Những bông hồng ngày 8/3

CSVN – Toàn Tập đoàn hiện có 42.000 CBCNV-LĐ là nữ, chiếm trên 40% trong tổng số CNVC-LĐ, trong đó, nữ sản xuất trực tiếp chiếm đến 90%. Có thể nói, hầu hết các chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, là những bông hồng luôn dịu dàng tỏa hương cả trong công tác lẫn đời thường. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3, xin giới thiệu một vài bông hoa tiêu biểu.
CN Đỗ Thị Quỳnh
CN Đỗ Thị Quỳnh
Đạt năng suất trên 10 tấn 7 năm liền

Nghe nhắc đến CN Đỗ Thị Quỳnh ở Tổ 10, NT Nghĩa Trung, bà Đào Thị Bích Ngân, Phó Chủ tịch CĐCS Phú Riềng có lời ngợi khen: “Cô ấy giỏi lắm, từng được công ty chúng tôi bầu chọn cử về dự Lễ trao giải thưởng “Nữ CNVC LĐ xuất sắc” ngành cao su lần I-2015 tại Vũng Tàu; và Ngày hội “Gia đình tiêu biểu ngành cao su” năm 2015 tại Đồng Nai”. Đỗ Thị Quỳnh sinh năm 1977, quê Thanh Hóa, mãi đến năm 2008 tức 31 tuổi mới vào làm CN.

Ấy vậy mà thật lạ, chỉ sau năm đầu còn học tập, rèn luyện tay nghề làm quen với nghề cạo mủ, thì qua năm 2009 cho đến nay cô đã có 7 năm liên tục đạt năng suất trên 10 tấn (trong đó năm 2010 đạt gần 13 tấn), cho thấy một tay nghề thượng thặng. Trong ngành cao su, việc đạt tới năng suất 10 tấn là cực kỳ khó. Vậy mà cô thợ từ khi vào khai thác chưa bỏ năm nào. Ấy là nhờ Quỳnh luôn cạo đúng quy trình kỹ thuật, cạo hết cây, tận thu hết mủ, làm máng che mưa đầy đủ, lại luôn chịu khó học tập rèn luyện tay nghề, học thật kỹ từ lý thuyết đến thực hành qua các thầy và bạn bè, đồng nghiệp.

Cô cho biết thêm: “Ở đây NT chú trọng việc học lý thuyết lắm nên thường cấp tài liệu, cử giáo viên giảng dạy cho CN, mỗi đầu năm trước khi vào mùa cạo mới đều tổ chức kiểm tra lý thuyết. Ngoài ra NT còn bố trí vườn cây cho CN ổn định, không xáo trộn nên rất dễ làm. Mình “ở” lâu với phần cây nên biết rõ “tính nết” của nó, cây nào cho nhiều mủ, cây nào bị bệnh phải chữa trị mình đều nắm được. Nhờ vậy mà rất thuận lợi trong công việc”.

CN Hồ Thị Vui
CN Hồ Thị Vui

Quỳnh cười vui, “bật mí”: “Em có được năng suất cao còn là nhờ mỗi khi trời mưa đều được chồng ra phụ trút mủ, nên giúp thu hoạch, bảo quản tốt sản phẩm”. Chồng cô là anh Lê Văn Sinh, từng là CN NT Nghĩa Trung từ năm 1994 đến 2008 rồi chuyển qua làm rẫy. Hai người hiện đang sống đầm ấm, hạnh phúc cùng hai con trai 16 và 12 tuổi.

Sớm về trước thời gian trên vườn cây thanh lý

Ở NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh, CN Hồ Thị Vui là người đã hoàn thành kế hoạch năm 2015 khai thác 5 tấn mủ vào ngày 30/9, sớm n hất NT. Chỉ tiêu giao không cao, và có thể có bạn cho rằng như thế thì đâu có gì là “siêu”, nhưng xin nhớ nơi cô thợ ấy đang cạo là vườn cao su già tận thu chờ thanh lý. Vì thế đây là một năng suất đáng nể bởi ở vườn cây tận thu, người thợ phải mở những miệng cạo trên cao tới 5 – 6 mét. Họ phải đặt làm những con dao cạo “đặc biệt” mới “với” tới được những nơi còn có mủ, khi mà phần thân bên dưới đã u nần hết cả.

NT Bến Củi nổi tiếng là nơi luôn chú tâm đào tạo nâng cao tay nghề CN, nên không có gì là ngạc nhiên khi Hồ Thị Vui tỏ ra rất thạo việc. Cô nói: “Cạo cây tận thu phức tạp lắm vì ngoài mở miệng cạo ở trên cao, chúng em còn phải nắm rõ sinh lý khai thác của từng miệng cạo trên từng nhánh để có thể thu mủ được nhiều nhất; đồng thời còn phải luyện kỹ thuật cạo cho phù hợp với từng miệng cạo ở nhiều hướng, nhiều vị trí khác nhau”.

Hồ Thị Vui sinh năm 1989, còn chồng cô, anh Phạm Mạnh Toản (1982). Hai người quê ở Nghệ An, từng có thời gian đi làm cà phê ở Đăk Lăk rồi xuống Sài Gòn phụ bán hàng, rất nỗ lực nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, cho đến năm 2011 lên làm cao su ở NT Bến Củi thì mới dần ổn định. Họ hiện có một con trai là cháu Phạm Hồ Bảo Nam, 6 tuổi. Mới vào làm cao su được 5 năm nhưng vợ chồng đã mua được miếng đất 11mét x 40 mét và xây được nhà kiên cố 120m2 cùng nhiều vật gia dụng. Họ đang dành dụm để mua thêm đất làm cao su tiểu điền.

Bài, ảnh: Hoàng Nam