Nhớ vị tư lệnh Binh đoàn cao su 23

CSVN – Giờ đây, chuẩn bị kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thì ông ra đi. Ông ra đi khi chưa xin được đất ở nghĩa trang để xây bia tưởng niệm 358 liệt sĩ tăng-thiết giáp miền Đông Nam Bộ chưa tìm được hài cốt, và thăm hỏi, tặng quà chính sách nhiều cán bộ, chiến sĩ một thời chuyển sang làm kinh tế cao su ở Binh đoàn 23.

Tại một buổi gặp mặt cựu chiến binh. Từ trái sang: Thiếu tướng Mai Văn Phúc, Thiếu tướng Nguyễn Răng, Trung tướng Đỗ Quang Hưng, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Đại tá Lê Bình.

Một ngày cuối tháng giêng cách đây mấy năm, Thiếu tướng Mai Văn Phúc gửi cho tôi tập bản thảo hồi ký của ông với một bức thư đề nghị tôi “xem và góp ý bổ sung”. Là người nghiên cứu lịch sử quân sự, từ lâu, tôi vẫn ao ước tất cả vị tướng trưởng thành trong chiến tranh ở Nam Bộ – địa bàn tôi công tác – đều có hồi ký. Trong điều kiện công tác lưu trữ tư liệu và chất lượng các công trình sử học về chiến tranh còn những bất cập, hồi ký là một bổ khuyết quan trọng. Nó không hoàn toàn khách quan nhưng sinh động và dễ đi vào lòng người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được hồi ký. Ở Nam Bộ, trừ những vị tướng là nhà văn như Bùi Cát Vũ, Nguyễn Văn Kiệp, Phạm Hoài Chương… còn lại rất ít người tự viết lại đời mình. Họ ra đi, mang theo bí mật về cuộc chiến tranh vệ quốc mà họ là một bộ phận hợp thành, một nhân chứng không thể thay thế.

Tôi đọc xong bản thảo cuốn hồi ký và đến gặp Thiếu tướng. Ở tuổi 90, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và kể say sưa về lịch sử bộ đội tăng-thiết giáp và quá trình gắn bó của ông với binh chủng đặc biệt này. Là người được đào tạo cơ bản về xe tăng, có mặt từ những ngày đầu xây dựng binh chủng tăng-thiết giáp là một trong những cán bộ xe tăng đầu tiên vào chiến trường Nam Bộ, người đứng đầu lực lượng tăng-thiết giáp, hoặc chỉ huy trưởng, hoặc chính ủy hoặc cả hai, dù có lúc được điều chuyển sang đơn vị binh chủng khác, Thiếu tướng Mai Văn Phúc vẫn là người của tăng-thiết giáp. Và điều bất ngờ đối với tôi là, ông từng giữ trách nhiệm Tư lệnh một binh đoàn cao su!

Ông kể: Trong kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, chưa có xe tăng-thiết giáp nên chưa có bộ đội tăng-thiết giáp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cho đến năm 1964 cũng vậy. Khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ dần đi vào ngõ cụt, Washington rục rịch chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mở rộng phạm vi đánh phá ra miền Bắc, đưa quân chiến đấu cùng với vũ khí trang bị tối tân vào miền Nam, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược lên cường độ cao, Quân ủy và Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam chủ trương xây dựng các đơn vị chủ lực và hỏa lực mạnh. Nhu cầu tác chiến hợp đồng binh chủng cần có xe tăng, thiết giáp. Và Thiếu tá Mai Văn Phúc, một trong 36 cán bộ được đào tạo tại Trường Sĩ quan Xe tăng số 1 Bắc Kinh – Trung Quốc được cử tham gia đoàn cán bộ vào chiến trường B2 xây dựng Ban Cơ giới Miền (phiên hiệu B.16), do ông làm Trưởng ban.

B.16 là cơ quan binh chủng đầu tiên tại chiến trường B2. Chưa có xe tăng-thiết giáp, nhiệm vụ của B.16 là nghiên cứu cấu tạo, tính năng kỹ chiến thuật tăng-thiết giáp của địch để làm tham mưu cho bộ binh xây dựng phương án tác chiến, xây dựng lực lượng tăng-thiết giáp tại chỗ, chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng đón nhận người và xe tăng-thiết giáp từ hậu phương miền Bắc chuyển vào.

