CSVNO – Cơn bão số 10 cấp 13 – 14 gây thiệt hại nặng cho các công ty cao su khu vực miền Trung như Hà Tĩnh, Hương Khê – Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị…Ngay sau bão vừa tan, CTV Tạp chí CSVN đã thị sát đến tận vườn cây của các công ty cao su, ghi nhận thiệt hại. Tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, nhiều vườn cây của công nhân bị xóa sổ đến 90%.
>> Bão số 10 gây thiệt hại nặng cao su miền Trung
Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa tuy chỉ bị ảnh hưởng mức độ nhẹ của hoàn lưu bão, nhưng gió bão có lúc giật cấp 8 – 9 cùng với mưa to cũng ảnh hưởng đến một số vườn cây, công trình cơ sở hạ tầng. Q. TGĐ Công ty Đỗ Viết Dương cho biết, có 2 nhà làm việc thuộc 2 nông trường Bãi Chành và Thạch Quảng bị hư hỏng nặng, gần 300 cây cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ bị đổ gãy, một số tuyến đường, cầu cống bị xói lỡ, hư hỏng, một số nhà ở công nhân bị ảnh hưởng.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai bão đổ bộ, nhiều diện tích cao su đang trong kỳ khai thác bị đổ gãy ngang thân cây. Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, TGĐ công ty, do gió lớn cấp 10 -11, có lúc giật cấp 13 – 14 gây thiệt hại trực tiếp các vườn cây cao su, rừng trồng và tài sản khác của công ty và CBCNV. Cụ thể trên 108.798 cây cao su khai thác bị đổ gãy hoàn toàn, hơn 127.122 cây KTCB cũng bị đổ gãy, hơn 607,87 ha rừng trồng nguyên liệu như keo, tràm thiệt hại lên tới 40 – 50%, diện tích rừng trồng thiệt hại trên 70%.
Ngoài ra còn 56,4km đường hư hỏng, 26 ngầm đá, 1 cầu tràn bị cuốn trôi, nhiều hệ thống đường điện bị đổ cột, đứt dây, hư hỏng và nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng khác bị ảnh hưởng. Ngoài ra có 33 nhà làm việc của các nông trường bị sập và tốc mái, 8 nhà kho chứa mủ cao su bị hư hỏng nặng, 265 ngôi nhà ở của CBCNV bị sập và tốc mái, trong đó có khoảng 40 nhà bị bão phá hủy hoàn toàn.
Tại vườn cây cao su đội 2, thuộc nông trường Truông Bát, trước vườn cây khai thác hơn 10 năm nay, bị bão san bằng, công nhân Mai Anh, hộ nhận khoán, chăm sóc bảo vệ vườn cây nói trong tuyệt vọng: “Thế là hết. Cả vườn cây 10 ha công ty giao cho chăm sóc, bảo vệ, khai thác gần chục năm rồi, nay bão số 10 quật gãy đổ đến trên 90% xem như xóa sổ, bây giờ cuộc sống của vợ chồng, con cái chúng tôi biết làm gì đây”. Còn công nhân Võ Thị Liên kể trong nước mắt, sau bão gia đình chị trắng tay, bởi bò chết, nhà cửa bị hư hỏng, toàn bộ diện tích cao su và rừng trồng nguyên liệu bị cuốn sạch.
Giám đốc Nông trường Truông Bát Mai Xuân Quyền đứng ngồi không yên nhìn cảnh hàng chục gia đình công nhân trắng tay sau bão, nghẹn ngào cho biết, Nông trường Truông Bát có 25.515 cây đang trong thời kỳ khai thác bị đổ gãy hoàn toàn, 17.286 cây KTCB cũng bị đổ nghiêng, nhiều diện tích rừng trồng nguyên liệu bị thiệt hại, trên 20 nhà công nhân hư hỏng nặng nề. Ngoài ra các nông trường khác như Hàm Nghi, Phan Đình Phùng, Thanh niên, Can Lộc…đều bị thiệt hại tương tự.
Rời Cao su Hà Tĩnh chúng tôi ngược rừng lên huyện miền núi Hương Khê để đến với Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh. TGĐ Trần Thanh Hà cho biết, công ty chỉ bị ảnh hưởng trên dưới 100ha so với Cao su Hà Tĩnh, nhưng cũng là thiệt hại khá nặng nề bởi đây là năm đầu mới bắt tay vào khai thác ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng công nhân lao động. Công ty quyết tâm khắc phục sớm để ổn định đời sống công nhân, tiếp tục sản xuất, vượt khó vươn lên sau bão.
Tại một công ty phía trong là Cao su Quảng Trị, TGĐ Văn Lưu cho biết, tuy bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị, nhưng do hoàn lưu bão gây gió mạnh cấp 8 – 9, kèm theo mưa lớn nên gây ra trên 120 ha vườn cây cao su bị gãy đổ. Ông Văn Lưu cho biết thêm, Cao su Quảng Trị đã có bề dày kinh nghiệm phòng chống bão, nên ngoài vườn cây bị thiệt hại, các công trình cơ sở hạ tầng và nhà ở công nhân được xây dựng khá kiên cố nên hạn chế được thiệt hại mỗi khi mùa mưa bão đến. Riêng với số cây bị đổ công ty sẽ sớm khắc phục bằng cách chống đỡ, chăm bón cho cây chóng hồi phục để tiếp tục sản xuất ổn định.
Sau bão, lãnh đạo VRG đã ra trực tiếp hiện trường những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, động viên, chia sẻ với CBCN các công ty sớm vượt qua khó khăn, đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, sớm ổn định đời sống công nhân lao động, kịp thời hỗ trợ cho những gia đình công nhân bị thiệt hại nặng nề nhất, giúp họ sớm vượt qua những đau thương mất mát, bằng cách tạo việc làm, có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống trước mắt và lâu dài.
Trước mắt các công ty phải tập trung chỉ đạo công tác dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khuôn viên đơn vị, cưa cắt cây gãy đổ trên các tuyến đường đi lại, hỗ trợ công nhân dọn dẹp nhà cửa ổn định cuộc sống. Đồng thời tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại, chỉ đạo dọn dẹp trên các lô để tiếp tục khai thác trong thời gian sớm nhất, ổn định cuộc sống công nhân lao động.
Anh Bình
Related posts:
- Nâng thu nhập từ trồng xen dứa trong cao su
- Ban hành nội quy, quy chế Hội thi Bàn tay vàng 2016
- Binh đoàn 15 kết nghĩa với Bệnh viện Quân y 175
- Vườn cây cao su Campuchia – Lào: Hướng đến năng suất cao, bền vững
- Huấn luyện võ thuật cho lực lượng tự vệ Cao su Tây Nguyên – miền Trung
- Khối Đông Nam bộ đi đầu trong các phong trào thi đua khen thưởng
- Các công ty cao su tại Campuchia: trồng mới trên 9.500 ha năm 2014
- Đảng ủy Cao su Bà Rịa triển khai học tập chuyên đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực
- Các công ty cao su tại Lào: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
- Đoàn Thanh niên Cao su Phú Riềng ra mắt công trình số hóa thông tin Đền thờ vua Hùng