Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(Tiếp theo kỳ trước)

CHẢY MÁU KINH TẾ THUỘC ĐỊA

Trong suốt thập niên 1940 và 1950, những đồn điền tồn tại ở rìa các vùng biên giới dễ biến động và là những nơi đầu tiên xây dựng những bãi đáp. Bãi đáp giúp các đồn điền cao su tiếp tục được vận hành trong suốt hai cuộc chiến tranh Đông Dương; các nhà lãnh đạo quân đội và chính trị đã ra lệnh trưng dụng những bãi đáp này cho mục đích của họ. Lực lượng chống thực dân cũng tìm cách làm cho những cảnh quan này trở thành lợi thế của họ.

Công nhân cao su bị phạt lao động không công vì chống đối chủ.
Đồn điền cao su – lợi thế của lực lượng chống thực dân

Dạng môi trường pha trộn giữa đồn điền – rừng rậm mang lại nhiều lợi thế cho Mặt trận giải phóng dân tộc Việt Minh. Những hàng cây thẳng tắp ở đồn điền vừa giúp gia tăng sự cơ động của các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc – đa phần đi bộ, không được trang bị cơ giới như quân đội Pháp – vừa vô hiệu hóa sức mạnh của không quân Pháp. Đồn điền cung cấp cho lực lượng du kích nơi để ngủ nghỉ, những con đường mòn có sẵn, củi và nước, cung cấp nơi để gặp gỡ, huấn luyện. Những khu rừng ở bên cạnh các đồn điền là nơi mà các cuộc hành quân của Pháp hầu như không thể xuyên qua và là nơi lực lượng Việt Minh có thể rút lui vào đó sau những trận giao tranh. Những cánh rừng lẫn đồn điền là nơi rất tiện lợi giúp lực lượng Việt Minh tránh bị phát hiện, đặc biệt là tránh bị phi cơ Pháp tìm thấy, chúng được sử dụng như một lá chắn trong suốt quá trình tấn công và rút lui. Lực lượng lao động tại đồn điền là điển hình cho một lực lượng đồng minh tiềm tàng, quan trọng, và là nguồn cung cấp nhu yếu phẩm, tiền bạc. Xét về mặt địa lý, các đồn điền đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát vùng biên giới phía Nam Đông Dương, như cửa ngõ thông ra đồng bằng châu thổ sông Mekông và những kho dự trữ lúa gạo giàu có của nó. Vì các đồn điền nằm ở cả hai bên biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia nên việc cạo mủ cao su là cách ngụy trang hữu hiệu để di chuyển giữa hai vùng đất. Để đối phó, quân đội Pháp và các chủ đồn điền ra sức kiểm soát việc lưu thông và quân sự hóa vùng vành đai quanh các đồn điền, biến đổi một số địa điểm, ví dụ như đồn điền Courtney thành các trại lính. Đồn điền Dầu Tiếng của Michelin đã đặt 8 chốt quân sự với 300 lính, còn đồn điền Quản Lợi duy trì 5 chốt quân sự với 200 lính. Người Pháp cũng hủy hoại cây cao su ở các đồn điền vừa và nhỏ nhằm giảm thiểu giá trị về mặt chiến thuật của chúng đối với lực lượng Việt Minh.

Trong khi đó, Việt Minh vẫn tiếp tục tổ chức, thành lập Nghiệp đoàn Cao su tại Long Khánh vào năm 1947 để phối hợp hoạt động với các nghiệp đoàn cao su khác, các tổ chức cấp tỉnh, và các đơn vị vũ trang trong vùng. Sự pha trộn của các tổ chức cung cấp giải pháp cho sự linh hoạt của Việt Minh, với các nhóm nhỏ tìm cách hoạt động theo kiểu tự quản. Theo đường lối chung, hai mục tiêu chính của các nghiệp đoàn là “biến đồn điền thành chiến trường để tiêu diệt địch” và “phá hủy nền kinh tế của kẻ thù”. Đại đội Cao su thuộc Chi đội 10 chịu trách nhiệm triệt hạ cây cao su và hỗ trợ những tổ chức hoạt động bí mật ở các đồn điền tiêu diệt lực lượng dân quân đang kiểm soát khu vực này. Những tổ chức này vẫn tiếp tục phát hành những bản tin như Sứ mạng và Tiếng rừng.