Tháng 12-1964, Bộ Quốc phòng tiếp tục cử đoàn cán bộ tăng-thiết giáp thứ ba (phiên hiệu Đoàn C.15) từ Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 202 vào Nam Bộ. C.15 nhập với Trung đội đặc công-cơ giới của B.16 để thành lập Đại đội cơ giới Miền (phiên hiệu C.40). Tiếp đó, tháng 7-1965, một đoàn cán bộ, chiến sĩ tăng-thiết giáp gồm 228 người (phiên hiệu Đoàn 711) từ hậu phương miền Bắc vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Đoàn 711 nhập chung với Ban Cơ giới Miền (B.16) và Đại đội Cơ giới 40 thành Đoàn Cơ giới Miền (phiên hiệu J.16), do Mai Văn Phúc làm Đoàn trưởng kiêm Chính ủy.

“Đoạt xe địch đánh địch” trở thành phương châm hành động của Đoàn Cơ giới Miền. Muốn đoạt được xe địch cần phối hợp cách đánh của đặc công. Tháng 4-1947, Bộ chỉ huy Miền quyết định sáp nhập Đoàn Đặc công (phiên hiệu B.18) vào Đoàn Cơ giới Miền thành Đoàn Đặc công – Cơ giới Miền (vẫn giữ phiên hiệu J.16, gọi là J.16 Đặc-Cơ). J.16 Đặc-Cơ do Mai Văn Phúc làm Chính ủy. Vẫn bằng lối tác chiến của đặc công, J.16 Đặc-Cơ liên tiếp tham gia tiến công địch ở Hớn Quản, Đồng Dù, Lai Khê, Kà Tum, Dầu Tiếng, Trảng Lớn, núi Bà Đen trong mùa khô 1966-1967 và năm 1968. Tháng 2-1969, J.16 Đặc-Cơ được bổ sung lực lượng từ miền Bắc vào, đổi thành Trung đoàn Đặc công 429, vẫn do Mai Văn Phúc làm Chính ủy. Gọi là Trung đoàn đặc công, nhưng phần đông cán bộ, chiến sĩ vẫn là bộ đội tăng-thiết giáp.

Cán bộ Tăng – Thiết giáp Quân giải phóng miền Nam  sau ngày 30-4-1975. (Mai Văn Phúc thứ 2 từ trái sang.
 

Từ sau cuộc đảo chính của Lonol (3-1970), vùng giải phóng ở Campuchia dọc biên giới Việt Nam được mở rộng, lực lượng tăng-thiết giáp được Trung ương chi viện từ miền Bắc vào ngày một nhiều hơn. Tháng 7-1971, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập Phòng Cơ giới (phiên hiệu M.26) làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng cơ giới B2. Đầu mùa mưa năm 1972, Quân giải phóng miền Nam mở đợt tiến công chiến lược trên nhiều hướng chiến trường, trong đó có chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ.

Nhu cầu đánh lớn có sự tham gia của xe tăng, thiết giáp đặt ra cấp thiết. Tháng 5-1972, Bộ Tư lệnh Miền ra quyết định thành lập Đoàn Cơ giới Miền trên cơ sở hợp nhất Phòng Cơ giới (M.26) và các đơn vị tăng- thiết giáp đang có mặt trên chiến trường Đông Nam Bộ. Đoàn Tăng-Thiết giáp Miền (phiên hiệu 26) có tổ chức tương đương cấp sư đoàn, một binh chủng quan trọng của Quân Giải phóng miền Nam. Chính ủy Đoàn Pháo binh Biên Hòa Mai Văn Phúc quay trở về Đoàn 26, giữ cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy.

Đoàn 26 ngay sau ngày thành lập không ngừng lớn mạnh, tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, góp phần giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, đánh địch phá hoại Hiệp định Paris, tạo thế tạo lực và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo Thiếu tướng Mai Văn Phúc, đường đi của bộ đội tăng-thiết giáp ở Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trải qua hai giai đoạn khác nhau. Từ năm 1964 đến năm 1971 là giai đoạn chỉ có người mà chưa có xe, cán bộ chiến sĩ tăng-thiết giáp Nam Bộ vừa xây dựng lực lượng, vừa tổ chức nghiên cứu xe tăng thiết giáp của Mỹ, làm tham mưu cho Bộ chỉ huy Miền về phương án chống phương tiện cơ giới của địch, chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng tác chiến binh chủng khi được trang bị xe.

