CSVN – Dành gần cả cuộc đời gắn bó với ngành nghề truyền thống gia đình, anh Nguyễn Trung Kiên – Đội trưởng Đội bảo vệ NT Xà Bang, Cao su Bà Rịa luôn dành tình cảm trân quý với ngành nghề, luôn nỗ lực để tiếp nối truyền thống gia đình, duy trì và phát triển nghề mà mình lựa chọn.
Lập nghiệp với nghề phu công tra
Trong không gian đơn sơ, bình dị tại căn nhà nhỏ, anh Nguyễn Trung Kiên kể cho chúng tôi nghe về truyền thống gia đình 4 thế hệ gắn bó với nghề cao su. Anh nói: “Gia đình tôi bắt đầu với nghề từ thời ông bà cố. Ông cố Lê Văn Tắt (sinh năm 1904) và bà cố Nguyễn Thị Phấn (sinh năm 1906). Ông bà cố quê ở Thanh Hóa vào miền Nam lập nghiệp và chọn nghề công nhân cao su để gắn bó. Công việc làm phu công tra ngày đó cực nhọc, trong những câu chuyện mà ông bà tôi kể lại, tôi vẫn nhớ rõ công việc cao su thời ấy, trồng cao su phải làm việc 12-14 giờ hoặc hơn. Vừa phát quang rừng rậm, vừa đào hố trồng cao su. Công việc cực nhọc nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Ấy vậy mà ông bà cố vẫn quyết bám trụ với nghề cho đến lúc hết độ tuổi lao động. Thật sự tôi rất khâm phục tính can trường và chịu khó của ông bà cố tôi”.
Ông bà cố của anh Kiên là những người đã đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp cao su của gia đình và điều này đã được kế thừa qua 4 thế hệ sau này.
Tình yêu nảy nở từ cao su
Ông Nguyễn Trung Nghĩa (ông nội anh Kiên) là thế hệ tiếp nối thứ 2 của gia đình làm nghề cao su. Năm 1946 – 1951 ông đi phu công tra đồn điền cao su tại Buôn Mê Thuột. Năm 1951 – 1960 chuyển về làm việc tại Đồn điền Cao su Bình Ba, tại đây ông đã gặp bà Lê Thị Bảy (bà nội anh Kiên), bà theo ông bà cố vào Nam cũng bắt đầu làm công nhân cao su từ lúc mười mấy tuổi. Cùng làm việc trong một đơn vị, thấy bà Bảy là một người luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc nên ông Nghĩa đã để ý tìm hiểu. Sau đó hai người đã cùng nhau viết nên một mối tình bền chặt đi cùng năm tháng.
Giai đoạn năm 1960 – 1975 ông Nghĩa tham gia cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bị địch bắt. Sau khi được thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng ông quay lại làm cao su và giữ chức quản lý NT Cẩm Đường, Cao su Đồng Nai được 4 năm, tiếp đó ông chuyển công tác đến làm việc tại NT Bình Ba được 8 năm rồi nghỉ hưu. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Về hưu ông cũng là một đảng viên gương mẫu sinh hoạt tại Chi bộ Đức Trung thuộc Đảng bộ xã Bình Ba.
Vững tin vào nghề đã chọn
Thế hệ thứ ba của gia đình theo nghề cao su là cha mẹ anh Kiên, ông Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1958) và bà Dương Thị Cẩm Vân (sinh năm 1959). Ông Nguyễn Trung Hiếu bắt đầu làm việc trong ngành cao su từ tháng 6/1976 tại phòng bảo vệ NT Bình Ba, đến năm 1989, ông chuyển sang làm công nhân lao động trực tiếp tại vườn cây. Bà Dương Thị Cẩm Vân (mẹ anh Kiên) cũng làm công nhân cao su tại NT Bình Ba cho đến lúc nghỉ hưu.
Anh Kiên – thế hệ thứ 4 trong gia đình theo nghề cao su. Sau khi anh học xong ngành kỹ thuật công nghệ, anh cũng quyết tâm xin vào làm cao su để tiếp nối truyền thống gia đình. Anh Kiên tâm sự: “Gia đình tôi đã trải qua 3 đời làm nghề cao su và đến thế hệ của tôi, tôi cũng muốn dành cuộc đời mình để cống hiến cho nghề này và tiếp nối truyền thống gia đình. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà và cha mẹ truyền dạy giữ nghề và tôi đã hứa sẽ nỗ lực để trở thành một người nhân viên giỏi trong ngành cao su. Điều này không chỉ có ý nghĩa giúp tôi duy trì truyền thống gia đình, mà còn mang lại một mức thu nhập ổn định cho tôi và gia đình”.
Anh Kiên bắt đầu công việc làm bảo vệ văn phòng Công ty CPCS Bà Rịa, sau đó một thời gian được phân làm bảo vệ đội cơ động của công ty. Đầu năm 2022, anh Kiên được chuyển về làm đội trưởng đội bảo vệ nhà máy. Đến năm 2023 được phân công làm Đội trưởng Đội bảo vệ NT Xà Bang.
“Gắn bó với nghề không chỉ bởi sự thích thú mà còn xen lẫn cả tự hào vì giữ gìn được truyền thống gia đình. Nhờ công việc này, tôi đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, cùng với việc đảm bảo con cái được đi học, hưởng thụ một nền giáo dục tốt. Hiện tại tôi đã có 1 cháu học lớp 12 và 1 cháu học lớp 7” – anh Kiên chia sẻ.
Với công việc, anh Kiên là một nhân viên luôn năng nổ trong nhiều hoạt động. Anh đã được nhận nhiều bằng khen của Tập đoàn, là Chiến sỹ thi đua nhiều năm liền. Đồng thời anh Kiên cũng hăng hái tham gia các hoạt động VHVN, TDTT và nhận nhiều giải thưởng tại đơn vị. Anh Kiên bộc bạch: “Trong dịp kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su tổ chức tại Cao su Phú Riềng, tôi là đại diện duy nhất ở Cao su Bà Rịa được chọn để tham gia và vinh dự nhận được Kỷ niệm chương của Tập đoàn. Đây là phần thưởng mà tôi rất tự hào và trân quý, đó là quà tặng ghi nhận tinh thần chịu khó và tình yêu ngành, yêu nghề của gia đình tôi”.
HẰNG NY
Related posts:
- "Tổ chức sản xuất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm v...
- Cao su mùa thay lá
- Tối ưu hóa năng suất vườn cây tái canh: Cần những yếu tố gì?
- Người tổ trưởng luôn đề cao vai trò nêu gương
- Điển hình phát triển kinh tế gia đình ở Cao su Phước Hòa
- Khu vực Tây Nguyên: 7 đơn vị có tiến độ sản lượng cao
- Gỗ MDF VRG Kiên Giang nghiên cứu phát triển sản phẩm mới
- Cao su Bình Thuận: Thực hiện hiệu quả các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản lượng
- Giải nhất Bàn tay vàng 2022 Cao su Dầu Tiếng: Thành quả của một quá trình rèn luyện
- Cần cơ chế hỗ trợ người lao động làm việc ở Lào, Campuchia