Viết cho em ngày 8 tháng 3!

CSVN – “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật…”, tháng của yêu thương và được yêu thương! Đó là khoảng thời gian hạnh phúc của “một nửa thế giới” – họ có quyền tận hưởng hương vị ngọt ngào của những đóa hồng lãng mạn, những thanh socola ngọt lịm bờ môi… Nhưng, chúng ta đâu chỉ có tháng ba!
Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu
Những cung bậc cảm xúc yêu thương

Nếu chung cảnh ngộ, mới hiểu được lòng người – những người vợ xa chồng, đau đáu nỗi nhớ thương dằng dặc. Trong “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn, nỗi nhớ nhung, sầu muộn của người chinh phụ được đo bằng chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian: “Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”. Nỗi nhớ anh của nhà thơ Xuân Quỳnh  lan tỏa dẫu ngược Bắc, xuôi Nam và đi vào trong cả giấc mơ em:“Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”…

Nỗi nhớ nhung thật nhiều cung bậc, khi cồn cào, lúc lại dịu êm như ngàn con sóng xô bờ mãnh liệt và da diết. Trong cuộc sống đời thường, tình cảm yêu thương được đo bằng chiều dài nỗi nhớ. Người vợ xa chồng vì hoàn cảnh công tác, ở hậu phương họ trở thành điểm tựa vững chắc cho “tiền tuyến” vững lòng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi đọc những trạng thái cảm xúc của người vợ xa chồng, khi gặp cơn mưa chiều bất chợt: “Cơn mưa chiều nay chợt đổ về /Em ngồi ngắm cảnh nhớ tái tê /Người đi biền biệt bao ngày tháng/Để lại trong em nỗi bộn bề” (Huyền Ngô). Những câu thơ tôi được đọc trong một lần lướt Facebook vào những ngày Tết cận kề, khi hương xuân tràn ngập phố phường, nồng nàn bên khung cửa. Có lẽ, “nỗi nhớ anh” của chị dồn nén, tích tụ để chỉ một cơn mưa chiều cũng đủ nỗi nhớ “bung xõa” thành lời – Chao ôi, nỗi bộn bề!

Có lẽ anh – Người đi xa, phải tinh tế và cũng chất chứa nỗi nhớ mới có thể gọi tên bằng thứ ngôn từ lãng mạn, nồng nàn yêu thương nhưng cũng đầy trách nhiệm của đấng trượng phu: “Chiều nay bên

anh mùa nắng hạn /Vẫn biết ra đi sớm trở về /Thời gian trôi đi không trở lại /Em ơi! hãy nhớ lời nguyện thề…” (Nguyễn Quốc Tuấn).

Vâng, ai dám nói rằng: Tình yêu công việc lấn át nỗi nhớ nhung! Họ cũng nhớ hậu phương da diết, nhưng nỗi nhớ không lộ thiên mà tinh tế nhắc khéo “lời nguyện thề”, nhẹ nhàng an ủi “sớm trở về”. Họ là thế, yêu nhau, hiểu nhau và khi xa nhau, trong bộn bề công việc vẫn hướng về nhau, động viên nhau và “vượt khó” bằng những câu thơ lãng mạn thủy chung.

Quà của rừng – Cảm ơn tình yêu!

Tháng ba, tháng gọi tên tình yêu thăng hoa! Đó là khoảng thời gian hạnh phúc của “một nửa thế giới”. Nhưng, chúng ta – đâu chỉ có tháng ba! Những người vợ xa chồng vì nhiệm vụ phát triển cao su không    có tháng ba, không có những bông hồng lãng mạn, những gói quà thắt nơ màu đỏ, màu hồng. Chị Huyền Ngô bộc bạch: “Lẳng lặng mà xem bạn khoe quà /Bao nhiêu hoa, nhẫn, socola. Nhà mình không có gì khoe cả/ Chỉ góp yêu thương gửi phương xa”.

Ngày sinh nhật, quà tặng giản dị là những dòng cảm xúc gởi về anh: “Khi nhìn những cây cao su ngập tràn sắc xanh màu lá, sức sống mạnh mẽ bao trùm lên một vùng đất cằn cỗi của nước bạn, khi thấy những dòng nhựa trắng tuôn trào, đem lại hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, tôi lại nhớ một người bạn – người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với cây cao su. Người bạn ấy sinh ra ở một miền quê yên bình bên dòng Kiến Giang xanh mát. Người ấy cũng đã đồng hành cùng tôi gần 20 năm. Hôm nay, bạn ấy già thêm một tuổi, vẫn phải miệt mài cuộc mưu sinh ở xứ người. Tôi cầu mong bạn có nhiều sức khỏe, tôi luôn bên bạn và đợi bạn” (Huyền Ngô).

Vâng, đọc những dòng này tôi đã rơi nước mắt, những giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia chân thành, một sự trân quý và ngưỡng mộ chị – Một người con, người vợ, người mẹ, người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, nhưng cũng đầy trách nhiệm với công việc, trọn vẹn thủy chung! Chính tình yêu và nỗi nhớ của anh chị đã góp phần điểm tô màu xanh bất tận của rừng cao su căng tràn nhựa sống, vun đắp tình hữu nghị quốc tế giữa các nước láng giềng.

NGUYỄN LÝ