Từ năm 1972 đến năm 1975 là giai đoạn bộ đội tăng-thiết giáp được gọi là “bộ đội tăng-thiết giáp”. Từng tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp vượt hàng ngàn cây số cán xích lên đất miền Đông Nam Bộ, cộng với số xe tăng, thiết giáp đoạt được của địch trên chiến trường B2. Những cán bộ, chiến sĩ tăng-thiết giáp ở Nam Bộ, giờ đây được “trở lại mái nhà xưa”, không chạy bộ đánh xe tăng địch bằng cách đánh đặc công nữa, mà cưỡi xe tăng chiến đấu hợp đồng binh chủng với vai trò lực lượng đột kích quan trọng. Hai giai đoạn khác nhau về tổ chức lực lượng và cách thức hoạt động, nhưng cùng chung một quá trình phát triển.

Quá trình ấy phản ánh đặc thù của chiến tranh cách mạng Việt Nam nói chung, đặc thù của bộ đội tăng-thiết giáp ở Nam Bộ nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong giai đoạn trước năm 1972, dù chưa có xe và được phân bổ trong các đơn vị binh chủng khác, bộ đội tăng-thiết giáp vẫn ra trận với tư thế người lính xe tăng, nghiên cứu xe tăng địch, đoạt xe địch để huấn luyện cách đánh địch và tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị tinh thần, vật chất cho giai đoạn có xe tăng-thiết giáp. Nó là giai đoạn khởi đầu không thể thiếu, không thể tách rời, là một phần của lịch sử bộ đội tăng-thiết giáp ở Nam Bộ, của binh chủng tăng-thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Đoàn Tăng-Thiết giáp 26 tổ chức thành ba đơn vị mới: Lữ đoàn Tăng- Thiết giáp 22 chuyển thuộc Quân đoàn 4, Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 24 (nay là Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 416) chuyển thuộc Quân khu 9 và Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 26 (nay là Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 26) chuyển thuộc Quân khu 7. Đại tá Mai Văn Phúc lần lượt giữ trách nhiệm Cục phó Cục Kinh tế Quân khu 7, Cục phó Cục Xe máy và trạm nguồn Tổng cục Kỹ thuật, Cục trưởng Cục Bảo đảm trang bị tăng – thiết giáp; và năm 1980 được Bộ Quốc phòng cử làm Tư lệnh Binh đoàn cao su 23.

Binh đoàn cao su 23 được thành lập ngày 11-7- 1980 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 với tổng quân số gồm 13.000 cán bộ, chiến sĩ với nhiều máy móc thiết bị hiện đại. Là một đơn vị thuộc Quân khu 7, nhưng về kinh tế, Binh đoàn 23 là một đầu mối trực tiếp với Tổng cục Cao su. Từ các trung đoàn sẵn sàng chiến đấu, Binh đoàn chuyển sang thực hiện nhiệm vụ kinh tế trên vùng đất Phú Riềng giàu truyền thống cách mạng, tổ chức thành 7 nông trường trồng cao su, 4 xí nghiệp chế biến và nhiều đơn vị khác. Và cuối năm 1983, Binh đoàn hoàn thành nhiệm vụ, trừ một số có nguyện vọng chuyển ngành tiếp tục ở lại, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ trở về đội hình Quân khu 7. Ông Mai Văn Phúc tự hào: Ba năm, chỉ hơn 1.000 ngày, Binh đoàn đã khai hoang hàng chục ngàn ha, trồng mới 2.300 ha cao su, dựng hàng trăm ngôi nhà, lập làng công nhân cao su, mở hàng trăm km đường, đào đắp hàng triệu m3 đất. Có thể nói, đó là một kỳ tích.

Giờ đây, chuẩn bị kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thì ông ra đi. Ông ra đi khi chưa xin được đất ở nghĩa trang để xây bia tưởng niệm 358 liệt sĩ tăng-thiết giáp miền Đông Nam Bộ chưa tìm được hài cốt, và thăm hỏi, tặng quà chính sách nhiều cán bộ, chiến sĩ một thời chuyển sang làm kinh tế cao su ở Binh đoàn 23. Thiếu tướng Mai Văn Phúc là Tư lệnh tăng – thiết giáp Quân giải phóng ở chiến trường Nam Bộ. Quân hàm trên vai, ông luôn muốn chỉ gắn duy nhất phù hiệu binh chủng tăng-thiết giáp, nhưng trong ký ức của mình, ông không bao giờ quên những năm tháng gắn bó với mảnh đất Phú Riềng vì sự nghiệp phát triển ngành kinh tế vàng trắng của đất nước.

ĐẠI TÁ, PGS, TS. HỒ SƠN ĐÀI