Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG

CSVNO – Ngày 19/8, VRG đã tổ chức Hội nghị Định hướng phát triển ngành gỗ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Từ đó có những nhận định và đề ra giải pháp, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị đã đánh giá công tác chế biến, SXKD năm 2021, kết quả thực hiện đến quý II năm 2022 và định hướng phát triển ngành gỗ Tập đoàn giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; các giải pháp để đảm bảo nguồn nguyên liệu và xu hướng thị trường gỗ trong tương lai của các Ban chuyên môn Tập đoàn và Hiệp hội Cao su Việt Nam; tham luận của các công ty gỗ thành viên Tập đoàn nêu rõ hơn về tình hình, các thông tin dự báo cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị cần xem xét.

Chủ trì hội nghị
Doanh thu ngành gỗ tăng dần qua các năm

Tính đến năm 2022, Tập đoàn có 15 công ty chế biến gỗ thành viên với 17 nhà máy sản xuất và 1 nhà máy thuê để sản xuất, ở các khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long. Tổng công suất thiết kế trên 1 triệu m3/năm, gồm các chủng loại: gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế và MDF.

Trong đó, có 12 công ty sản xuất gỗ phôi, 6 công ty sản xuất gỗ ghép tấm và 6 công ty sản xuất gỗ tinh chế. Với công suất thiết kế lớn của gỗ MDF là thế mạnh của Tập đoàn, sản lượng trung bình hàng năm chiếm gần 50% sản lượng sản xuất trong nước.

Ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban công nghiệp VRG báo cáo về ngành gỗ Tập đoàn

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG, nhận định: “Ngành gỗ là một trong 5 ngành nghề chính của VRG, sự phát triển của Tập đoàn luôn có sự đồng hành và đóng góp hết sức quan trọng của ngành gỗ. Trong thời gian qua, Tập đoàn có sự đầu tư phù hợp để phát triển và có một số thuận lợi, tuy nhiên ngành gỗ của Tập đoàn được đánh giá chưa có sự phát triển tương ứng với ngành gỗ của Việt Nam và tiềm năng hiện có”.

Những năm qua, hoạt động SXKD của ngành chế biến gỗ có sự gia tăng về mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch chung của Tập đoàn. Tuy nhiên ngành gỗ Tập đoàn vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Nhà máy Gỗ MDF Kiên Giang

Trong 5 năm qua (2017 – 2021) tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành gỗ ở mức trung bình, năm 2021 chỉ tăng 7,2% so với năm 2017. Trong giai đoạn này Tập đoàn đã đầu tư thêm nhiều nhà máy sản xuất gỗ mới góp phần quan trọng trong tăng trưởng về sản lượng của ngành gỗ. Gỗ phôi, ghép tấm có chiều hướng giảm, tuy nhiên gỗ MDF có xu hướng tăng đều.

Về sản lượng tiêu thụ, nhìn chung có sự tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2017 – 2021 với mức tăng 7,5%, sản lượng tiêu thụ trung bình trên 1,2 triệu m3/năm, trong đó sản lượng MDF đóng góp 77% tổng sản lượng tiêu thụ.

Nhà máy Gỗ Thuận An

Về kết quả kinh doanh, tổng giá trị doanh thu tăng dần qua các năm, năm 2017 doanh thu 6.806 tỷ đồng tăng lên 7.264 tỷ đồng vào năm 2021. Đã đóng góp 25% tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn. Về lợi nhuận sau thuế chủ yếu là đóng góp của các công ty MDF, trong đó MDF Dongwha đóng góp tỷ lệ lợi nhuận cao nhất. Ngành gỗ đóng góp 12,6% tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn, giá trị lợi nhuận sau thuế trên doanh thu 9,5%.

Tổng lao động năm 2021 của ngành gỗ hơn 3.900 lao động; thu nhập bình quân năm 2021 của ngành gỗ là 8,73 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với lĩnh vực SXKD khác và so với lương bình quân của toàn Tập đoàn. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của ngành gỗ đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng.

