CSVN – Giản dị, nhiệt thành và hào sảng là tính cách thường thấy của ông Võ Sỹ Lực – Nguyên Chủ tịch HĐTV VRG, cây bút quen thuộc của Tạp chí Cao su VN với bút danh Minh Anh.
Sau khi Tạp chí CSVN đăng tải toàn bộ tác phẩm “Cao su – Dòng chảy hào hùng” (Số 557– 564), chúng tôi tìm gặp và trò chuyện với tác giả tại nhà riêng ở Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
– Ông viết “Cao su – dòng chảy hào hùng” trong khoảng thời gian bao lâu?
Thú thật khi có quyết định về hưu (năm 2018), tôi có nhiều thời gian để suy ngẫm chặng đường 42 năm làm việc trong ngành. Đi nhiều, biết nhiều và “va đập” cũng khá nhiều với những thăng trầm của ngành cao su Việt Nam. Như một mệnh lệnh, thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó cho ngành, lại thêm sự động viên, khích lệ của nhà báo Trương Đăng Lân: “Viết một tác phẩm mang tầm vóc ý nghĩa, có giá trị về truyền thống hào hùng của ngành, về vẻ đẹp người lao động “một nắng hai sương” để đăng tải trên Tạp chí Cao su VN và Tờ tin Công đoàn”.
Cao su là một ngành có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết và phát triển song hành với tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, nghĩ và quyết định viết, viết để “thay lời muốn nói”, tri ân các thế hệ cha anh đi trước đã dày công gây dựng ngành cao su phát triển bền vững như ngày hôm nay.
Chất liệu đã có, tác phẩm được “thai nghén” từ lâu, nhưng chờ cảm xúc “bật thành lời” cũng khá nan giải. Thế là, động lực để cảm xúc thăng hoa đã tới, trong thời gian rảnh rỗi thực hiện giãn cách xã hội vì dịch covid – 19, “Cao su – Dòng chảy hào hùng” “ra đời” rất tự nhiên, cảm xúc cứ thế mà tuôn chảy. Những câu nọ nối tiếp những câu kia cứ dày lên trên từng bản thảo, càng viết lại càng hăng, có những lúc viết rồi lại xóa. Có thể nói đó là cuộc “vật lộn câu chữ” và gần 2 tháng tác phẩm được hoàn thành.
– Có thể thấy, tác phẩm là bức tranh thu nhỏ về lịch sử truyền thống ngành cao su VN được viết bằng thể thơ lục bát. Khi viết, ông có gặp trở ngại gì trong tìm tứ và gieo vần?
Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống, từ thời kháng chiến chống Pháp, ba đã rong ruổi với những cánh rừng cao su, rồi đến lượt mình, gần ½ thế kỷ gắn bó với dòng nhựa trắng trên nhiều cương vị công tác khác nhau, đến con mình và tương lai là đời cháu mình… Cứ thế như một dòng chảy bất tận, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, kế thừa truyền thống hào hùng và phát triển bền vững là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt 4 phần: Khổ đau – Đấu tranh – Hình thành, mở rộng – Phát triển của tác phẩm.
Thú thật, viết lách vốn dĩ không phải là sở trường của những “tay bút” không chuyên, viết truyền thống ngành bằng thể thơ lục bát “dài hơi” lại càng khó. Nhưng càng khó lại là động lực để mình phấn đấu. Kiến thức về ngành vốn dĩ “ăn sâu” vào tiềm thức, trở thành máu thịt, cứ thế thốt lên bằng lời có vần có điệu. Tứ thơ phát triển theo bố cục 4 phần của tác phẩm. Nhiều lúc “kẹt” lại mày mò tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau, còn “bí” vần thì lại “xáo tung” vốn từ vựng trong kho “lưu trữ” không tốn phí … (Ông cười sảng khoái, giọng đùa cợt, hóm hỉnh như bản tính hài hước vốn có của tác giả Minh Anh – P.V).
– “Cao su – Dòng chảy hào hùng” là một tựa đề đẹp, tổng kết khái quát chặng đường lịch sử hào hùng của ngành. Ông có thể cho biết nội dung xuyên suốt của “đứa con tinh thần” này?
Bắt đầu từ lúc cây cao su di nhập “Là năm chín bảy rõ ràng”, trải qua bao khổ đau, tủi nhục của kiếp đời nô lệ “Bán thân đổi mấy đồng xu”. Mốc son chói lọi, ngày 28/10/1929 “đất trời chuyển rung” đưa lịch sử ngành cao su bước sang trang mới. Dưới ánh sáng của Đảng, ngọn đuốc soi đường Phú Riềng Đỏ hào hùng, người phu đứng lên đấu tranh giành quyền dân sinh dân chủ “Như trời khô hạn gặp mưa tuôn trào”, phong trào đấu tranh lan nhanh từ đồn điền Dầu Tiếng giành thắng lợi liên tiếp đến Thủ Dầu Một…Từ thân phận nô lệ, người dân phu “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” tư thế làm chủ vận mệnh, vườn cây, công trường, nhà máy. Trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước vĩ đại, ngành cao su phát triển vững vàng, đi lên cùng sự trường chinh của dân tộc. Nhiều vườn cây, nhà máy khôi phục sản xuất “Góp phần giải phóng nước nhà/Nông trường vững mạnh cũng là chiến công”.
