CSVN – Là một đơn vị tiên phong trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như của nước sở tại để bảo tồn rừng tự nhiên trong vùng dự án đã giúp cho Công ty TNHH PTCS Krông Buk – Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) phát triển một cách bền vững.
Phát triển gắn với cộng đồng
Đưa chúng tôi đi sâu gần 1 km vào trong khu rừng còn vô số các loài động thực vật sống cùng nhau, ông Nguyễn Hữu Cảnh – Phó TGĐ công ty liên tục đưa tay chỉ cho chúng tôi thấy những thảm thực vật và các biển báo do tổ chức Nature Life và Oxfam gắn để cảnh báo, nghiêm cấm khai thác rừng và săn bắt động vật hoang dã.
Nghỉ chân dưới bóng mát một cây cổ thụ, anh Cảnh cho biết: “Đây là khu rừng có tổng diện tích trên ngàn hecta, được công ty cùng với 2 tổ chức Bird Life quốc tế tại Campuchia và Oxfam của nước sở tại phối hợp thực hiện từ năm 2019 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, tài nguyên của rừng, qua đó gắn trách nhiệm của công ty với cộng đồng dân cư bản địa”.
Khu rừng được bảo tồn nằm trong lòng dự án của công ty, có tổng diện tích 1.056 ha, vị trí này có tên Phnom Tontang thuộc 2 làng (ở Campuchia gọi là Phum) là Phum Chan, xã Ta Vaengle của huyện Ta Vaeng và Phum Kanat, xã Talav của huyện Andong Meas ở tỉnh Ratanakiri. Khu rừng tự nhiên trong lòng dự án của Cao su Krông Buk – Ratanakiri được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong việc tạo sinh cảnh phong phú, cải thiện khí hậu cho khu vực dân cư lân cận, là nơi để người dân có thể đến tham quan và trải nghiệm về đa dạng động thực vật rừng. Các hoạt động bảo vệ, bảo tồn diện tích rừng tự nhiên từ trước đến nay luôn được công ty quan tâm với những giải pháp như định danh lại các loài cây hiện có; công khai kế hoạch, nhân sự thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên, các chính sách hỗ trợ cộng đồng trong bảo vệ rừng để chính quyền địa phương và cộng đồng góp ý và tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng dân cư sống xung quanh về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; vận động chính quyền địa phương và cộng đồng đưa ra các sáng kiến phối hợp với công ty thực hiện và giám sát thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng.
Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa, trách nhiệm cần phải bảo tồn khu rừng, ông Trần Ngọc Lành – TGĐ công ty chia sẻ, chúng tôi rất tự hào vì là đơn vị tiên phong trong công tác bảo vệ, bảo tồn rừng tự nhiên ngay trong vùng dự án của công ty. Chúng tôi cũng quan niệm rằng, việc phát triển của doanh nghiệp phải gắn với trách nhiệm cộng đồng, có vậy công ty mới phát triển bền vững.
Năm 2019, tổ chức con người và thiên nhiên (PanNature) Việt Nam đã đưa đoàn công tác của VRG và Cao su Krông Buk – Ratanakiri đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm ở một số khu vực bảo tồn như Orei và Vea, đồng thời công ty cũng mời đại diện khu bảo tồn O’ray đến chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và bảo vệ rừng cho bà con 2 Phum Chan và Chuy để người dân ý thức trong việc bảo vệ và giữ gìn lá phổi trong vùng dự án.
Trong bản đề xuất gói ngân sách hỗ trợ công ty bảo tồn khu rừng, tổ chức Bird Life tại Campuchia cũng đã đánh giá cao sự hợp tác của Cao su Krông Buk – Ratanakiri. Họ cho rằng: “Công ty Cao su Krông Buk – Ratanakiri cũng là một bên quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng các làng Chan và Kanat thành lập cộng đồng rừng Phnom Tutang vì vị trí này được bao bọc bởi rừng cao su của công ty. Sự hỗ trợ của công ty và làm cho cộng đồng địa phương tin tưởng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng với tư cách là một công ty. Ngoài ra, còn xây dựng uy tín của công ty trong việc góp phần bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Campuchia vì lợi ích của người dân Campuchia nữa”.
