CSVN – Quy định EUDR đặt ra nhiều thách thức đối với các công ty thành viên VRG. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị mở rộng thị trường xuất khẩu nếu có sự chuẩn bị tốt để đáp ứng quy định này. Năm 2024, Tập đoàn chính thức có giá sàn cho các sản phẩm có chứng nhận phát triển bền vững PEFC, với giá cao hơn giá sàn cùng loại tối thiểu 10 USD.
Mở rộng sản phẩm có chứng nhận PEFC
Ngày 23/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định chống mất rừng. Quy định này được áp dụng vào tháng 1/2025, theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Mục tiêu của EUDR là ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng, đóng góp vào bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Các hàng hóa nông nghiệp thương mại tại thị trường EU sẽ phải đáp ứng và chứng minh các yêu cầu về mất rừng và suy thoái rừng trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng sẽ theo EU về quy định không gây mất rừng. Bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững. Quy định này cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, thị trường EU đứng thứ 3 nhập khẩu các sản phẩm cao su Việt Nam, kim ngạch đạt 469 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2023. Tuy là thị trường khó tính, nhưng đây là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa. Không những thế, cao su Việt Nam hiện đang chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và là nguồn cung lớn thứ 2 cho thị trường này. Là nước nhập khẩu cao su nguyên liệu và chế biến các mặt hàng cao su thành phẩm hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang là nguồn cung lớn về các mặt hàng cao su cho EU. Vì vậy, có thể một lượng cao su thiên nhiên từ Việt Nam được đưa vào chế biến tại Trung Quốc và sau đó xuất khẩu ở dạng sản phẩm cuối cùng vào EU. Khi các sản phẩm cao su thành phẩm từ Trung Quốc xuất khẩu sang EU phải tuân thủ EUDR, chắc chắn các thương nhân Trung Quốc cũng đòi hỏi các nhà xuất khẩu cao su nguyên liệu Việt Nam phải đáp ứng quy định này khi bán hàng cho họ.
Ông Trần Như Hùng – Trưởng Ban Thị trường kinh doanh (TTKD) VRG, cho biết: “Để đáp ứng được các tiêu chí của quy định EUDR, khối doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn cần hoàn thiện thủ tục, quy trình, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ năm 2024. Trong đó có gỗ và cao su là 2 ngành hàng đã tham gia Hiệp định VPA/FLEGT với EU, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Đặc biệt Việt Nam đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014 và có những quy định về chuyển đổi đất rừng từ 2017. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với ngành gỗ và cao su tại Việt Nam. Trong thời gian qua, Tập đoàn đã triển khai quyết liệt về công tác thực hiện các chứng chỉ phát triển bền vững và quản lý rừng trên các vườn cây của Tập đoàn trước mắt có thể đáp ứng các tiêu chí mà EU đưa ra. Tuy nhiên việc này cũng còn cần phối hợp với các Bộ ngành địa phương để có thể đáp ứng toàn diện cấp quốc gia về ngành đối với EU. Năm 2024, Tập đoàn chính thức có giá sàn cho các sản phẩm có chứng nhận PEFC, với giá cao hơn giá sàn cùng loại tối thiểu là 10 USD”.
Năm 2024 tuy có nhiều thuận lợi do nguồn cung hạn chế, nhưng dự đoán vẫn là một năm khó khăn đối với ngành cao su khi các cuộc xung đột vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu kết thúc. Các dự báo về tình hình thế giới 2024 đều thận trọng khi đề cập tới mức tăng trưởng. Từ những yếu tố trên, Ban TTKD VRG đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Tập đoàn đảm bảo hoàn thành và vượt kế hoạch tiêu thụ. Ngoài nhiệm vụ là tiêu thụ và hỗ trợ các công ty thành viên trong việc tiêu thụ sản phẩm cao su các loại, Ban TTKD đã đi sâu tìm hiểu và hỗ trợ các đơn vị tiêu thụ các sản phẩm chính của Tập đoàn. Đây là các nhiệm vụ quan trọng và nhiều thách thức, khi mà thị trường tuy có những phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và ở phía trước.
