CSVN – Mường Nhé là huyện miền núi, gồm 13 dân tộc sinh sống với 52.684 nhân khẩu, trong đó có 36.811 người Mông, nằm trên ngã ba biên giới Việt Nam với hai nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Là một trong những huyện nghèo, nằm trong 62 huyện được Nhà nước hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Mường Nhé có đặc trưng địa bàn huyện rất rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, kinh tế thuần nông là chủ yếu, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ đói nghèo cao…
Từ khi có chủ trương đưa cây cao su về với Điện Biên, đặc biệt về với huyện Mường Nhé, Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên từ khi thành lập và đóng chân trên địa bàn đã trồng và khai thác cho đến nay là 1.176 ha thì nơi đây đã không ngừng thay đổi, những lợi ích mà dòng nhựa trắng mang lại cho bà con nơi đây hết sức là to lớn. Đời sống của bà con nơi đây dần được cải thiện.
Riêng cây cao su, được đánh giá là hợp thổ nhưỡng Mường Nhé. Những lứa đầu trồng từ năm 2009 đến nay đã phát triển tốt. Điều này được thể hiện rõ trên đường đi, ngàn ngạt những lô cao su ngăn ngắt xanh, và xúc động khi qua Mường Toong, gặp bóng áo xanh những người cán bộ Công đoàn đang giúp dân trồng cao su. Diện tích no ấm của tương lai này đang tiếp tục phủ kín, vươn xa…
Tháng 7 đang mùa mưa, thi thoảng đám sạt lở ụp từ núi xuống khiến lái xe phải rất khéo léo mới thoát khỏi những đám trơn lầy. Tất cả mê đi trong cảnh sắc thiên nhiên. Đang là mùa xanh, mùa sinh sôi, trùng trùng điệp điệp trước mắt là núi non hùng vĩ, bên cạnh là thung lũng sâu hút biếc xanh lúa ngô đang mùa trổ bắp; biếc xanh những vạt rừng nguyên sinh thăm thẳm, những đồi cao su ngan ngát vươn hồi hộp chờ nhựa. Và bên đường, những thác nước nhỏ đổ xuống từ đỉnh núi như dòng bạc chảy… Tổ quốc, giản dị mà yêu thương là đây!
Cảnh đẹp là vậy, núi non hùng vĩ là vậy… Nhưng ai biết trước được những hậu quả do thiên nhiên đã gây ra. Mưa nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của cán bộ công nhân ở đây. Địa hình đồi núi đi lại khó khăn. Điển hình như Đội Cao su Nậm Kè, là đội xa nhất của công ty những ngày vừa qua do những trận mưa lớn đã làm trôi đi cây cầu đi lại mà công ty đã làm cho đội.
Trước tình hình cấp bách trên, TGĐ công ty Nguyễn Ngọc Hoàn đã chỉ đạo và giao cho tổ chức Công đoàn công ty trực tiếp quan tâm và giúp đỡ đội khắc phục những hậu quả do thiên tai để lại.
Chủ tịch Công đoàn công ty Bùi Đức Dương đã huy động toàn bộ lực lượng là cán bộ Công đoàn chủ chốt cùng với ban lãnh đạo công ty nhanh chóng xuống hiện trường để khắc phục.
Đúng 7h30 ngày hôm ấy ban lãnh đạo công ty có mặt tại hiện trường, thì cán bộ chủ chốt của BCH Công đoàn công ty đã có mặt đông đủ, người cuốc, người xẻng, người cây…mọi thứ đã sẵn sàng cho việc ứng cứu.
Đâu đó tiêng hô lớn “tất cả nhanh chóng tìm cho bằng được cây cầu đã bị lũ cuốn trôi”. Câu nói vừa dứt thì tất cả gần 20 người, người cởi quần dài, người bỏ điện thoại, người bỏ dép… mọi người chia nhau xuống tìm lại cây cầu đã bị cuốn trôi. Cũng may mực nước chỉ đến ngực mọi người nên cũng không sao. Khoảng 15 phút sau có tiếng la lớn “tôi tìm thấy cầu rồi” của anh Hạnh – Bí thư chi đoàn, cán bộ kỹ thuật Đội Nậm Kè.
Cũng rất may là do trận lũ đầu mùa nên lượng nước không lớn không hư hại mấy. Cây cầu vẫn còn nguyên chỉ mất phần ván đóng và mấy cây thép, còn lại vẫn còn gia cố và sử dụng được, toàn bộ lực lượng anh em đưa cây cầu về chỗ ban đầu tiến hành tu sửa và nâng cấp.
