CSVN – Chỉ mới hơn 6 năm tuổi, cả rừng cây cao su xanh mướt, ngút ngàn. Qua kiểm tra cho thấy, đường kính cây bình quân đạt từ 21cm, là kết quả của công tác đầu tư, chăm sóc bảo vệ vườn cây chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật.
Vào một ngày đầu tháng 6 nắng nóng hừng hực đổ xuống khắp miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi cùng ông Phạm Trung Thái – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An lên thăm và làm việc với Nông trường (NT) Quế Phong, một NT sinh sau đẻ muộn thuộc công ty.
Chuyến công tác nhằm kiểm tra vườn cây năm đầu đưa vào khai thác thử nghiệm, vừa trao quyết định bổ nhiệm giám đốc NT cho ông Nguyễn Văn Linh – Phó Giám đốc NT. Tham quan, khảo sát vườn cây, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vườn cây cao su chỉ mới được trồng từ tháng 8 năm 2013 nay đưa vào khai thác thử, cho năng suất mủ bình quân đạt từ 7,5- 8 tạ/ha. Đây quả là một niềm vui lớn đối với những người làm cao su nơi miền Tây xứ Nghệ.
Tân Giám đốc NT Nguyễn Văn Linh cho biết, hiện tại NT quản lý 891,74 ha, trong đó 835,3 ha thuộc diện KTCB, tổng số 72 NLĐ, trong đó có 62 công nhân (CN) thuộc đồng bào dân tộc Thái, H’Mông… Thực hiện kế hoạch đầu năm 2019 của công ty giao, NT đưa vào cạo thử 10,272 ha với 1 CN cạo D3, 1 CN cạo D4. Bắt đầu từ đầu tháng 6, tiến độ cạo đến nay CN 1 đã cạo xong 8 lát, đạt 1.881 cây, công nhân số 2 cạo xong 6 lát với tổng 1.217 cây, năng suất mủ bước đầu rất khả quan, dự kiến bình quân đạt từ 7,5 – 8 tạ/ ha. Cũng theo ông Nguyễn Văn Linh, với tiến độ này, thời tiết ổn định, cây phát triển tốt cộng với sự nhiệt huyết của những công nhân được giao trọng trách xuất phát điểm kinh doanh lần đầu, áp dụng đúng kỹ thuật cạo, kết thúc mùa mở cạo, NT phấn đấu đạt từ 7,5 – 8 tấn/7,2 tấn theo kế hoạch công ty giao.
Chị Phạm Thị Thanh – Đội trưởng tâm sự: “Là người trồng cao su buổi đầu rất gian nan vất vả nhưng sau 6 năm đến nay cây cao su đã cho thu hoạch dòng nhựa trắng tinh khôi, CN chúng em rất tự hào, phấn khởi. Mặc dù giá mủ hiện tại có tụt giảm nhưng không vì thế mà làm chùn bước sự nghiệp phát triển cây cao su trên quê hương Bác”.
CN Lương Văn Hiếu, là 1 trong 2 CN vinh dự được chọn mở cạo đầu tiên cho biết: “Khi cầm dao thực hiện lát cạo đầu tiên vào thân cây, tôi rất hạnh phúc chứng kiến dòng mủ chảy, bát mủ dâng đầy, hàm lượng cao bởi cây phát triển đều, chắc khỏe. Cả NT đổ xô nhau đến để xem “quả ngọt đầu mùa”. Đây là thành quả sau 6 năm chúng tôi đổi bằng mồ hôi nước mắt, hy sinh tuổi trẻ của mình, bỏ phố lên rừng vì sự nghiệp phát triển cao su”.
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó TGĐ thường trực công ty, thực hiện dự án trồng cây cao su tại Nghệ An, công ty được UBND tỉnh phê duyệt, quy hoạch diện tích trồng cao su trên địa bàn 3 huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Quế Phong với diện tích 8.947 ha. Qua 8 năm thực hiện, công ty đã nỗ lực, đoàn kết phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, với sự hỗ trợ của VRG, sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp và nhân dân trong vùng dự án, công ty đã trồng được 4.363 ha. Công ty xác định rõ cơ cấu các bộ giống phù hợp với điều kiện lập địa của từng địa bàn để phát triển bền vững dự án, tổ chức trồng mới, chăm sóc, bảo vệ vườn cây cao su KTCB đảm bảo quy trình kỹ thuật, nên vườn cây sinh trưởng phát triển tốt.
Qua các đợt kiểm tra vườn cây, lãnh đạo VRG đánh giá cao và khẳng định dự án cao su tại Nghệ An là một trong những dự án có tốc độ phát triển nhanh, vườn cây KTCB được đầu tư trồng, chăm sóc đảm bảo quy trình, tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Cũng theo ông Nguyễn Đình Tuấn, năm 2018 công ty đưa vào khai thác 100 ha, năng suất bình quân đạt từ 7 tạ/ha. Theo kế hoạch đến năm 2023 công ty sẽ đưa toàn bộ 4.363 ha vào khai thác, dự kiến năng suất sẽ đạt trên 1,5 tấn/ ha.
Đánh giá về vườn cao su ở NT Quế Phong, ông Tuấn ghi nhận, Quế Phong là vùng đất đầy tiềm năng đối với cây cao su, bởi khí hậu, đất đai, thời tiết ít có gió bão nên tốc độ phát triển của cây cao su rất nhanh, tuy mới trồng hơn 6 năm nhưng công ty quyết định đưa vào khai thác thử một số diện tích năng suất đạt khá cao. Theo quy hoạch được UBND tỉnh Nghệ An giao công ty trồng mới cao su tại Quế Phong là 3.040 ha nhưng đến nay còn trên
2.000 ha chưa giải phóng mặt bằng. Công ty mong các Sở, ban ngành, huyện, xã và UNBD tỉnh tạo mọi điều kiện giúp công ty có đất để hoàn thành dự án trồng mới 3.000 ha cao su, góp phần tạo công ăn việc làm, có thu nhập cho con em đồng bào dân tộc đời sống khó khăn trong vùng.
ANH BÌNH
Related posts:
- Cao su Bình Long: Dự kiến khai thác vượt 550 tấn
- Cao su Ea H’Leo sôi nổi giải bóng chuyền truyền thống
- Tại sao nông dân chưa thể làm giàu từ cây cao su?
- 4 công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai góp phần giữ vững an ninh quốc phòng
- Khối thi đua Tây Nguyên hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023
- Những "nữ tướng kỹ thuật" trên vùng đất Tây Nguyên
- Sử dụng bùn thải từ chế biến cao su làm phân hữu cơ vi sinh: Giải pháp tối ưu định vị kinh tế tuần h...
- Đa dạng giải pháp nhằm ổn định lao động
- Cao su Chư Prông sẵn sàng cho mùa tái canh
- Chung sức phát triển kinh tế xã hội, an ninh vùng biên