Linh hoạt các giải pháp tổ chức sản xuất trên vườn cây khai thác trong điều kiện thiếu lao động

CSVN – Nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động, Ban Quản lý kỹ thuật VRG đã đưa ra các giải pháp về kỹ thuật khai thác để tiết kiệm lao động, góp phần giúp các đơn vị tăng năng suất lao động trên vườn cây kinh doanh.

Linh hoạt áp dụng hình thức thu hoạch mủ để tiết giảm lao động. Ảnh: Vũ Phong
Lao động biến động dẫn đến vườn cây năng suất thấp

Năm 2023, tổng sản lượng khai thác toàn Tập đoàn 450.328 tấn, năng suất vườn cây bình quân 1,6 tấn/ha. Về năng suất lao động bình quân 8,4 tấn/ người; trong đó, khu vực có năng suất lao động cao nhất là Campuchia do áp dụng hình thức thu mủ đông nên số cây cạo trên mỗi lao động cao; Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc chỉ đạt năng suất lao động 3,6 – 4,9 tấn/người (thấp nhất trong 6 khu vực thuộc Tập đoàn do năng suất vườn cây thấp và địa hình đồi dốc).

Trong 66 đơn vị thu hoạch mủ có đến 35 đơn vị (chiếm 53%) đạt năng suất lao động dưới 7,5 tấn/ người, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc. Các đơn vị đạt năng suất lao động trên 10 tấn/người tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ và Campuchia, tuy nhiên số lượng thuộc nhóm này chỉ đạt 13 đơn vị (chiếm 19,7%).

Nguyên nhân dẫn đến các đơn vị đạt năng suất lao động ở mức trung bình thấp do các yếu tố sau: Yếu tố chất lượng vườn cây, việc khai thác trên giống không phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; mật độ cây cạo chưa đạt như mật độ thiết kế dẫn đến vườn cây có năng suất thấp. Yếu tố tổ chức khai thác sản xuất, việc không cạo đủ số nhát cạo theo nhịp độ cạo dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng cho mủ của vườn cây nên không thể nâng cao năng suất lao động và năng suất vườn cây. Áp dụng nhịp độ cạo chưa phù hợp, vườn cây năng suất thấp, hoặc vườn cây tuổi cạo nhỏ (1, 2, 3) áp dụng nhịp độ cạo cao (D2, D3) dẫn đến hao phí lao động. Lao động thường xuyên biến động dẫn đến việc tay nghề cạo không đồng đều trên cùng 1 phần cạo, dễ xảy ra tình trạng vi phạm lỗi kỹ thuật cạo mủ, ảnh hưởng đến khả năng cho mủ của vườn cây.

Đa dạng hình thức thu hoạch mủ để tiết kiệm lao động

Chia sẻ về các giải pháp kỹ thuật tiết giảm lao động, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban Quản lý kỹ thuật VRG, cho biết, đầu mùa cạo, các đơn vị cần phân loại năng suất vườn cây theo 3 mức thấp – trung bình – cao dựa trên năng suất bình quân để bố trí lao động cạo theo nhịp độ cạo phù hợp, phát huy năng suất vườn cây hài hòa năng suất lao động. Đối với vườn cây năng suất cao thì áp dụng nhịp độ cạo D3. Đối với vườn cây năng suất trung bình thì áp dụng nhịp độ cạo D3 hoặc D4 tùy vào tình hình lao động thực tế. Đối với vườn cây năng suất thấp và vườn cây mới mở cạo năm 1, năm 2 áp dụng nhịp độ cạo D4. Đồng thời, linh hoạt áp dụng cả 2 hình thức thu mủ nước, thu mủ đông. Trong đó, ưu tiên thu mủ đông đối với những vườn cây năng suất thấp, vườn cây mở cạo mới để nâng cao năng suất lao động, giảm lượng lao động do có tăng lượng cây cạo thêm 20 – 30%.

Giống PB 260 là giống chiếm tỷ trọng lớn nhất Tập đoàn đến thời điểm hiện nay, tuy nhiên đặc tính giống này là chậm cho mủ vào đầu mùa cạo (khô hạn), dễ xuất hiện tình trạng đông mủ sớm trên đường miệng cạo nên việc khai thác giống này vào đầu mùa cạo không hiệu quả. Vì vậy có thể hoãn thu hoạch mủ giống PB 260 cho đến khi thời tiết phù hợp (mưa nhiều, ẩm độ cao) để tập trung lao động đầu mùa cạo cho những vườn cây trồng giống cho mủ tốt vào đầu mùa cạo.

Ngược lại, có những giống như RRIV 1, RRIV 124 có thể cho sản lượng tốt ngay từ đầu mùa cạo, vì vậy tập trung lao động khai thác cho những giống tương tự vào đầu mùa cạo để có thể phát huy tối đa tiềm năng cho mủ của từng giống. Ngoài ra, không để bị thiếu số nhát cạo theo quy định đối với từng nhịp độ cạo thì việc linh động thời gian cạo khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận như mưa buổi sáng thì có thể tổ chức cạo bù ngay khi thời tiết phù hợp (có thể cạo buổi chiều).

BẢO NAM