Đúng là thời tiết không chiều lòng người, mọi người vất vả mệt nhọc như thế mà ông trời vẫn đổ cơn mưa. Nhưng do tình thế cấp bách anh em thống nhất mưa vẫn làm cho xong để công nhân có cầu đi lại để làm việc. Bất chấp trời đổ mưa như trút mọi người vẫn cố gắng đưa cây cầu về vị trí ban đầu. Mặc dù đây là công việc hết sức khó khăn vì vốn dĩ cây cầu rất nặng. Tất cả gần 20 người ai ai cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, cùng hợp lực đồng thanh như thời chiến tranh bộ đội kéo pháo vượt núi vượt rừng vậy.
Những tiếng hô “hai ba nào” nghe sao quyết tâm đến thế. Sau khi đưa lên được cây cầu lên mọi người ai nấy thở phào nhẹ nhõm, phần việc nặng nhất cũng đã hoàn thành. Nhóm người đi chặt cây cưa ván, nhóm người nhặt đá gia cố chân cầu, phân công 3 người biết hàn thì gia cố lại cầu, còn người thì chuẩn bị cơm nước cho anh em…
Giờ nghỉ trưa ăn cơm ai ai cũng nói cười vui vẻ, cùng nhau đưa ra ý kiến về cách nào hoàn thành công việc nhanh nhất theo như dự tính ban đầu. Ăn xong, đâu đó vọng lại tiếng anh Dương Chủ tịch Công đoàn “Mọi người nghỉ ngơi xíu đã rồi làm”. Có tiếng ai đó trả lời “Thôi tranh thủ làm chứ còn nhiều việc lắm! Sợ không xong ngày mai công nhân không có đường để đi”. Nghe vậy, tất cả mọi người đứng dậy, ai phần việc nào thì theo phần việc ấy.
Nhìn thấy vậy tôi chỉ thầm mong thời tiết lúc này không nắng để các anh có đủ sức khỏe làm việc. Sáng thì mưa vậy nhưng tới giờ phút này sao nó nắng thế. Chắc hẳn các anh mệt lắm. Dẫu biết là thế nhưng ai cũng hiểu được tầm quan trọng của cây cầu này, nếu không làm xong thì công nhân không có đường đi làm, người dân không có đường đi lại. Chính vì vậy mà sự quyết tâm của toàn đội càng lên cao, không ngại nắng, ngại mưa để thi công cho xong cây cầu.
Những tiếng hò reo “cố gắng lên các đồng chí” làm xua đi phần nào sự mệt nhọc ở mỗi người. Cứ như vậy thời gian trôi qua và cây cầu cũng dần hoàn thiện. Cuối cùng giây phút mong chờ nhất cũng đến, còn bắn mấy cái ốc vít nữa là xong, thời khắc này tôi nghĩ ai cũng vui cũng mừng như tôi.
Nhìn lại đồng hồ 17h30 phút chiều rồi, anh Dương gọi tất cả mọi người lại và nói “Thay mặt BCH Công đoàn công ty cảm ơn các đồng chí là ủy viên BCH Công đoàn, các đồng chí đoàn viên đã không ngại khó, ngại khổ để giúp đỡ đơn vị hoàn thành cây cầu phục vụ cho công nhân lao động trong đơn vị. Tôi ghi nhận và biểu dương tinh thần của các đồng chí, cảm ơn các đồng chí”. Nghe xong sao lòng tôi thấy vui đến thế. Mọi sự mệt nhọc đều tan biến, chỉ có niềm vui và nụ cười hiện trên khuôn mặt tất cả mọi người.
Sau nhiều ngày mưa, trời bỗng tạnh, nắng lên lấp lánh trên rừng cao su xanh mướt. Mường Nhé như sáng bừng lên, hoang sơ và bình yên…
Rời xe ra về, lần đầu tiên, tôi bắt gặp cầu vồng trên núi. Sắc cầu vồng rực rỡ vắt từ đỉnh núi xa xa đến cánh rừng cao su đang lên xanh, mang lại một cảm xúc thật khó tả. Cầu vồng lên, nghĩa là mưa dứt. Mường Nhé, ngày đã nắng lên.
ĐẶNG XUÂN THANH
(Công ty CP Cao su Mường Nhé – Điện Biên)
Related posts:
- Công đoàn Cao su Tân Biên thăm, chúc Tết người lao động Cao su Mê Kông
- Geru Star khởi động chương trình cảm ơn thành viên
- Nơi công nhân luôn xem là nhà
- Đôn đốc tổ chức hội nghị người lao động
- Công đoàn Cao su Đồng Nai – Kratie luôn đồng hành cùng người lao động
- Nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu, người lao động được hưởng quyền lợi gì?
- Hoạt động Tháng CN 2014: Thiết thực, hiệu quả
- Công đoàn Binh đoàn 15 xây dựng và bàn giao 44 căn nhà trong nhiệm kỳ
- Công đoàn Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tặng quà công nhân
- Cao su Chư Mom Ray đối thoại với người lao động trong Lễ phát động Tháng công nhân