Một báo cáo của Việt Minh với tiêu đề “Những đồn điền Pháp” đã đưa ra 4 biện pháp để hủy diệt đồn điền, bao gồm: phá hủy lực lượng lao động, hủy hoại công cụ; phá cây; phá hoại những hai cách để triệt phá cây và một số cách để giảm năng suất mủ cao phương tiện giao thông vận tải. Trong mục về cây, báo cáo đã mô tả su, bao gồm gây bệnh cho cây cao su hevea. Việt Minh còn dùng cách lột vỏ cây cao su. Khi các chủ đồn điền nhanh chóng nghĩ ra được những phương pháp để tái tạo lại lớp vỏ cây bị mất, thì Công đoàn Cao su lại tấn công bằng phương thức gọi là “khoanh vỏ, nghĩa là cắt một vòng thật sâu quanh thân cây để chặn dòng mủ chuyển từ rễ lên, và thế là hủy diệt được cả cây. Đốt cây là hình thức kháng cự phổ biến hơn”. Chiến dịch phá hoại nguồn lợi kinh tế của Pháp như vậy đã thành công trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, và thậm chí là một hình mẫu cho Đảng Cộng sản ở Mã Lai trong suốt thời kỳ khẩn cấp, hay còn gọi là sự nổi dậy của những người cộng sản.

Công nhân cao su nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết.
Tài sản vườn cây của thực dân Pháp bị thiệt hại nặng nề

Theo cuốn Cuộc chiến của công nhân đồn điền cao su do Nhà xuất bản Công nhân phát hành, từ năm 1945 đến năm 1948 công nhân đồn điền cao su đã tiến hành 1.600 vụ hủy diệt cây cao su, đã hủy hoại trên 7 triệu cây chất lượng cao, tương đương 10% tổng số cây cao su hevea ở Đông Dương, và tàn phá 17.000 trên tổng cộng 150.000 ha đồn điền. Hành động đấu tranh đặc thù của công nhân tiếp diễn trong suốt cả năm và thường xảy ra vào những ngày kỷ niệm của Việt Minh. Vào ngày 01/5, Ngày Quốc tế Lao động, những công nhân ở đồn điền Courtney tại Bà Rịa biểu tình đòi tăng lương và các nhà quan sát đã nhận thấy những dấu hiệu của người cộng sản xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Dầu Giây. Ngày Quốc khánh Pháp cũng được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh của công nhân.

Rất khó để xác định số lượng người có liên quan đến những sự kiện này cũng như vai trò tổ chức của Việt Minh. Tác giả của cuốn Cuộc chiến của công nhân đồn điền cao su cho rằng vào ngày 19/5/1947, công nhân ở Biên Hòa đã phá hủy một số lượng đáng kinh ngạc lên đến 300.000 cây cao su. Cuốn Cuộc chiến của công nhân đồn điền cao su chứa những đoạn văn miêu tả rất kinh khủng về những người công nhân bị chặt đầu sau khi bị phát hiện có hành động phá hoại, hay đơn giản chỉ là do xuất hiện không đúng thời gian và địa điểm. Binh lính Pháp là vốn thường trưng ra những đầu người bị chặt một cách dã man trong suốt thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Những hình ảnh này nhằm mục đích làm dấy lên sự phản đối của quần chúng và nhằm cảnh báo những dân quân kháng chiến về hậu quả của việc bị bắt giữ.

Những ấn phẩm như vậy đã góp phần giúp Việt Minh giành được sự ủng hộ của thế giới, và vào ngày 19/5, 300 trí thức người Pháp đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị thúc ép phải đàm phán với Việt Minh. Một ngày sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Hoàng Minh Giám đã từ chối thỏa thuận đình chiến với người Pháp, một phần vì thất bại của thỏa ước ngừng bắn vào năm 1946. Vào đầu năm 1947, hầu hết tướng lĩnh quân đội Pháp tiên đoán sẽ có một chiến thắng chớp nhoáng trước Việt Minh vì các lực lượng chống thực dân hình thành trong Cách mạng Tháng Tám bắt đầu trở nên mâu thuẫn gay gắt, đặc biệt là ở miền Nam. Tuy nhiên, quân đội Pháp cũng đang nhận ra rằng họ khó mà chế ngự được lực lượng Việt Minh ở phía Bắc.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)