CSVN – Với thu nhập tiền triệu mỗi tháng từ hoạt động chăn nuôi, nhiều gia đình CN ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên làm giàu. Hiệu quả cao từ những mô hình chăn nuôi đã hiện thực hóa Nghị quyết 6a của CĐ Cao su VN về việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CNVC-LĐ.
Nuôi bồ câu thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng
Chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Hồng Vinh – Phó Chủ tịch CĐ, kiêm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp NT Phan Văn Tiến, một trong những người đang thực hiện khá hiệu quả mô hình phát triển kinh tế gia đình tại CĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng.
Phía sau nhà, âm thanh rộn ràng của tiếng bồ câu gù nghe rất vui tai. Đưa chúng tôi đi tham quan, chỉ vào chuồng bồ câu, anh Vinh vui vẻ: “Thu nhập từ đàn bồ câu này đã hơn một suất lương CN hiện nay rồi đấy”. Anh cho hay, gia đình hiện đang nuôi 300 con (150 cặp) bồ câu Pháp và bồ câu gà, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 5 – 6 triệu đồng. “Ưu điểm của nuôi bồ câu là vốn đầu tư không lớn, ít tốn diện tích đất, thời gian chăm sóc không cần nhiều, thị trường tiêu thụ thuận lợi và mang lại nguồn thu nhập
Theo tính toán của anh Vinh, với 300 con bồ câu, bình quân mỗi tháng đẻ từ 70 – 80 cặp bồ câu con, giá mua tại nhà hơn 100.000 đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí thức ăn khoảng 3 triệu đồng, tiền lãi cũng hơn 5 triệu đồng. Còn nếu bán được thêm vài cặp bồ câu giống mỗi tháng thì thu nhập của gia đình sẽ cao hơn. Giá một cặp giống bồ câu Pháp là 300.000 đồng, còn bồ câu gà là 500.000 đồng.
“Mô hình chăn nuôi này phù hợp với những người đang đi làm CN vì chi phí đầu tư ban đầu làm chuồng trại khoảng 80 triệu là có thể nuôi được quy mô từ 400 – 500 con và không cần diện tích đất lớn. Mỗi ngày dành khoảng 15 phút buổi sáng và 15 phút buổi chiều bón thức ăn cho chim là đủ. Thức ăn chủ yếu là cám, còn nguồn nước thì cấp tự động tại chuồng. Bồ câu từ lúc tách mẹ đến khoảng 6 tháng sau là có thể đẻ con. Một năm, bồ câu đẻ khoảng 8 lứa, bồ câu thịt nuôi từ 15 – 20 ngày là xuất bán.
Đặc biệt, chim câu rất dễ chăm sóc do có sức đề kháng cao nên ít bị bệnh. Thị trường tiêu thụ thuận lợi do còn ít người nuôi nên không có đủ chim để bán. Phân chim mang đi bón cho cây cao su rất tốt. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ con giống, đầu ra nếu anh em công nhân nào muốn nuôi chim câu”, anh Vinh chia sẻ.
Gia đình hạnh phúc, con cái ăn học đầy đủ
Còn gia đình anh Nguyễn Phước Hậu – CN chăm sóc Tổ 5, NT Long Tân, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con cái được cho học hành đầy đủ cũng nhờ chăn nuôi.
Anh cho biết gia đình hiện đang nuôi 13 con heo nái và 17 con heo thịt. Chỉ tính riêng đàn heo nái, lứa vừa rồi đẻ được 140 con. Sau khi xuất chuồng, tính tất cả chi phí lợi nhuận còn khoảng 85 triệu. Tính bình quân trong 5 tháng thì thu nhập từ nuôi heo mang lại cho gia đình anh lợi nhuận từ 17 – 20 triệu đồng mỗi tháng.
“Mô hình chăn nuôi của tôi quy mô không lớn, nên thu nhập không quá nhiều, nhưng đây là nguồn thu rất có ý nghĩa trong điều kiện tiền lương CN thấp như hiện nay. Nhờ chăn nuôi heo mà gia đình tôi có cuộc sống ấm cúng, hạnh phúc, có điều kiện để con cái được ăn học đầy đủ hơn”, anh Hậu hồ hởi.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Nông trường Tân Lập giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Đồng Phú
- Các đơn vị khu vực Tây Nguyên: Đẩy mạnh phong trào "Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi" tiến tới Hội thi ...
- Linh hoạt các giải pháp tổ chức sản xuất trên vườn cây khai thác trong điều kiện thiếu lao động
- Sử dụng bùn thải từ chế biến cao su làm phân hữu cơ vi sinh: Giải pháp tối ưu định vị kinh tế tuần h...
- Nông trường Tân Hiệp, Cao su Tân Biên: Nhiều năm liền năng suất trên 2 tấn/ha
- Nghĩa tình “Phiên chợ 0 đồng” ở Cao su Đồng Nai
- Các đơn vị khu vực Tây Nguyên: Dẫn đầu VRG về tiến độ khai thác
- “Cao su Phú Riềng có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật”
- Cao su Bà Rịa - Kampong Thom trao thưởng danh hiệu kiện tướng cho người lao động
- Đảng bộ Cao su Kon Tum: 40 năm xây dựng niềm tin vào cây cao su cho đồng bào vùng cực bắc Tây Nguyên