Tạo sinh kế cho người dân bản địa
Dẫn chúng tôi đến một vị trí nơi người dân từng khai thác gỗ và săn bắn động vật hoang dã trong khu rừng công ty đang thực hiện việc bảo tồn, ông Trần Xuân Nghĩa – Giám đốc NT Cao su Taveang II cho biết: “Nơi đây từng được rất nhiều người dân bản địa đến khai thác gỗ về làm nhà, săn bắn động vật làm kế sinh nhai. Nhưng từ ngày công ty và các tổ chức quốc tế thực hiện việc bảo tồn khu rừng thì công việc này không còn và mọi hoạt động khai thác lâm sản đều phải thông qua các trưởng phum”.
Trong tài liệu của Bird Life gửi Cao su Krông Buk – Ratanakiri trước đây thừa nhận rằng ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và khai thác tài nguyên rừng vẫn chưa tốt. Bird Life cho biết: “Các thành viên cộng đồng của làng Chan và làng Kar Nath có một mảnh đất rừng nằm trong dự án của công ty, nơi người của họ thường xuyên thu các sản phẩm và lâm sản gỗ để sử dụng hàng ngày, đe dọa mất tài nguyên rừng, động vật hoang dã và các lâm sản gỗ khác thông qua các hoạt động bất hợp pháp như săn bắn, khai thác gỗ trái phép, đặc biệt là lấn chiếm đất rừng trái phép”.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua công việc này đã không còn xảy ra, ông Cảnh cho biết, do khu rừng được bảo tồn nằm trong lòng dự án của công ty, do vậy khi tham gia vào việc bảo tồn khu rừng chúng tôi tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt người dân cũng như công nhân ra vào vùng dự án.
Còn theo ông Nghĩa, người trực tiếp và thường xuyên tham gia tuần tra cùng các cơ quan chức năng của địa phương thì: “Hiện nay tình trạng rừng và động vật sinh sống trong khu bảo tồn ngày càng được cải thiện, nhiều động vật đang từng ngày sinh sôi nảy nở và rừng trở nên xanh hơn, rậm hơn”.
Qua tìm hiểu, được biết việc giữ gìn và bảo tồn rừng tự nhiên của công ty và các tổ chức quốc tế tại Campuchia chính là tạo dựng một kế sinh nhai lâu dài cho người dân bản địa, thông qua việc khai thác có chủ đích, có kiểm tra, có giám sát của các trưởng phum (già làng). Việc khai thác gỗ làm nhà hoặc phục vụ công việc công cộng chính đáng phải được sự đồng ý của trưởng phum. Khi người được cấp phép khai thác tài nguyên rừng phải có được giấy xác nhận và chỉ được khai thác đúng số lượng cần dùng dưới sự giám sát của các tổ chức bảo vệ rừng.
Với VRG, không chỉ thực hiện việc bảo tồn diện tích rừng tự nhiên hiện có ở các công ty trong nước, VRG cũng đang đẩy mạnh hoạt động bảo tồn rừng tự nhiên ở các công ty tại Campuchia. Trong đó, VRG đã giao Cao su Krông Buk – Ratanakiri phối hợp với tổ chức NatureLife và Oxfam Campuchia, thực hiện dự án bảo tồn rừng tự nhiên Phnom Tuntang với diện tích là 1.056ha. Dự án gồm 7 bước, hiện công ty đã triển khai đến bước 5, tức cắm mốc ranh giới rừng cộng đồng và tham gia lập bản đồ rừng cộng đồng. Dự kiến đến hết quý II/2024 sẽ ký lập thỏa ước thành lập rừng cộng đồng. Ngoài ra, các công ty thành viên của VRG tại Campuchia cũng đã tiến hành khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên và bảo tồn rừng được hơn 3.300 ha (đạt 66,5%) trên tổng diện tích thực hiện theo kế hoạch là 5.000 ha.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Mang Yang: Chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động
- Kỳ đại hội khó quên
- Linh hoạt giải pháp để khắc phục khó khăn
- Nông trường Tân Hưng (Cao su Đồng Phú) vượt sản lượng gần 26%/năm
- Cao su Bình Thuận phấn đấu hoàn thành vượt mức các kế hoạch năm 2023
- Khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của VRG
- Cao su Phú Riềng tuyên dương 130 học sinh sinh viên xuất sắc
- Công nhân Cao su Bà Rịa phấn khởi mùa cạo mới
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất vườn cây
- 3 công ty trên địa bàn Kon Tum hỗ trợ Cao su Nam Giang – Quảng Nam 150 triệu