CSVN – Chỉ mới chớm hạ thôi, không khí vẫn còn chút day dứt níu kéo của mùa xuân thanh mát. Đã gần cuối tháng ba, bức tranh cuộc sống dường như đã thay màu, cây bút của “họa sĩ” thiên nhiên tô thêm sắc vàng rực rỡ cho nắng, cho những cơn gió mang theo hơi nóng oi oi của hạ muôn thuở không phai.
Dọc đường tôi qua những chúm đỏ đã lấp liếm đầu cành, có thể là cánh phượng của mùa xuân vừa qua còn vương lại sắc hồng chưa kịp phai hoặc là cánh phượng mới đầu mùa hạ đang lừng lửng bước tới. Đi trong sắc phượng tươi thắm dọc bờ sông lộng gió, trong chùm hoa hoàng yến rũ buông những cánh mỏng mênh mang.
Hình như trong tôi thoáng bâng khuâng về một loài hoa khiêm nhường nơi miền quê nắng bụi mà ít ai nhớ, thậm chí chẳng ai thèm quan tâm mặc dù đã sắp bước vào mùa cạo mới sau thời gian lá rụng ủ mùa từ cuối đông sang xuân.
Những lô cao su đứng trong nắng, yên tĩnh chừng như nghe được tiếng lá chạm khẽ mặt đất. Những lá úa vàng xen với màu tim tím của lá non lộc mới, dưới nách lá là chùm hoa li ti màu vàng nhạt và những trái cao su tròn tròn, xanh xanh. Vườn cao su lúc này phủ một màu vàng mơ pha lẫn màu xanh, ấp ủ trong lòng một dòng nhựa trắng ứa trên từng mạch sống của thân cây.
Mùa cao su thay lá là mùa đẹp nhất của vườn cây nhưng cũng là lúc cây yếu nhất vì dồn hết sinh lực để nuôi lá, để cây trổ hoa kết trái, đồng nghĩa với mùa nghỉ cạo của người công nhân lấy đêm làm ngày. Lúc này họ chuyển sang làm những công việc vặt vãnh chăm sóc cho cây như thổi lá, bôi thuốc cho từng vết dao cạo chạm vào thớ thịt của cây như từng vết thương cần được băng bó, úp những chén đựng mủ xuống một hàng thẳng đều..
Tôi tưởng như chúng là những “nàng công chúa” đang say ngủ trong giấc mơ chờ hoàng tử đến đánh thức rồi mang hạnh phúc đến cho nàng khi bắt đầu mùa cạo mới vào lúc tầng lá đã ổn định.
Tháng ba cũng là lúc những con ong cần mẫn gây mật cho đời. Người nuôi ong lấy mật đã di chuyển đàn ong của mình đến với những vườn cao su đang đồng loạt nở hoa nhưng có ai ngờ, ong đâu chỉ hút mật từ hoa mà còn từ lá. Những chiếc lá úa vàng tiết ra một một lượng mật khá lớn mà những chú ong rất thích, kể cả lá cao su non vừa mới nhú ra cũng cho rất nhiều mật ở phần cuống lá và đây cũng là loại mật có giá trị cao bởi chứa nhiều đường glucose, có màu vàng nhạt, mùi thơm, vị ngọt dịu.
Cao su lúc giao mùa cho người ta vẻ đẹp trầm lặng từ bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ. Từ màu lá nõn xen lẫn những chùm hoa vàng nhạt, đôi chỗ kết những chùm trái cũng xanh xanh, khi chín trái cao su chuyển sang nâu và nổ bung tạo âm thanh lách tách cho hạt rơi ra. Dưới chân cây là thảm lá vàng xen với cỏ dại. Trên bầu trời là nắng vàng ươm như mật của loài ong cần cù, chăm chỉ.
Cao su còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà tôi mường tượng như vẻ rạng rỡ của người phụ nữ đẹp cả người lẫn nết, từ trong lòng mang những dòng nhựa trắng như dòng sữa ngọt dành tặng cho thiên chức sinh sôi. Bên cạnh đó thì hoa, lá cao su cũng dâng hiến cho người những giọt mật mát lành giúp hàn gắn những khổ đau, cay đắng hứng chịu từ cuộc đời gian khó.
Thoáng chạnh lòng khi hoa phượng thắm một góc trời báo hiệu cho học trò sắp sửa xa trường, xa bạn nhưng nhung nhớ không phai là chùm hoa li ti khiêm nhường nhỏ bé, từa tựa đóa sầu đâu mà không có vị đắng cay, chỉ lặng lẽ một mùi hương quyến rũ cuốn hút ong mật tìm về tạo cho đời một chút nồng nàn lan tỏa. Một chút thôi cũng đủ, phải không hoa?!
NGUYỄN HỒNG VÂN
(Thị trấn Gò Dầu – Tây Ninh)
Related posts:
- Sôi nổi Hội thao khu vực IV
- Cần lắm sự sẻ chia!
- Sôi nổi giải quần vợt Cúp Truyền hình Quốc phòng
- Giám đốc đồn điền và những người giúp việc
- Sôi nổi Hội thao Cao su Phú Riềng
- Tây Nguyên vào hạ
- Hãy giúp cháu bé bị não úng thủy
- Ấm lòng tình cảm người thợ mỏ
- Cao su Quảng Trị vô địch bóng chuyền nam Hội thao khu vực II
- Gửi bạn đảo xa