CSVN – Vào mùa nghỉ cạo, người công nhân (CN) cao su vẫn không nghỉ ngơi, ngoài việc chăm sóc, chống cháy vườn cây, họ vẫn tất bật, lo toan với cuộc sống, nhất là đồng lương hiện tại không còn cao như ngày trước. Ai có vườn tược gia đình thì tập trung chăm sóc, thu hoạch, ai không có thì đi làm thuê, từ hái cà phê, tưới tiêu, đến cả phụ hồ.
Tranh thủ việc gia đình
Năm nay gia đình chị Võ Thị Hà – CN Nông trường (NT) II, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh rộn ràng tiếng cười khi chào đón cháu ngoại ra đời. Mùa này nhờ được nghỉ cạo nên vợ chồng anh chị thay nhau vào Bình Dương để chăm cháu ngoại. Bên cạnh đó, số tiền tích cóp những năm qua anh chị đầu tư vào vườn tiêu hơn 230 cây với số tiền 120 triệu đồng. Chị hồ hởi cho biết: “Vừa rồi bán dây tiêu để người ta ươm giống được hơn 50 triệu, thu hồi gần nửa số vốn ban đầu bỏ ra. Hy vọng những năm sau khi cây cho trái thì giá tiêu vẫn ở mức cao”.
Chị chia sẻ: “Lương tháng 12 vừa rồi của tôi được hơn 9 triệu, công ty thưởng Tết cũng khá. Trong tình hình khó khăn mà công ty vẫn lo lương thưởng cho NLĐ đón Tết vui vẻ, ấm áp là quá tốt. CN chúng tôi rất phấn khởi. Thời gian này ở nhà lo việc gia đình, chăm sóc vườn tiêu chờ khi nào NT tập trung thì mình vào trang bị vườn cây, vật tư để chuẩn bị mùa cạo mới. Năm nay bộ lá của NT đẹp lắm, hy vọng cho một mùa cạo tràn đầy năng lượng, năng suất vườn cây tốt, cho nhiều mủ, CN và công ty cùng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Chị Lê Thị Mỹ Thuận– Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CS Lộc Ninh cho biết: “Vào thời điểm mọi năm, NLĐ khi được nghỉ cạo sẽ bàn tính đi đâu chơi, hay về thăm quê nhưng năm nay thì khác, họ tranh thủ thời gian chăm sóc vườn tược, xới lại miếng đất, trồng thêm ít rau hay đầu tư chăm sóc và trồng thêm các loại cây trồng cao su, điều, cà phê, tiêu, hoặc đi làm thợ xây, bán hàng để có thêm thu nhập”.
Vợ chồng chị Lệ Thu – CN Đội C, NT Bình Lộc, TCT CS Đồng Nai được nhiều người biết đến với sự nỗ lực không mệt mỏi trong công việc, liên tục dẫn đầu năng suất và thu nhập trong đội. Trong mùa cạo, ngoài phần cây chính của mình, anh chị còn nhận làm thêm các công việc mà người khác không có thời gian làm. Mùa Tết vừa qua, anh chị rất phấn khởi khi nhận được lương thưởng gần 50 triệu đồng.
Dường như tay chân quen việc nên khi mùa cao su thay lá anh chị tiếp tục tìm những công việc thời vụ để chờ ngày trở lại vườn cây. Chị tâm tình: “Ở nhà chơi thì cũng nhanh hết ngày, vợ chồng tôi còn trẻ có sức khỏe nên luôn tâm niệm phải cố gắng hết mình, kiếm thêm thu nhập để nuôi con ăn học và tích cóp cho tương lai. Trong 2 tháng nghỉ cạo, tôi đi cắt nấm rơm phụ người ta được 100 ngàn đồng/ ngày, còn ông xã làm thợ hồ 200 ngàn mỗi ngày, cũng có đồng ra đồng vào, chứ ngồi ở nhà không cũng tốn thời gian mà không kiếm thêm được đồng nào”.
