Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Sê: Vinh danh những thợ giỏi đồng bào dân tộc thiểu số

CSVNO – Với 100% thí sinh người dân tộc thiểu số giành giải thưởng, Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ của Cao su Chư Sê năm nay là buổi lễ vinh danh những người thợ cạo là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo VRG, Cao su Chư Sê và Cao su Chư Sê Kampong Thom trao giải nhất cho đại diện Nông trường Ia H’lốp

Tham gia Hội thi Bàn tay vàng công ty năm nay có sự tham dự của 30 thí sinh đến từ 5 nông trường, trong đó 25 thí sinh chính thức và 5 thí sinh dự bị. Tất cả các thí sinh đều phải trải qua 3 phần thi là lý thuyết, thi dụng cụ và thực hành trên 100 cây cao su trong thời gian 20 phút.

Thí sinh Phạm Thị Thành đón nhận giải thưởng từ tay các đồng chí lãnh đạo

Kết quả, Ban tổ chức đã trao nhiều giải thưởng và danh hiệu cho các thí sinh tham gia hội thi, trong đó có 12 giải chính thức, 3 giải phụ và nhiều danh hiệu Bàn tay vàng, kiện tướng, thợ giỏi.

Ông Phan Thanh Hà – Chủ tịch HĐTV công ty và đại diện lãnh đạo Cao su Bean Heack trao giải nhì cho Nông trường Ia Ko

Kết quả, giải nhất thuộc về Nông trường Ia H’lốp với tổng điểm 450, đây cũng là đơn vị đăng cai Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2024. Đồng thời, Nông trường Ia H’lốp cũng là đơn vị giành nhiều giải thưởng cá nhân nhất khi thí sinh Phạm Thị Thành đã giành cả giải nhất cá nhân và là thí sinh người dân tộc thiểu số có số điểm cao nhất (đây là thí sinh giành được 100 điểm, cây cờ vàng 78, là thí sinh đồng bào dân tộc Thổ).

Ông Vương Đức Thông (phải) – Chủ tịch Công đoàn công ty và đại diện lãnh đạo công ty trao giấy chứng nhận thợ giỏi cho các thí sinh tham dự Hội thi

Giải nhì tập thể và cá nhân là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Nông trường Ia Ko giành được tổng số điểm 443 và thí sinh Rơ Lan H’Men cũng giành được 100 điểm, nhưng cây cờ vàng 77 (kém người giành giải nhất 1 cây).

Niềm tin của một thí sinh khi cùng nhau tranh tài

Giải ba đồng đội thuộc về Nông trường Ia Tiêm. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đã trao 3 giải phụ cho các thí sinh lớn tuổi nhất, nhỏ tuổi nhất và thí sinh người dân tộc thiểu số có số điểm cao nhất.

Ban giám khảo chấm điểm thi thực hành

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao danh hiệu “Kiện tướng” cho 7 thí sinh, tất cả đều là thí sinh người dân tộc thiểu số và 2 bàn tay vàng cho 2 thí sinh Phạm Thị Thành và Rơ Lan H’Men cùng 30 giấy chứng nhận “Thợ giỏi”.

Các đội về tham gia Hội thi

Hội thi chính là đợt sinh hoạt chuyên môn, tay nghề sâu rộng của người thợ cạo, là dịp “sát hạch” gắt gao của Ban tổ chức đối với các thí sinh là người thợ giỏi thu hoạch mủ cao su. Đây là dịp để công ty chọn lựa những thí sinh tiêu biểu, có trình độ tay nghề giỏi tham gia Hội thi cấp ngành vào trung tuần tháng 12 tới.

Các đoàn diễu hành vào khán đài để tổ chức khai mạc Hội thi
VĂN VĨNH