CSVN – Tôi gắn bó với cây cao su tính đến nay đã gần 10 năm. Mặc dù tôi không trực tiếp cầm dao khai thác, tôi chỉ làm công tác kế toán nhưng do kiêm nhiệm thêm mảng tổ chức nên tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với người công nhân và công việc trên vườn cây.
Do làm việc ở Lào nên công việc có nhiều thử thách và cũng có khá nhiều kỉ niệm vui buồn. Tôi nhớ lúc mới sang làm việc, lần đầu tiên phát lương cho công nhân Lào, do khâu chuẩn bị tiền lẻ chưa tốt nên bị thiếu. Tôi chủ quan cho rằng chỉ thiếu vài người với số tiền rất nhỏ chỉ từ 500 kíp đến 1.000 kíp trên một người (tương đương từ 1.000 VND đến hơn 2.000 VND/người) nên tôi nói với công nhân là bỏ số tiền lẻ do tôi không có đủ tiền phát.
Nhưng công nhân Lào họ nhất định không đồng ý mà đứng chờ cho đến khi nào tôi tìm được đủ tiền lẻ để phát cho họ. Bản thân tôi ban đầu khá ngạc nhiên, sau cũng cảm thấy có chút khó chịu vì số tiền quá ít. Nhưng sau thời gian ở Lào tôi mới nhận ra được rằng họ rất trân trọng thành quả lao động của mình và trân trọng từng đồng tiền họ làm ra dù là mệnh giá nhỏ nhất.
Cuộc sống của người dân Lào còn nhiều khó khăn mà nếu ai tận mắt chứng kiến mới có thể hiểu được vì sao 500 kíp hay 1.000 kíp cũng đáng quý. Tôi đã nhiều lần chứng kiến bữa cơm của một gia đình người Lào. Họ chỉ có một hũ cơm nếp và ít muối ớt cùng vài con cá nhỏ nướng, có những hôm chỉ cơm nếp và muối ớt cũng sống qua ngày.
Những em bé còn ẵm trên tay được mẹ đút từng miếng cơm nếp nhỏ. Hầu như không có sữa hay bột dinh dưỡng gì bổ sung. Bữa cơm giản dị dưới mái nhà sàn đơn sơ trống trải trước sau. Mặc dù ở vùng thành thị cuộc sống cũng nhộn nhịp, nhưng những bản làng xa xôi, hẻo lánh thì cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.
Tôi đi qua nhiều ngôi nhà sàn chứng kiến những em bé mặc quần áo cũ, lem luốc, có em không có đủ áo quần. Trong lòng tôi trào lên một cảm giác xót xa. Kể từ đó về sau tôi tự dặn lòng mỗi lần đến kì phát lương phải chuẩn bị thật đầy đủ tiền lẻ. Tôi cũng không còn cảm thấy khó chịu nữa mà nhận thấy mình còn phải học hỏi người công nhân, biết trân trọng từng đồng tiền mình làm ra dù là lớn hay nhỏ.
Tôi cũng nhớ hoài những lần công nhân đến nông trường thắc mắc những vấn đề họ chưa rõ. Họ đi thành từng nhóm có khi cả một bản cùng kéo đến (khoảng vài chục người). Tôi cùng với các anh chị phụ trách nông nghiệp phải ngồi lại giải thích cho từng người hiểu rõ về quy trình kỹ thuật cạo, chế độ tiền lương và nội quy làm việc. Có nhiều khi những buổi họp đột xuất như vậy kéo dài cả buổi chiều. Sau khi được giải thích rõ ràng họ vui vẻ ra về, cười nói huyên náo cả nông trường. Đối với tôi sau mỗi cuộc họp như vậy thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng.
Có nhiều lúc tôi và các anh chị em đồng nghiệp được công nhân Lào đem cho cả giỏ chôm chôm, cả quầy chuối chín, cho từng miếng mít đã được gọt cẩn thận. Tôi chợt thấy lòng ấm lại, cảm giác thật gần gũi và thân tình. Những con người xa lạ, khác tiếng nói mà sao thấy thân thương như chẳng còn khoảng cách nào nữa.
Tôi nhận ra rằng dù sống và làm việc ở đâu, chỉ cần mình sống thật tâm với nghề thì trái ngọt là điều chắc chắn mình sẽ được hưởng. Chỉ cần mình chân thành thì mọi rào cản hay khoảng cách sẽ từ từ được xóa bỏ. Đó cũng chính là lý do giúp tôi có thêm nhiều động lực để gắn bó lâu dài với cây cao su và đất nước triệu voi này.
HOÀNG ĐỖ PHƯƠNG HỒNG HẠNH
(Cao su Việt – Lào)
Related posts:
- Vững một niềm tin
- Chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống
- “Vượt qua khó khăn bằng kinh nghiệm, sức lực và nhiệt tình sáng tạo”
- Lớp thợ giỏi đầu tiên
- Trần Duy Dương - thanh niên công nhân giỏi làm kinh tế
- "Mùa nước rút, hắn cho mủ nhiều lắm"
- "Làm việc với đơn vị là nối dài thêm cơ duyên với Việt Nam"
- Tận tụy, sáng tạo trong lao động sản xuất
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su
- “Làm tốt việc của mình tức là đã học và làm theo Bác”