Bà con Việt kiều tại Biển Hồ: Ổn định cuộc sống khi về với cao su

CSVN – Sau nhiều năm sinh sống trên biển và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, đến nay nhiều bà con Việt kiều ở Biển Hồ đã có cuộc sống ổn định khi về với Công ty Cao su Lộc Ninh – Vketi. Người lao động dần đã quen với công việc của một công nhân cao su, chỗ ở được công ty bố trí, hàng tháng có thu nhập, cuộc sống của bà con dần ổn định và bước sang một trang mới.

Vợ chồng chị Cúc và anh Đồng phấn khởi khi mủ “được mùa”
“Làm liều” đăng ký làm công nhân cao su

Chúng tôi có mặt tại dãy nhà tập thể của Nông trường 1, nơi có tiệm tạp hóa của gia đình chị Mai Thị Nga và anh Đỗ Văn Hoa. Anh Hoa hiện là Tổ trưởng Tổ 7, anh về làm tại Cao su Lộc Ninh – Vketi được gần 1 năm. Tận dụng khoảng trống trước căn nhà tập thể, chị Nga mở tiệm bán tạp hóa và đồ ăn sáng, cà phê cho công nhân cao su. Khách của chị chủ yếu là bà con Việt kiều làm việc tại nông trường. Cuộc chuyện trò với chị Nga tạm dừng vì có tốp công nhân vào ăn sáng để chuẩn bị đi trút mủ. Buổi sáng ở đây chủ yếu là cơm chiên, cơm ăn với thịt kho, cá kho. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, anh Nguyễn Văn Thạch – công nhân Nông trường 1 nói: “Buổi sáng mọi người sẽ ăn cơm cho no cô ơi. Ăn sáng xong chúng tôi nghỉ ngơi một lát rồi đi trút mủ”.

Nói rồi, anh Thạch kể về cuộc đời mấy chục năm lênh đênh trên Biển Hồ, cuộc sống bấp bênh, thu nhập ngày đánh cá được nhiều thì bữa cơm thịnh soạn, biển động không đánh bắt được gì thì phải vay mượn để làm sinh hoạt phí. Non nửa cuộc đời, anh đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống cơ cực kể biết bao nhiêu cho hết. Rồi đến khi Cao su Lộc Ninh – Vketi đến tận nơi bà con Việt kiều ở để tuyển lao động, anh “làm liều” đăng ký xin đi làm công nhân cao su.

Anh nói: “Lúc đó thì tôi vẫn chưa biết công nhân cao su là làm gì đâu vì trước giờ quanh năm suốt tháng cứ quẩn quanh trên biển, không biết mình có làm được không. Nhưng rồi, mấy chục năm mà vẫn chạy ăn từng bữa thì đã đến lúc phải kiếm việc khác. Lúc đoàn công tác của công ty xuống tuyển lao động, có cả các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nữa nên tôi yên tâm. Vậy là tôi với cháu tôi xuống làm trước, tôi tính qua năm ổn định mọi thứ là đưa bà xã về đây luôn. Chúng tôi được công ty bố trí cho ở nhà tập thể, giờ hàng tháng có lương, lương trả theo sản lượng nên mình phải cố gắng thật nhiều. Nhìn chung là giờ tôi yên tâm làm việc, rồi cố gắng phấn đấu có tiền tích cóp”.

Theo chân anh đi trút mủ, tiếng cười nói rộn ràng trên lô, nhìn đôi tay thoăn thoắt bóc những chén mủ đông, hai sọt chở mủ đầy ắp trên chiếc xe máy, vậy là lương tháng của anh nhờ đó cũng nhiều thêm. Anh chia sẻ: “Càng về những tháng cuối năm, mủ càng nhiều, thu nhập của chúng tôi nhờ đó cũng tăng thêm. Trước đây chưa có khi nào mà một tháng chúng tôi cầm mười mấy triệu trong tay, giờ thì điều đó trở thành sự thật. Bà con phấn khởi lắm, ai cũng làm việc với tinh thần thoải mái và hăng say”.

