CSVN – Đối với mỗi một công nhân ngành cao su dù làm bất cứ công việc gì cũng đều có nhiều kỷ niệm. Chuyện vui buồn đan xen trong suốt chiều dài cuộc sống. Là một công nhân khai thác thì tình yêu nghề gắn với tinh thần trách nhiệm – bảo vệ sản phẩm của mình làm ra bằng mọi giá.
Đầu năm 2003, tôi được điều về tổ khai thác số 1, Nông trường K’Dang, Công ty Cao su Mang Yang để nhận phần cây của một công nhân nghỉ việc. Sau khi tôi về đây mới biết phần cây này là điểm nóng nhất của nông trường – Bởi những công nhân khai thác luôn ngại nhận nhất là phần cây ngoài biên, vì những phần cây này thường xuyên bị “mủ tặc” dòm ngó. Thêm nữa là vật tư thường bị đập phá, đồ dùng sinh hoạt nhiều lúc “không cánh mà bay”…
Phần cây của cả tổ nằm sát thôn Hà Lòng và làng dân tộc B’La của xã K’Dang. Diện tích hơn 100ha chỉ có một bảo vệ. Ở Tây Nguyên muốn có nhiều mủ công nhân phải đi cạo từ 1-2 giờ sáng. Nếu cạo muộn, nắng lên gặp gió thì năng suất sẽ giảm mạnh. Nắm được quy luật, “mủ tặc” lợi dụng khi công nhân cạo đầu lô bên này là trút trộm đầu lô bên kia hoặc ngược lại. Chén để nghiêng hoặc vứt bừa bãi miễn sao trút mủ thật nhanh để “cao chạy xa bay”.
Đặc biệt có nhiều hôm khi thấy trời đổ cơn giông là người dân của hai thôn tràn vào lô trút mủ trắng trợn. Công nhân nhiều lúc bất lực trước sự lộng hành của mủ tặc và chỉ biết kêu trời.
Chính những điều đó đã làm tôi trăn trở ăn ngủ không yên. Phải làm việc gì đó để ngăn chặn tình trạng này. Nghĩ là làm, tôi lên gặp anh Hồ Sỹ Hiếu – Giám đốc nông trường và anh Tống Xuân Ngẫy – Trợ lý bảo vệ trình bày và được chấp nhận, thống nhất thực hiện phương án: “Tập trung bảo vệ, phối hợp công an, ngăn chặn người dân không vào cướp mủ”.
Một buổi sáng tháng 6/2003, khi cơn giông vừa kéo đến, người dân kéo ra từ các ngả đường đến lô. Vừa lúc tất cả bảo vệ của nông trường và công an hai thôn làng kết hợp cùng tổ trưởng và công nhân cả tổ triển khai đứng khắp các hàng cao su đường biên. Còn tôi kêu gọi: “Tất cả bà con hãy về đi, từ nay không được vào lô lấy mủ. Nếu ai còn vào lô lấy mủ sẽ bị công an và bảo vệ bắt lên huyện giam và phạt tiền”. Tôi vừa dứt lời, một số người rỉ tai nhau và lần lượt kéo về hết. Sáng hôm đó ai cũng ướt sũng, lạnh tê tái nhưng nụ cười lại nở trên môi.
Từ đó trở đi người dân không còn vào lô trút mủ nữa. Nhưng phần cây của tôi thì bị người ta trả thù bằng cách đục thủng chén hứng mủ. Tôi đã gom hết số chén bị đục thủng và dùng xi măng bịt lỗ rải ở các đường biên. Cũng từ đó, tôi có thêm biệt danh “Vui – chén xi măng”.
Hơn 6 năm tôi nghỉ hưu nhưng mồi lần nghĩ đến những kỷ niệm của nghề trong tôi lại trào dâng niềm tự hào vì đã trút được một gánh nặng trên vai. Biệt danh “Vui – chén xi măng” – là dấu ấn đẹp về nghề nghiệp. Để rồi hôm nay lại cảm thấy vui khi thấy trên mỗi vười cây hình ảnh người công nhân cần mẫn chăm sóc, thường xuyên luyện tay nghề, nâng cao kỹ thuật cạo để khơi thêm những dòng nhựa trắng, đem mạch sống cho đời góp phần làm giàu cho gia đình và xây đắp Tập đoàn vươn lên tầm cao mới.
NGUYỄN SỸ VUI
(Đăk Đoa – Gia Lai)
Related posts:
- Những kỷ niệm đầu tiên
- Nên giảm suất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến
- "Tâm lý vững, quyết tâm cao"
- Tổ trưởng năng động, gương mẫu
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- 27 năm làm đội trưởng
- Đỗ Lường Minh: Cán bộ Đoàn - Người thợ trẻ giỏi nhiệt huyết
- "Mùa nước rút, hắn cho mủ nhiều lắm"
- Mới ngày 30/8 đã hoàn thành kế hoạch!
- "Xuân này anh không về"