Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất vườn cây

CSVN – Sau 3 kỳ tổ chức thực hiện diễn đàn Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, Cao su Việt Nam đã giới thiệu nhiều tập thể tổ, đội, nông trường, công ty có vườn cây đạt năng suất cao. Đồng thời nhận được rất nhiều chia sẻ, ý kiến của lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật các đơn vị về những giải pháp quản lý, cách thức thực hiện để góp phần cho vườn cây đạt năng suất cao. Cao su Việt Nam trân trọng cảm ơn những hỗ trợ, chia sẻ quý báu của quý lãnh đạo và bạn đọc đã quan tâm theo dõi diễn đàn. Khép lại diễn đàn này, Cao su Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG về bức tranh toàn cảnh năng suất vườn cây VRG và định hướng cho các đơn vị thực hiện để góp phần tăng năng suất chung của toàn VRG trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thưa ông, với vai trò là người phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của VRG, xin ông đánh giá tổng quan về năng suất vườn cây của VRG nói chung và các đơn vị nói riêng trong những năm gần đây?

Ông Lê Thanh Tú: Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây là một định hướng lớn của VRG. Có nhiều nhóm giải pháp, yếu tố để nâng cao năng suất vườn cây đã được các đơn vị thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Có thể kể đến các yếu tố về công tác giống; mật độ vườn cây khi đưa vào khai thác; chế độ khai thác; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây; trình độ, năng lực quản lý của lãnh đạo; bố trí lao động hợp lý, tay nghề của công nhân khai thác… Các yếu tố này bổ sung, tương trợ lẫn nhau và được thực hiện trong chuỗi hành trình từ khi vườn cây ở giai đoạn KTCB chuyển sang kinh doanh.

Trong các yếu tố đã nói trên, công tác giống cây trồng được lãnh đạo VRG rất quan tâm. Công tác giống trong tái canh, trồng mới đóng vai trò chủ đạo quyết định khi đưa vườn cây vào kinh doanh có mật độ cây cạo cao. Trong thời gian gần đây, VRG đã có chính sách quản lý về giống, phối hợp với Viện Nghiên cứu CSVN có những đề tài khảo nghiệm, nghiên cứu bộ giống mới và ban hành cơ cấu giống giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 cho toàn VRG. Cơ cấu giống trồng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu và quá trình biến thiên thời tiết đang diễn ra trên diện rộng như hiện nay.

VRG cũng đã tiến hành phê duyệt cơ cấu giống cho từng đơn vị nhằm quản lý nguồn giống tốt, có năng suất cao, đảm bảo cân bằng sinh thái và định hướng tốt nhất để nâng cao năng suất vườn cây cho các đơn vị nói riêng và năng suất bình quân của VRG nói chung. Ban Quản lý kỹ thuật VRG cũng thường xuyên tổ chức Hội nghị nông nghiệp tại các khu vực để từ đó kịp thời đánh giá kết quả, những mô hình hiệu quả, cách làm hay về những vấn đề liên quan để việc giúp nâng cao năng suất vườn cây. Từ đó có những tổng kết để tiếp tục ứng dụng những giải pháp có hiệu quả vào thực tiễn.

Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây là mục tiêu lâu dài và cao nhất mà VRG hướng đến trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và khai thác vườn cây. Hiện nay, chủ trương của VRG về lĩnh vực này là không mở rộng thêm diện tích trồng mới cao su mà tập trung vào đầu tư thâm canh, chăm sóc và quản lý vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, sản lượng cho vườn cây. Trong 3 năm gần đây, VRG xây dựng kế hoạch sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Đó cũng là định hướng để các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa việc quản lý vườn cây để đạt năng suất như kỳ vọng.