Là thợ giỏi của công ty, mùa nghỉ cạo này ngoài thời gian dành cho gia đình, anh Trần Quốc Tuấn – CN Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng còn đào tạo cho lao động mới, đào tạo lại cho CN theo chương trình hàng năm của công ty tổ chức nhằm nâng cao tay nghề cho NLĐ. Tại Bình Long thì mùa nghỉ cạo năm nay kéo dài trên 1,5 tháng.
Đây là cơ hội để CN chăm lo cho phát triển kinh tế gia đình. Thời điểm này CN vẫn tích cực phòng chống cháy trên vườn cây. Với phương châm không để thời gian trôi qua vô ích, CN tích cực tìm kiếm việc làm thêm như chẻ điều, hái tiêu thuê. Đối với những hộ gia đình có trồng hồ tiêu thì đây là thời điểm phù hợp để dành toàn tâm toàn ý cho việc thu hoạch tiêu.
Làm thêm để có thu nhập
Tại Công ty CPCS Hòa Bình tranh thủ lúc vườn cây nghỉ cạo, có đến 90% CN kiếm thêm việc làm để có thu nhập. Công việc chủ yếu của CN lúc này là đi hái tiêu thuê cho người dân trong vùng và các xã lân cận. Thời điểm này là cao điểm vụ thu hoạch tiêu nên cần nhân công nhiều và tiền công cũng kha khá. Bình quân mỗi công hái tiêu được trả từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng.
Hết thời vụ hái tiêu, CN chuyển sang đi thu hoạch điều. Bên cạnh những CN tranh thủ lúc nông nhàn kiếm thêm thu nhập thời vụ, một số CN công ty có vườn cây riêng thì chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Bành Mạnh Đức – Phó phòng Tổ chức Hành chính công ty, thời vụ làm thêm của CN kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 2 đến tháng 4.
Do điều kiện năm nay quá khó khăn, công ty đã thỏa thuận với CN tạm hoãn hợp đồng lao động trong thời gian vườn cây nghỉ cạo để giảm chi phí cho công ty. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, CN hoàn toàn yên tâm đi làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Chỉ có một số ít CN phối hợp với lực lượng bảo vệ luân phiên trực phòng chống cháy và các công việc khác trên vườn cây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc NT Bến Củi (Công ty CPCS Tây Ninh), cho biết từ ngày 15/2, vườn cây NT chính thức nghỉ cạo. Khu vực xung quanh địa bàn NT có những cánh đồng trồng nông sản, các khu kinh tế trang trại và khu công nghiệp… nên CN có nhiều cơ hội kiếm thêm việc làm lúc nhàn rỗi.
Nhiều CN đi thu hoạch nông sản cho người dân trong vùng như hái đậu, hái ớt; thu hoạch, chăm sóc chuối trong khu trang trại trồng chuối công nghệ cao; hay đi làm trong các khu công nghiệp. Một số CN có điều kiện kinh tế gia đình khá, trước đây tích lũy được vốn nên có vườn cây riêng thì về nhà phát triển kinh tế gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, trồng nấm…
Phạm Bảo Châu – CN Tổ 3, Đội K3, NT Cầu Khởi (Công ty CPCS Tây Ninh), chia sẻ: “Trong lúc không đi cạo, tôi thấy nhiều anh em CN NT đều đi làm thêm để phụ gia đình. Đàn ông thì làm phụ hồ, phụ nữ đi hái đậu thuê, mỗi ngày cũng được gần 200.000 đồng. Riêng bản thân tôi, đợt nghỉ phép năm được 18 ngày, tôi tranh thủ đi ghép cây cho vườn ươm của NT khoảng gần 10 ngày, chắc cũng được 2 triệu đồng tiền công. Với số tiền này cũng đỡ phần nào chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi thì cải tạo lại vườn cây lan của gia đình để phát triển tốt hơn, có thêm thu nhập”.
