CSVN – Chia sẻ của ông Hoàng Minh Sang – Nguyên Phó giám đốc Nông trường Dầu Giây Cao su Đồng Nai, một người con trong gia đình phu cao su từ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào Đồng Nai làm cao su năm 1936.
Cạo phạm bị đánh ngay
Nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành, chúng tôi tìm gặp ông để tìm hiểu về công việc và đời sống của phu công tra dưới thời Pháp thuộc ngày ấy. Như chạm đúng cảm xúc, ký ức về những tháng ngày đó vẫn còn nguyên vẹn, ông kể: “Vừa tròn 4 tuổi, tôi theo ba mẹ vào Dầu Giây. Cũng như những người làng quê vào mộ phu khi ấy, cuộc sống làm phu cho chủ đồn điền thời Pháp thuộc đầy khó khăn vất vả, khổ lắm. Phu công tra ở nhà tranh, vách đất tạm bợ.
Công việc cực nhọc vô cùng, áo quần làm gì được đủ đầy, thiếu thốn lắm, có khi còn dùng bao bố để làm áo. Cứ mỗi cuối tuần, họ sẽ nấu nước sôi để phu nhúng áo bao bố vào đó cho rận chết, sau đó phơi khô và mặc tiếp. Lương thực thì thiếu thốn, có những thời điểm dịch bệnh, sốt rét hoành hành, nhiều người phải bỏ mạng hoặc trốn về quê. Chú ruột của tôi ngày ấy cũng phải bỏ trốn về quê vì không chịu nổi cảnh bị bóc lột sức lao động”.
Là một trong số ít người được đi học hết tú tài và theo học Học viện quốc gia hành chánh, có 5 năm làm công nhân cao su thời Pháp, nhưng theo ông, thời của mình làm đỡ cực hơn thời ba mẹ mới vào đôi phần, như nhà ở lúc này Pháp đã xây tường kiên cố, không còn vách đất che rơm như trước, diện tích cũng rộng hơn, có khoảng trống để trồng rau. Thế nhưng những hình phạt của tên cai, xu vẫn khiến người ta rùng mình khi nhớ đến, bởi “nếu cạo phạm sẽ bị đánh ngay tại chỗ, có người còn bị đánh chết ngay tại gốc cây cao su”.
Nỗ lực đóng góp cho ngành là tri ân thế hệ đi trước
Năm nay đã ngoài 85 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày phu công tra 4h sáng phải ra sân điểm, về sự tàn ác của thực dân Pháp khi phu cạo phạm hoặc đi trễ: “Không kể già, trẻ, gái, trai cứ hễ vi phạm quy định mà họ đề ra sẽ bị đánh đập tàn nhẫn, những đòn roi vụt xuống không chút xót thương”. Ông cũng nhớ rõ nhất là ngày giải phóng, công nhân cao su được làm chủ vận mệnh, làm chủ công việc của mình.
Nhờ có kiến thức, năm 1970, ông về làm tại Viện khảo cứu, chuyên nghiên cứu về giống cây trồng của Pháp, trụ sở đặt ở Lai Khê, Bình Dương. Sau giải phóng, ông công tác tại Nông trường Dầu Giây, là đội trưởng đội A, B thực hiện việc khai hoang, trồng mới ở núi Nứa. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc nông trường cho đến khi về hưu.
Ông đúc kết: “Thời gian dần trôi, những người phu cao su ngày ấy nay người còn người mất nhưng những câu chuyện về đời làm phu cao su vẫn còn ghi dấu trong lịch sử phát triển của ngành cao su Việt Nam, lịch sử đấu tranh giải phóng giành độc lập tự do cho đất nước. Ngày nay, ngành cao su Việt Nam đã phát triển, lớn mạnh hơn, mở rộng diện tích ra nhiều nơi. Cây cao su đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Các bạn, những người đang công tác trong ngành cao su hiện nay được kế thừa những thành quả của ngành. Đất nước hội nhập kinh tế quốc tế, các bạn có cơ hội học hỏi, tiếp thu những điều hay, mới mẻ. Hãy cùng chung tay vì sự phát triển của ngành, làm cho đời sống công nhân ngày càng tốt hơn, chính là tri ân thế hệ đi trước”.
Minh Nhiên
Related posts:
- Tấm gương phụ nữ hai giỏi tiêu biểu
- “Cây cao su gắn bó cả cuộc đời tôi”
- Người “truyền lửa” cho thanh niên làng Kluh đi trồng cao su
- Cuộc hội ngộ 40 năm
- Người phụ nữ Sán Dìu tận tâm với công việc
- Chị Ngô Thị Hồng – Công nhân khai thác Nông trường An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai: Tấm gương điển hình ...
- Tấm gương mẫu mực của ngành cao su
- “Cần góp sức của tập thể và gia đình để chị em làm tốt công tác”
- Người tổ trưởng tận tâm với công việc
- “Giải thưởng tạo động lực, khích lệ tinh thần sáng kiến, cải tiến”