Có chính sách bán hàng phù hợp
Ông Trần Như Hùng cho biết, Ban TTKD đã thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và đẩy mạnh tiêu thụ, tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường cao su trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục rà soát và thực hiện các biện pháp giúp các đơn vị giảm giá thành để đảm bảo sản xuất hiệu quả trong điều kiện giá bán vẫn ở mức thấp. Thường xuyên tìm kiếm, tham khảo các nguồn thông tin uy tín trên thị trường để xây dựng các Bản tin tuần cho sản phẩm cao su, tham gia sâu vào các tổ chức và hiệp hội về cao su có uy tín để từ đó có các thông tin giúp các đơn vị có thể chủ động về giá cả, nhu cầu, cơ cấu sản phẩm trên thị trường để có chính sách bán hàng phù hợp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số trong công tác phân loại, chăm sóc khách hàng. Việc tham gia hợp tác với Sàn Giao dịch Hàng hóa Việt Nam xây dựng đề án Sàn Giao dịch cao su đã đi đến những bước hoàn tất có phiên bản Demo để trình lãnh đạo Tập đoàn phê duyệt cho triển khai chạy thử để đưa vào vận hành trong năm 2024. Từ đó mở rộng nhiều kênh bán hàng thay vì chỉ giao dịch trực tiếp như hiện nay. Tiếp tục kết hợp với Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam để từng bước đưa sản phẩm cao su, gỗ cao su… giao dịch trực tuyến nhằm đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch.
Nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng tổng kho cao su và các sản phẩm khác nhằm đẩy mạnh đóng gói, logistics, xuất khẩu hàng hóa, đưa sản phẩm ngày càng đến gần các khách hàng lớn, khó tính. Hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ cung ứng trọn gói đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ đó tối đa lợi nhuận cho Tập đoàn.
Hợp tác chặt chẽ với cơ quan tham tán thương mại các nước, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm ngành hàng cao su, lốp xe… Tham gia các hội thảo chuyên nghành được các nước trong hiệp hội phát triển cao su thiên nhiên nhằm xây dựng các kênh khách hàng và thị trường mới. Dự kiến triển khai tổ chức đoàn công tác tìm hiểu khai thác thị trường mới về nguyên liệu cũng như chế biến tại thị trường mới nổi Bờ Biển Ngà trong quý II năm 2024 nhằm tìm kiếm cơ hội mới trong tương lai.
Song song đó, tiếp tục xây dựng, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng truyền thống, là những nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su, các nhà sản xuất vỏ xe lớn trên thế giới, đàm phán với các khách hàng tiềm năng nhằm ký kết các hợp đồng xuất khẩu dài hạn vì đây là những khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm, có nhu cầu lớn, ổn định về số lượng và chất lượng. Thường xuyên nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các phản hồi về chất lượng và phục vụ khách hàng.
Đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm cao su có chứng chỉ phát triển rừng bền vững như PEFC, FSC, EUDR… Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm có các chứng chỉ phát triển bền vững nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị thường quốc tế. Mở rộng quảng bá hình ảnh của Tập đoàn gắn liền với phát triển bền vững, có trách nhiệm đối với cộng đồng.
“Đặc biệt, phối hợp cùng các Ban chuyên môn VRG để xây dựng cơ cấu sản phẩm cao su phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng của thị trường, đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm công nghiệp cao su có giá trị kinh tế cao vào các thị trường trọng điểm để mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn” – ông Trần Như Hùng, chia sẻ.
BẢO NAM
Related posts:
- Ngành cao su: Nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ
- Ông Bùi Thanh Tâm được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Cao su Lai Châu
- Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG
- Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất
- Hội thao CNVC LĐ VRG năm 2024: Sân chơi gắn kết, hữu nghị
- 64 đoàn tham gia tranh tài tại Hội thi Bàn tay vàng VRG lần thứ XIII
- Khai giảng lớp nghiệp vụ giám đốc nhà máy chế biến
- Thư ngỏ vận động tài trợ, đóng góp cho “Hội khuyến học 28/10” năm 2023
- Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm các Tập đoàn, Tổng công ty đạt 580.490 tỷ đồng
- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá người đại diện vốn của VRG tại doanh nghiệp