Nắng ấm Sìn Hồ

CSVN – Buổi sáng Sìn Hồ trời còn bảng lảng sương. Mặt trời chưa lên nhưng cũng kịp hắt những tia nắng nhẹ đầu tiên len qua những đám mây vắt lưng chừng núi. Tôi ngồi trên đồi cao phóng tầm mắt về phía xa mờ, núi đồi trùng điệp khoác lên mình chiếc áo màu xanh của những cánh rừng cao su bạt ngàn tươi tốt.
Đồng bào dân tộc Tây Bắc trồng cao su. Ảnh: Tùng Châu

Gió lồng lộng, mát rượi làm lồng ngực mình dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Tựa lưng vào sườn dốc, tôi lắng nghe tiếng cựa mình của những mầm cây cao su đang đâm chồi, nẩy lá. Buổi sáng Sìn Hồ thật nhẹ nhàng, khoáng đãng…

5 năm trước, nếu như ai đã đến Chăn Nưa giờ có dịp trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi lớn lao của vùng đất nơi đây. Không còn những con đường “ngựa đi”, thay vào đó đường nhựa phẳng lì vào đến tận làng bản. Trường học, điện thắp sáng đã về.

Xã Chăn Nưa trước đây vốn hoang vu, vắng lặng là thế giờ trở nên đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên kể từ khi Công ty CPCS Lai Châu 2 được thành lập (30/9/2009) và đóng trên địa bàn với nhiệm vụ khai hoang trồng mới cây cao su trên địa bàn hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Chưa đầy 5 năm, công ty đã thành lập được 16 đơn vị với diện tích hơn 4.200ha, góp phần giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.330 CNLĐ biên chế chính thức với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/ tháng, cùng hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/ngày công.

Công đoàn công ty dù còn non trẻ nhưng ngày càng lớn mạnh với nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích như: Xây dựng “Quỹ mái ấm tình thương”, “Quỹ mái ấm Công đoàn” xây dựng nhà ở cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân… Trong đó, năm 2013 công ty đã đạt giải nhì toàn đoàn Hội diễn nghệ thuật CBCNVC LĐ ngành cao su khu vực I do VRG tổ chức, giải nhất toàn đoàn Hội thao Khối thi đua số 7 tổ chức tại Campuchia…

Đặc biệt đã đưa vào hoạt động 1 lớp mẫu giáo ở Đội Chăn Nưa 4 với hơn 30 em nhỏ là con của công nhân đồng bào dân tộc thiểu số, sắp tới sẽ mở thêm một lớp nữa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em CBCNV-LĐ công tyHình ảnh buổi sáng trên chiếc xe máy đưa con đến lớp rồi lên lô chăm sóc vườn cây cao su đã trở thành quen thuộc mà trước đây dù có mơ anh Lý A Tủa (công nhân Đơn vị cao su Chăn Nưa 4) cũng không dám nghĩ đến.

“Trước đây làm nương lúa, nương ngô cuộc sống rất khó khăn, những năm mất mùa cái bụng đói lắm. Từ ngày vào làm công nhân Cao su không sợ đói nữa, có tiền mua xe máy, áo quần đẹp, mấy đứa con đều được học cái chữ, lòng vui lắm” – Đó không chỉ là tâm trạng của anh Lý A Tủa mà là niềm vui chung của những công nhân cao su nơi núi rừng Tây Bắc. Nhìn cuộc sống tốt đẹp, đầy niềm tin của công nhân, lòng tôi lại dâng trào niềm vui sướng và hạnh phúc vì chính mình đã góp một phần nhỏ mang lại cái niềm vui đó!

 “Từ ngày vào làm công nhân cao su không sợ đói nữa, mấy đứa con đều được học cái chữ, lòng vui lắm” – Đó là niềm vui chung của những người dân nơi núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Tùng Châu

“Từ ngày vào làm công nhân cao su không sợ đói nữa, mấy đứa con đều được học cái chữ, lòng vui lắm” – Đó là niềm vui chung của những người dân nơi núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Tùng Châu

Sông Nậm Na mùa cạn nước, đoạn đi qua xã Chăn Nưa nước rút làm lộ ra những bãi phù sa tích tụ lâu ngày dưới đáy sông, cách đó không xa là những vạt đồi cao su xanh mướt đã vào năm thứ 5 của Đội Cao su Chăn Nưa 1. Gần đó là những mái nhà sàn của những cư dân người Thái quyện trong khói sương mờ ảo. Tất cả tạo nên một bức tranh thủy mặc hữu tình như là một kiệt tác sắp đặt của tự nhiên.

Mỗi lần đứng trên đồi cao su của Đội Cao su Chăn Nưa 4 nhìn qua lòng tôi lại thấy khoan thai và nhẹ nhõm biết chừng nào. Lòng lắng lại những phút giây để chiêm nghiệm về cuộc sống, về thế nào là hạnh phúc của đời người, và có lúc lại miên man suy nghĩ về con người, cuộc sống, vùng đất mà mình đã thề là sẽ cống hiến cả sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình.

Dẫu đôi lúc, nỗi nhớ quê hương – mảnh đất gió Lào cát trắng của miền Trung yêu dấu vẫn canh cánh, xốn xang trong lòng. Thôi thì quê hương đâu cũng là nhà, vì sự nghiệp phát triển cây cao su, vì những con người Tây Bắc thật thà, chất phác, lam lũ mà vững tin vào sự lựa chọn của mình.