Công ty thường xuyên mở lớp dạy cạo để đào tạo tay nghề cho bà con Việt kiều
An tâm lập nghiệp trên vùng đất mới

Anh Nguyễn Lân – Phó giám đốc Cao su Lộc Ninh – Vketi chia sẻ với chúng tôi về hành trình thu tuyển bà con Việt kiều tại Biển Hồ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn bởi bà con đã quen làm việc cũ nên khi về môi trường mới bà con không quen và quay trở lại cuộc sống trước đây. Anh nói: “Việc đưa bà con Việt kiều ở Biển Hồ về làm việc tại đơn vị không chỉ đơn thuần là thu tuyển lao động đủ cho nhu cầu sản xuất của công ty mà đó còn là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia xây dựng trong chương trình chuyển đổi việc làm cho lao động Việt kiều. Vì vậy, lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện. Ban đầu chúng tôi cùng Đại sứ quán đi gặp gỡ bà con trực tiếp tại Biển Hồ, tổ chức xe đón bà con về đơn vị. Mọi thứ là quá mới mẻ với bà con nên công ty hỗ trợ hết mức, chúng tôi xây nhà tập thể cho bà con, mở lớp tập huấn cạo thường xuyên. Bà con học xong chúng tôi bố trí ngay vườn cây để ổn định cuộc sống”.

“Ngoài ra, anh em trong đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên để bà con cố gắng làm việc. Như vậy là bước đầu của chương trình được thực hiện khá thành công và năm 2023 chúng tôi dự định sẽ tiếp tục thu tuyển thêm 100 lao động Biển Hồ nữa”, anh Lân chia sẻ thêm.

Vợ chồng chị Trần Thị Cúc và anh Nguyễn Kim Đồng – Nông trường 1 đã cùng với cháu nội làm công nhân cao su được hai năm. Nhớ lại cuộc sống bôn ba trước đây, chị Cúc tâm tình: “Bà con sống trên Biển Hồ khó khăn đủ bề, không có giấy tờ tùy thân, ai kêu gì làm đó, thu nhập mỗi ngày được 150 ngàn đồng thì chắt bóp mới đủ tiền ăn ngày ba bữa. Cuộc sống cứ mãi như thế cho đến lúc chúng tôi quyết định đi làm công nhân cao su. Công việc có cực một chút nhưng lại được thoải mái, không bị gò bó bởi thời gian, rồi thu nhập của hai vợ chồng có dư, năm ngoái tiết kiệm được hơn trăm triệu lận, số tiền đó với chúng tôi là rất lớn. Vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng làm để có đủ tiền trả hết số nợ trước đây và lập nghiệp tại mảnh đất này”.

Nói rồi, hai vợ chồng chị chia tay chúng tôi để về nhập mủ cho đúng giờ. Chiếc xe máy chở hai sọt mủ đầy ắp vút đi giữa đường lô tràn ngập tiếng cười giòn tan của cả hai vợ chồng.

Đối với rất nhiều bà con Biển Hồ về đây làm việc như anh Thạch, chị Nga, anh Đông thì cuộc đời họ đã có nhiều vất vả, quanh năm bươn chải để mưu sinh nhưng giờ đây một chương mới đã được mở ra với công việc mới, có thu nhập, có chỗ ở và được làm việc tại một doanh nghiệp Việt Nam đứng chân trên nước bạn. Họ tin rằng cùng mang dòng máu dân tộc Việt Nam, cùng theo đuổi những điều tốt đẹp, do vậy dự án phát triển cao su của Lộc Ninh – Vketi không chỉ giúp bà con người Việt mà còn giúp bà con người Campuchia có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc “trường chinh” để đưa bà con người Việt trên Biển Hồ về làm việc tại đơn vị tuy có những trở ngại nhất định nhưng nhìn những dãy nhà tập thể, những buổi tập huấn cạo cho công nhân chu đáo, rồi siêu thị cao su được xây mới để phục vụ bà con… chúng tôi tin rằng, đây chính là những giá trị níu giữ bà con ở lại với đơn vị.

MINH NHIÊN