Phần III – đây là phần thể hiện nội dung khái quát của tác phẩm, phần mà tôi hao tốn nhiều công sức và chữ nghĩa nhất. Đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Tổng Cục cao su được thành lập, đứng trước muôn vàn khó khăn, “thiếu tất cả, ta chỉ giàu dũng khí”, nhận được sự hợp tác chí nghĩa chí tình của nước Liên Xô anh em, ngành cao su được hồi sinh, từ thủ phủ miền Đông, “gà mẹ đẻ gà con”, cao su “vượt đèo” tiến lên Tây Nguyên, mạnh dạn “thử sức” với gió bão miền Trung, “kiên gan” trước giá lạnh vùng đất Tây Bắc.
“Sìn Hồ anh đã về chưa/Cao su xanh mát cơn mưa cuối chiều/Ít Ong ở đó bao điều/Niềm thương nỗi nhớ tình yêu đong đầy. ”(Cao hứng, ông đọc liền mạch những câu thơ đong đầy cảm xúc yêu thương – P.V).
Như chạy đua với thời gian, cao su “vượt biên giới” sang Lào, Campuchia. Những ngày khai hoang mở đất phát triển cao su trên đất bạn, bên cạnh thuận lợi, gian khó cũng nhiều. Ngoài phát triển kinh tế, mục tiêu vẫn là an sinh xã hội, gắn kết tình hữu nghị vững bền.“Giúp bạn là củng cố ta/An ninh biên giới cũng là chiều sâu”, hơn 1 trăm ngàn ha cao su tại nước bạn Lào và Campuchia góp phần tạo nên bức tranh phát triển bền vững của Cao su – Dòng chảy cuộc sống. Đó là niềm tự hào, vinh dự lớn lao, xứng đáng Huân chương Sao Vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho VRG.
Phần IV là phần cuối của trường ca “Cao su – Dòng chảy hào hùng“, mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn “chuyển mình” vận hành theo mô hình – Công ty Cổ phần. Trong bối cảnh giá mủ liên tục sụt giảm, “Dù cho giá mủ không cao/ Nhưng cao su đến nơi nào cũng vui”, tinh thần chung của toàn ngành là chung sức đồng lòng vượt khó, bứt phá phát triển bền vững. Các giải pháp tối ưu được thực hiện đồng bộ như tăng năng suất, sản lượng, “thắt lưng buộc bụng” tiết giảm chi phí suất đầu tư, tập trung tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, phấn đấu vì mục tiêu “Công nhân giàu – Tập đoàn mạnh”.
– Qua tác phẩm, ông gởi gắm điều gì vào thế hệ trẻ trong ngành hiện nay?
Là những người con sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà Cao su Việt Nam, mỗi chúng ta cần trân quý, tự hào truyền thống lịch sử 91 năm vẻ vang của ngành. Tinh thần yêu ngành, yêu nghề, “chung lưng đấu cật” vượt khó được nuôi dưỡng, hun đúc, kết tinh từ quá trình lao động “một nắng, hai sương” qua bao thế hệ. Hình ảnh đẹp nhất, thân thương nhất vẫn là người lao động, từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia tạo thành mạch ngầm truyền thống vững bền – Dòng chảy cuộc sống. Thế hệ trẻ hôm nay hãy giữ gìn – kế thừa – phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ bằng suy nghĩ đúng, hành động táo bạo, sáng tạo để đưa ngành cao su vượt gian khó, bước tiếp và phát triển bền vững trong tương lai.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
NGUYỄN LÝ (thực hiện)
Related posts:
- Mong nhiều tấm lòng đến với chị Thị Vui
- Tin tưởng một vụ mùa bội thu
- Hội thao trung thực, đoàn kết, lành mạnh
- Giàn mủ tạp
- Cao su Sa Thầy thi bóng đá chào mừng 30/4
- Mưa Tháng Bảy
- Công ty CP Cơ khí Cao su đang tạm dẫn đầu bảng xếp hạng
- Vận động viên tranh tài sôi nổi trong ngày đầu Hội thao khu vực III
- "Quả ngọt" bóng đá trẻ
- Gần 250 vận động viên tham gia Hội thao khu vực IV - Miền núi phía Bắc