làm bằng chiếc xe máy mới tinh…”

Rồi có chàng trai lại kể, ngày bé theo mẹ ra vườn cây khai thác mủ. Thấy đường lô sâu hun hút cậu ta muốn chạy tới tận cùng kia thử có gì không, nhưng chạy bở hơi tai cũng chẳng tới. Bây giờ, chàng trai nghĩ hóm rằng, rừng cao su trên đất nước mình mênh mông từ Nam ra Bắc, thấu tận Lào – Campuchia làm sao chạy cho thấu? Lại có một nữ công nhân sắp đặt chu đáo: “Vườn cây mình trồng ba tuổi rồi. Đẹp ơi là đẹp. Một năm nữa càng đẹp hơn. Vừa đúng ngày lịch cưới của mình rồi đấy. Mình với anh ấy cùng ra vườn cây chụp ảnh, bộ váy cưới của mình sẽ là màu đỏ nổi bật giữa vườn cao su xanh…”

Công nhân cao su mình thật là lãng mạn! Thời điểm khó khăn này chất lãng mạn ấy là lòng tin. Quý lắm! Tôi nhớ, cách nay 32 năm, tôi cùng cố nhà thơ Chế Lan Viên đến thăm Nông trường Cù Bị (thuộc CTCS Đồng Nai). Hồi đó Cù Bị đang khai hoang trồng mới nên ngổn ngang, gian khổ lắm. Vậy mà Chế Lan Viên nói với cố Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai Phạm Sơn Tòng rằng: “Khi đã có một hiện thực rồi thì tha hồ lãng mạn, lãng mạn là lãi là lời…”

Hiện thực ngành cao su ngày nay lớn hơn rất nhiều so với trên ba thập niên trước đây. Biết khó khăn đang ở phía trước, nhưng công nhân ngành cao su Việt Nam vẫn lãng mạn cách mạng, tràn đầy niềm tin hướng về ngọn đuốc Phú Riềng Đỏ, xây dựng ngành ngày càng phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Phan Lê Phương