Cơ cấu chế biến ngành gỗ VRG giai đoạn 2017 – 2021
Dự kiến tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 10%

Theo kế hoạch sản lượng 4 năm 2022 – 2025, chỉ tiêu sản xuất của các công ty gỗ tăng ổn định. Tuy không có biến động lớn về sản lượng sản xuất nhưng ngành gỗ vẫn mang lại tăng trưởng bình quân hàng năm về doanh thu và lợi nhuận hơn 10%.

Trong thời gian tới, Tập đoàn tập trung định hướng cho các sản phẩm ngành gỗ bao gồm các sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới phục vụ cho thị trường nội thất gỗ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và có nguồn gốc từ rừng trồng.

Nhà máy Gỗ Trường Phát

Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG gắn liền với các sản phẩm tinh chế. Hợp tác với các nhà phân phối tiêu thụ lớn trên thế giới với chất lượng sản phẩm và có nguồn gốc rõ ràng, chứng chỉ rừng bền vững quốc tế là lợi thế để cạnh tranh và thu hút hợp tác đầu tư xây dựng thương hiệu.

Đông Nam bộ là khu vực ngành chế biến gỗ phát triển rất mạnh. Tuy nhiên hiện nay chưa có mối liên kết giữa nhà cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phụ trợ với nhà sản xuất, giữa nhà sản xuất với nhà cung ứng dịch vụ Logistic, thiếu bộ phận thiết kế chuyên nghiệp… Tập đoàn sẽ hình thành một khu công nghiệp với quy mô lớn chuyên về ngành chế biến gỗ để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển các công ty chế biến gỗ của Tập đoàn, vừa tạo hạ tầng để phát triển ngành gỗ ở khu vực.

Công nhân chế biến Gỗ Tây Ninh

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG cho biết, Tập đoàn sẽ nghiên cứu thành lập các nhóm ngành để có sự hỗ trợ hợp tác trong sản xuất, thị trường, trao đổi thông tin, đề xuất các kiến nghị như nhóm gỗ phôi, ghép tấm; nhóm tinh chế và nhóm các công ty sản xuất MDF…

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG phát biểu tại hội nghị

Trước xu hướng ngày càng thay đổi việc chuyển đổi số, mô hình kinh doanh trực tuyến đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các công ty cần tiếp cận, đầu tư chuyển đổi phù hợp với xu hướng từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, tăng năng suất.

Về định hướng phát triển ngành gỗ giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục tái cơ cấu hoạt động các công ty, mỗi công ty phải xây dựng sản phẩm có thế mạnh riêng. Đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất ván MDF tại MDF DongWha công suất 600.000 m3/năm. Nghiên cứu mở rộng một số sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sử dụng gỗ cao su hiệu quả nhất. Có giải pháp thúc đẩy mục tiêu giảm lượng gỗ phôi xuất bán, tăng tỷ lệ gỗ cao su tinh chế, áp dụng công nghệ thông tin trong SXKD, mục tiêu tăng tưởng mỗi công ty từ 7-10%/năm.

Sản phẩm Gỗ MDF Quảng Trị

Định hướng đến 2030, xây dựng năng lực sản xuất gỗ các công ty đạt trình độ và năng lực tiên tiến, tất cả các sản phẩm gỗ xuất bán được sử dụng từ nguồn gỗ hợp pháp và có chứng chỉ rừng bền vững, hoàn chỉnh chuỗi giá trị gỗ cao su từ khâu trồng đến sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu VRG, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm duy trì từ 8-10%/năm.

Sản phẩm Gỗ Đông Hòa

“Ngành gỗ sẽ là ngành chủ lực và then chốt của Tập đoàn trong thời gian tới, do đó tôi đề nghị các công ty gỗ, công ty cao su và các ban chuyên môn Tập đoàn cần tập trung tham mưu và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động các công ty gỗ. Ban TGĐ Tập đoàn cam kết sẽ quan tâm nhiều hơn nữa về ngành gỗ trong tương lai, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ SXKD được giao của Tập đoàn” – ông Lê Thanh Hưng, chỉ đạo.

TRẦN HUỲNH