Có thể khẳng định rằng, nhờ việc thực hiện đồng bộ các yếu tố về trồng, chăm sóc, khai thác vườn cây, đảm bảo mật độ cây tối ưu, đặc biệt là trình độ quản lý của lãnh đạo các đơn vị đã giúp cho năng suất vườn cây được tốt hơn. Năng suất bình quân của VRG năm 2021 đạt 1,57 tấn/ha, tăng so với năng suất năm 2020 thực hiện bình quân là 1,55 tấn/ha. Bên cạnh đó, có những vườn cây ngay từ năm đầu tiên đưa vào khai thác đã đạt năng suất 2 tấn/ha như ở Cao su Phú Riềng, Tây Ninh, Đồng Phú. Đây là những mô hình đặc thù, mô hình điểm mà chúng ta cần nghiên cứu để vận dụng và hướng tới. Trên cơ sở những mô hình này, Ban Quản lý kỹ thuật VRG thu thập thông tin, phân tích có những cách làm để đưa ra trao đổi, thảo luận tại các Hội nghị nông nghiệp của mỗi khu vực.

Hiện nay, ở các khu vực đều xuất hiện những đơn vị dẫn đầu về năng suất vườn cây. Khu vực Lào, Campuchia xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như Cao su Việt Lào, Bà Rịa – Kampong Thom, Chư Sê – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom… là những ngọn cờ đầu của khu vực. Các đơn vị ở hai khu vực này dần khởi sắc, năng suất vườn cây đang ở trong giai đoạn đỉnh điểm của chu kỳ khai thác nên sản lượng hàng năm đóng góp rất lớn trong tổng sản lượng của toàn VRG. Đối với việc định hình và tối ưu năng suất ở hai khu vực này, trên cơ sở thực tiễn, VRG đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu CSVN phối hợp với Ban Quản lý kỹ thuật VRG đánh giá toàn diện về công tác tổ chức sản xuất, quản lý phù hợp, chế độ thâm canh, công tác giống để tìm ra những giải pháp phù hợp cho việc thực hiện tái canh khi vườn cây hết chu kỳ khai thác.

VRG xây dựng kịch bản và lộ trình tăng năng suất theo từng năm. Ảnh: Vũ Phong

Việt Nam đang đứng thứ nhất về năng suất vườn cây trong khu vực châu Á, vượt qua các nước lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Với tiềm lực hiện có, theo ông năng suất cao su Việt Nam có kỳ vọng sẽ tăng hơn so với mức bình quân hiện tại hay không?

Ông Lê Thanh Tú: Thực tế những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thiếu hụt lao động, thời tiết cực đoan, ngành cao su cũng vậy. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, năng suất cao su Việt Nam ổn định và có xu hướng tăng. VRG cũng đã xây dựng tầm nhìn về khai thác, diện tích, sản lượng khai thác đến năm 2030. Nhìn chung, sản lượng xây dựng hàng năm tăng, diện tích khai thác giảm, những năm tới năng suất vườn cây của toàn VRG đi theo hướng tăng, góp phần khẳng định vị thế của ngành cao su Việt Nam trên toàn thế giới. Để thực hiện đạt mục tiêu này, VRG đã xây dựng kịch bản và lộ trình cụ thể trong từng năm.

Qua mỗi năm, Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG đều ghi nhận thêm nhiều thành viên mới. Và trong đó, không chỉ có những tập thể đạt năng suất vườn cây 2 tấn/ha mà đã xuất hiện những mô hình có năng suất trên 2,5 tấn/ha, trên 3 tấn/ha. Có thể nói, các đơn vị trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha đã có đóng góp to lớn vào việc giúp VRG hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm. Năm 2021, 70 nông trường trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha tuy chỉ chiếm 30% trong tổng diện tích khai thác của VRG nhưng sản lượng đạt hơn 40% trong tổng sản lượng của toàn VRG.

VRG ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các đơn vị trong việc đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Với những tiến bộ, đột phá và cách quản lý đồng bộ, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi tin tưởng rằng năng suất vườn cây của VRG năm 2022 sẽ có bước tăng trưởng đáng kể so với năm 2021.

– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

QUỲNH MAI (thực hiện)