Làm đủ mọi việc để kiếm sống
Tại Hội nghị Người lao động năm 2016 của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, chúng tôi trò chuyện với CN Glanl của Tổ 3 – NT Tân Lập về vấn đề CN làm gì trong mùa nghỉ cạo. Anh Glanl cho hay: “Ở NT chúng tôi, cuộc sống của người CN hết sức khó khăn vì năng suất và sản lượng rất thấp, khoảng 6 – 7 tạ/ha, càng khó khăn hơn đối với những CN có hoàn cảnh như chúng tôi phải làm đủ việc để kiếm sống, ai gọi việc gì thì làm việc đó, cũng có người tập trung dọn đất để chờ mưa trồng xen canh trong cao su tái canh…”.
Giám đốc Hồ Sỹ Hiếu – NT Bờ Ngoong – Cao su Mang Yang cho biết thêm: “Vào mùa này, người CN chủ yếu làm việc nhà, nương rẫy của mình, cũng có người đi tưới cà, hái tiêu mỗi ngày cũng được 150 ngàn đồng”. Anh Nguyễn Văn Hạp – Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí – chế biến – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông cũng chia sẻ: “CN của chúng tôi vào mùa này cũng chỉ đi làm thuê thôi, công việc chính là tưới cà phê, hái tiêu và làm phụ hồ…nhưng phần nhiều người CN ở đầy đều có nương, rẫy nên họ về nhà làm việc nhà cũng đủ hết mùa”.
Khá nhiều người CN cao su trên địa bàn Tây Nguyên từ Đắk Lắk, Gia Lai đến Kon Tum đều có kinh tế gia đình để làm thêm quanh năm. Công việc này đôi khi còn mang lại doanh thu lớn hơn tiền lương của họ khi làm CN, điển hình như vợ chồng anh Dương – chị Hạnh ở Cao su Chư Prông với mô hình VAC kiểu mới cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hay CN Rchâm Bunh của Công ty Chư Păh với việc phát triển cao su, bời lời, gia đình chị Hồ Thị Yến ở Công ty Chư Sê với công việc trồng tiêu cho thu nhập cao hoặc mô hình kinh tế mới của CN Nghinh – NT Cao su K’dang – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang với mô hình trồng chanh dây….
Trao đổi với anh Rchâm Bunh, CN Tổ khai thác 5 , NT Cao su Hòa Phú – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, anh cho biết: “Gia đình mình hiện có 2 ha cao su và 3 ha bời lời cùng một ít ruộng lúa nước, mỗi khi hết mùa cạo vợ chồng mình chủ yếu lo làm việc nhà, nhưng ở làng mình nhiều CN khác không có nương rẫy phải đi làm phụ hồ, tưới cà phê hay hái tiêu, nhổ mì cho người ta, mỗi ngày cũng được trên 100 ngàn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống”.
Trong khi đó, trên địa bàn của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thì người CN ít có nương rẫy, sống phần nhiều vào việc phát triển cây khoai mì, thời điểm này cũng là lúc khoai mì đi vào thu hoạch, công việc này diễn ra cũng không lâu nên cuộc sống của người CN gặp nhiều khó khăn.
Quỳnh Mai – Phan Thắng – Gia Linh
Related posts:
- Vững lòng "về đích"
- Khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của VRG
- Ông Nguyễn Thanh Chung phụ trách Hội đồng Thành viên Cao su Krông Buk
- Cao su Điện Biên khám sức khỏe định kỳ cho hơn 650 người lao động
- Cao su Tân Biên - Kampong Thom về trước kế hoạch 45 ngày
- Lá cờ đầu vượt mức kế hoạch sản lượng ở Cao su Đồng Nai
- Công đoàn Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức chương trình “Tết đoàn viên – Xuân chia sẻ”
- Cao su Phước Hòa: Nhiều năm liền đạt top 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam
- Binh đoàn 15 khánh thành Trường Mầm non trị giá 14 tỷ đồng
- Cao su Bà Rịa ra quân tái canh năm 2024