CSVN – Quãng thời gian gắn bó với cây cao su, anh Nguyễn Sỹ Vui đã thấu hiểu nỗi cực nhọc của người công nhân sáng nắng, chiều mưa trên vườn cây. Để trải lòng mình với tình cảm ấy anh đã tìm đến văn thơ, báo chí.
Viết thay lời người công nhân
Tại Đại hội đại biểu CNVC năm 2012 của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, người công nhân Nguyễn Sỹ Vui của NT Kdang rất vui mừng và tự hào được đại diện cho đơn vị đọc tham luận trước sự chứng kiến của hơn 100 công nhân tiêu biểu toàn công ty, lãnh đạo và khách mời.
Đặc biệt, trong bài tham luận có một bài thơ do anh sáng tác với tựa đề “Mang Yang nơi điểm hẹn” đã thay lời cho người công nhân cao su nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn của một phu cao su, qua đó khắc họa rõ nét cuộc sống đời thường của người công nhân cao su trong thời nay. Bài thơ đã làm lay động lòng người của CBCNV và khách mời…Kết thúc bài tham luận, đích thân Phó TGĐ VRG Phạm Văn Hiền đã đến bắt tay chia vui và chúc mừng anh càng vui sướng, tự hào hơn.
Đó là kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm cao su của anh trước khi chia tay với vườn cây, nơi mình từng sống và làm việc gần 30 năm.
Anh Nguyễn Sỹ Vui đến với cao su trên cương vị là một chiến sỹ quân y ngay sau khi Công ty Cao su Mang Yang được thành lập vào năm 1984. Công tác tại trung tâm y tế công ty 3 năm, anh chuyển qua làm công nhân chăm sóc tại Nông trường Kdang cho đến ngày nhận sổ nghỉ hưu.
Quãng thời gian gắn bó với cây cao su, anh đã thấu hiểu nỗi cực nhọc của người công nhân sáng nắng, chiều mưa trên vườn cây cao su. Để trải lòng mình với tình cảm ấy anh đã tìm đến với văn thơ, báo chí. Anh cho hay: “Từ năm 2002, tôi thấy Công ty Cao su Mang Yang ngày càng phát triển, đổi thay, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện. Từ trong cái khổ bước ra với ánh sáng của vật chất, nhiều anh em đã thầm cám ơn cây cao su, công ty cao su đã giúp mình thoát nghèo. Không biết chia sẻ thế nào nên tôi bắt đầu cầm bút viết cho Tạp chí Cao su để giãi bày tâm sự thay lời người công nhân. Bài viết đầu đời của tôi có tựa đề “Một ngôi nhà lớn của người công nhân” viết về nhà đội nơi anh em công nhân làm việc, nghỉ ngơi…”.
Gần 100 tác phẩm viết về cao su
Sau 13 năm đến với văn chương, làm cộng tác viên cho Tạp chí Cao su, anh đã có trong tay gần 100 tác phẩm các loại, từ thơ viết về người công nhân cao su, đến các bài văn, truyện cười… Anh chia sẻ một kỷ niệm vui trong đời làm cộng tác viên: “Lần đầu tiên được nhận nhuận bút, cũng là bài báo đầu tiên gửi Báo Cao su được đăng viết về nhà đội, bài viết ấy được 40 ngàn. Mừng quá, tôi đi khoe khắp nơi, anh em túm tụm lại xem, rồi đọc ngấu nghiến, cuối cùng là đòi khao. Ngày hôm sau, tôi mua hết 100 ngàn tiền bánh kẹo, nước ngọt vào khao anh em, âm mất 60 ngàn nhưng tôi vui lắm, đi đâu cũng được mọi người gọi là nhà thơ của cao su”.
Dù đã nghỉ hưu từ năm 2012, nhưng đến giờ anh vẫn thủy chung với tình yêu cao su, thường xuyên gọi điện, đến nhà anh em công nhân thăm hỏi tình hình về cao su, về đời sống, thông tin hiện nay… “Từ đó có điều kiện để nắm thông tin, sự kiệncủa công ty, của ngành và đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục sáng tác những bài thơ, bài văn về vườn cây cao su, về con người cao su”, anh cho biết.
“Hôm nay, ngành cao su nói chung và Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng tôi tin rằng ngành cao su sẽ sớm vượt qua giai đoạn hiện nay. Người công nhân cao su hãy kiên định, rồi cây cao su sẽ đáp lại tấm chân tình của những người nhiệt huyết, hết lòng với nhiệm vụ với nghề nghiệp”, anh Vui mong muốn.
Bài, ảnh: Gia Linh
Related posts:
- “Mong lớp trẻ hiểu được lợi ích lâu dài khi làm công nhân cao su”
- “Bông hồng” miền biên viễn
- Rcom Bliu - Một cán bộ Đoàn năng động và nhiệt huyết
- Đội ngũ công nhân cao su ra đời
- Những cuộc đấu tranh tự phát
- Vững một niềm tin
- Lê Minh Trí - con công nhân Cao su Dầu Tiếng: Thủ khoa 2 khối trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022
- Tấm gương mẫu mực của ngành cao su
- Anh Ngô Thành Nguyên: Góp phần xây dựng phong trào thi đua sôi nổi ở cao su Dầu Tiếng
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su