Ngày ấy, cây cao su chân ướt chân ráo vào Tây Bắc vừa mới trải qua một sự hụt hẫng trong nhân dân về những hứa hẹn ngon ngọt từ cây mía. Sau sự ra đi bất ngờ của Nhà máy đường Chăn Nưa, rồi Nhà máy giấy Lai Châu, người dân đã chẳng dám đặt niềm tin thêm một lần nữa vào những cây cao su xa lạ kia. Đất thì không chịu giao để góp cổ phần vì sợ Nhà nước lấy mất đất không có để làm nương rẫy. Đến khi giao đất thì chẳng chịu vào làm công nhân vì cứ nghĩ chắc cũng chẳng đổi thay được gì.

Mặc dù đã được chính quyền địa phương và cán bộ cao su tuyên truyền và vận động hết sức… Khó khăn gian khổ là thế nhưng lãnh đạo và cán bộ nhân viên Công ty CPCS Lai Châu 2 vẫn không chùn bước, vượt qua tất cả, vào đến tận làng bản người Mông, người Thái… vận động tuyên truyền về cây cao su. Rất may mà đồng bào Tây Bắc vốn nhiệt tình, chăm chỉ, đã tin tưởng biết được cái lợi của cây cao su nên vợ chồng, anh em dắt theo con cái gạo đùm, áo gói làm lán ngay trên đồi cao su để san băng đào hố, trồng và chăm sóc cây cao su.

Công nhân Công ty CPCS Lai Châu 2 chăm sóc cao su. Ảnh: Phi Long
Công nhân Công ty CPCS Lai Châu 2 chăm sóc cao su. Ảnh: Phi Long

Khi thấy được những đổi thay nhất định từ cây cao su, họ lại tuyên truyền về bản, thế là người xin vào làm công nhân ngày một nhiều. Đồng bào Tây Bắc vốn thật thà chất phác. Một khi họ đã tin tưởng thì khó khăn mấy cũng làm được. Mỗi một cây cao su lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của mỗi công nhân là cả một tình yêu, tâm huyết và mồ hôi ở trong đó. Có anh công nhân người Mông Lý A Sì đã ôm những cây cao su bị gãy vì gió lốc khóc nức nỡ như thể mình vừa mất đi một điều gì đó đã quá thiêng liêng, thân thiết.

Còn rất nhiều chuyện nữa về những cây cao su Tây Bắc. Vui có, buồn có, gian khổ cũng lắm phần. Tất cả rồi sẽ đi vào trong tâm trí của mỗi người như là những câu chuyện cổ tích thật sự về cây cao su. Chỉ có điều, câu chuyện cổ tích ấy đang còn dang dở, phải được tiếp tục viết bằng tất cả sự tâm huyết và cả trái tim yêu cây, yêu nghề của mỗi thành viên Công ty CPCS Lai Châu 2!

 “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mọi gian khổ rồi cũng qua dần dưới bàn tay và khối óc của những con người không bao giờ chịu đầu hàng trước thử thách. Nhìn những ngọn đồi trước đây vốn hoang vu được phủ xanh bằng những đồi cao su xanh ngát ai cũng vô cùng phấn khích.

Có anh công nhân người Mông Lý A Sì đã ôm những cây cao su bị gãy vì gió lốc khóc nức nở như thể mình vừa mất đi một điều gì đó đã quá thiêng liêng, thân thiết.

Không vui sao được khi những công sức mình bỏ ra sắp đến ngày thu hoạch. Chỉ vài năm nữa thôi, khi những cây cao su đầu tiên bắt đầu cho mủ thì một Sìn Hồ chỉ có trong mơ sẽ trở thành hiện thực. Đâu đó hai bên đường, những pa nô tuyên truyền mang dòng chữ: “Huyện Sìn Hồ quyết tâm phấn đấu trồng 15.000ha cao su vào năm 2015” càng thể hiện rõ tinh thần và quyết tâm của huyện nhà.

 Còn tôi, hàng ngày đi lại trên đồi, trong vườn cây cao su, nhìn ngắm những cây cao su căng tràn nhựa sống mà lòng phơi phới niềm vui. Tôi thích ngắm những cây cao su mùa lá rụng để mơ màng thổn thức về một điều gì đó cho riêng mình, hay hít thở những hương hoa cao su tinh khiết, nồng nàn vào độ cuối Xuân để thấy tuổi trẻ mình đã không lãng phí, và quan trọng là để thấy mình còn yêu lắm cuộc đời này!

Bây giờ thì những khó khăn, vất vả vẫn còn đó nhưng màu xanh đã được định hình rất đậm nét, niềm tin thì lại càng được củng cố vững chắc hơn bao giờ hết. Tất cả được phản ảnh qua hình ảnh những cô công nhân người Mông gùi con trên lưng vun trồng, chăm sóc cây mồ hôi nhễ nhại mà khuôn mặt vẫn ánh lên nụ cười rạng rỡ.

Cũng dễ hiểu thôi, những giọt mồ hôi hôm nay sẽ là ước vọng của ngày mai tươi sáng. Đời cha mẹ của bọn trẻ sẽ thay đổi trong nay mai, đời chúng sẽ không còn cảnh gùi con trên nương trồng ngô, trồng sắn, quần quật, lam lũ quanh năm mà vẫn nơm nớp lo đói ăn. Trong ánh mắt lim dim dưới cái nắng cuối hạ, chúng đang mơ một giấc mơ có thật về những dòng nhựa trắng sắp được khơi dòng!…

  Nguyễn Xuân Cảm

(Đơn vị cao su Chăn Nưa 4, Công ty CPCS Lai Châu 2)

1 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Lê Tư
9 years ago

Bài viết đầy ý nghia. Để có ngày hôm nay, cán bộ cnld đã đổ bao giọt mồ hôi. Từ lấy đất, khai hoang trồng mới…, từ lấy người đi làm, tuyên truyền để bà con vào công nhân. Thành quả sẽ đến với ta nếu chúng ta không chịu lùi bước.
Đơn vị cao su Huoi Luong, CTCS Lai Chau 2