Vườn cao su Lô 9: Minh chứng sống qua hàng thế kỷ

CSVN – Vườn cao su Lô 9 là lô cao su đầu tiên người Pháp trồng ở Đồng Nai, hiện tại thuộc Nông trường Dầu Giây, TCT Cao su Đồng Nai. Nơi đây đã được công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2009, đang được sự quan tâm đặc biệt trong công tác bảo tồn.

Những cây cao su trong vườn bảo tồn đều hơn 100 năm tuổi
Những cây cao su được trồng từ năm 1906

Khu di tích “Vườn cao su đầu tiên Lô 9” (Lô 9) nằm ở ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, cách TP.Biên Hòa khoảng 40km về phía Bắc và cách thị xã Long Khánh khoảng 5km về phía Nam. Đây là nơi mà người Pháp đã trồng hơn 700 cây cao su đầu tiên vào năm 1906. Sau đó một năm, nhận thấy tình hình thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp nên người Pháp đã quyết định mở rộng diện tích cao su trên mảnh đất này.

Lô cao su đầu tiên ở khu vực Đông Nam bộ ra đời với diện tích 8 ha, trồng theo khoảng cách 5m x 5m, giống cây chính là giống seedling. Những công nhân cao su đầu tiên được chiêu mộ từ khu vực miền Bắc và miền Trung nhưng chủ yếu ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Vườn cao su Lô 9 là đồn điền có quy mô lớn nhất vào thời điểm đó.

Đến năm 1980, nông trường chính thức ngừng cạo mủ ở Lô 9 nhằm bảo tồn cây. Tới năm 1994, Lô 9 đã được bao quanh bằng hàng rào kiên cố và có cổng bảo vệ, bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Hiện nay, Lô 9 còn lại 224 cây trong tổng số 700 cây được trồng từ năm 1906. Đây là những cây thực sinh mọc trực tiếp từ hạt, không qua lai ghép. Nhìn những vết sẹo từ quá trình khai thác trước đây và các lớp vỏ cây sần sùi dày đặc, như một minh chứng sống động về sự phát triển của ngành cao su trong hơn một thế kỷ qua.

Công tác bảo tồn được quan tâm hàng đầu

Lô 9 là vườn cây cao su có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam. Tính đến nay vườn cây đã già hơn trăm tuổi, có những cây rỗng bên trong và một số bị gãy đổ do thời tiết, mối mọt. Do đó công tác bảo tồn luôn được TCT Cao su Đồng Nai đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Đan – Phó GĐ NT An Lộc, cho biết: “Hiện nay Lô 9 thuộc địa bàn Tổ 6, NT An Lộc đang thực hiện bảo vệ, chăm sóc khu di tích này. Khoảng 2 đến 3 tháng, chúng tôi sẽ cho cắt cỏ một lần, cắt hết diện tích và xử lý cây bị gãy đổ (nếu có) do tuổi thọ cây đã hơn 100 năm. Công tác bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt, vườn cây được bảo vệ 24/24, bảo vệ, tuần tra thường xuyên trên địa bàn. Hằng năm, công ty có kế hoạch chăm sóc lại cây để tránh tình trạng bị khô mục. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và trị các bệnh cho cây, trị rơ mòn, xịt thuốc, phun thuốc. Đến mùa rụng lá thì xịt thuốc trắng để đảm bảo tàn lá cho cây phát triển, giữ được số lượng cây trong khu bảo tồn”. “Theo ước tính, một tháng có từ một đến hai đoàn khách đến tham quan, chủ yếu là các ban ngành đơn vị trong ngành cao su, viện nghiên cứu về cao su. Một số đoàn khách tham quan còn phối hợp cùng các trường đại học nghiên cứu bên lĩnh vực nông nghiệp như trường Đại học Nông Lâm TP. HCM đến đây để nghiên cứu và học tập. Vào năm 2015 chúng tôi cũng cho phục dựng lại căn nhà của phu công tra ngay trong khu bảo tồn, để khách tham quan có góc nhìn sinh động và gần gũi hơn về những năm tháng đầu tiên của ngành cao su” – ông Đan cho biết thêm.

“Vườn cây này là minh chứng rõ ràng nhất về quá trình hình thành và phát triển của ngành cao su tại Việt Nam. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào về truyền thống lâu đời của nghề cao su và tôi tin tưởng, hy vọng rằng những thế hệ tiếp nối sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị tốt đẹp của ngành cao su Việt Nam như hiện nay” – ông Đan cho hay.

HẰNG NY