“VRG là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị”

CSVNO – Đó là đánh giá của ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) tại buổi làm việc với VRG về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, vào ngày 24/4.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự đoàn công tác có ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban điều hành Ban KTTW; ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban điều hành Ban KTTW cho biết, được sự cho phép của Bộ Chính trị, Ban KTTW phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổng công ty nông, lâm nghiệp. Theo kế hoạch, Ban sẽ làm việc với 4 doanh nghiệp lớn nhất cả nước về lĩnh vực này, trong đó có VRG.

Theo ông Hưng, buổi làm việc hôm nay là căn cứ để đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 tại Tập đoàn trong giai đoạn qua. Lãnh đạo Ban KTTW đề nghị VRG báo cáo rõ kết quả hoạt động, đặc biệt là những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Những nội dung này sẽ đưa vào đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét.

Ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo với Ban KTTW, ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG cho biết, nhận được sự quan tâm của Chính phủ, bộ/ngành Trung ương tới các cấp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, HĐQT VRG, thời gian qua, Tập đoàn thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Kết luận 82 KL-TW nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, các công ty nông, lâm nghiệp của Tập đoàn hầu hết đã hoạt động ổn định, theo mô hình tự chủ kinh doanh, có hiệu quả tốt.

Diện tích cao su VRG hiện quản lý gần 394.782,05 ha, trải dài 34 tỉnh, thành trên cả nước và hai nước bạn Lào, Campuchia. Tập đoàn đang đầu tư vào 106 công ty. Tổng số lao động của doanh nghiệp đến cuối năm 2023 là 82.220 người. Năm 2023, doanh thu của VRG đạt hơn 24.400 tỷ đồng.

Với đặc điểm các dự án cao su của VRG nằm ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trong đó còn có mặt tại hai nước láng giềng, vì vậy công tác sắp xếp, đổi mới của Tập đoàn gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị. Tại dự án trồng cao su thực hiện ở các vùng kinh tế, xã hội khó khăn, thiếu thốn hạ tầng ở nước ta và nước sở tại, Tập đoàn phải đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, các công trình giáo dục, y tế… góp phần thay đổi cho kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Thanh Hưng – Tổng Giám đốc VRG phát biểu tại cuộc họp

Tập đoàn đặt mục tiêu cao nhất là quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đất đai được VRG quản lý, sử dụng có hiệu quả. Tập đoàn duy trì và hình thành các vùng sản xuất mủ, gỗ hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất cao su và chế biến cao su trên địa bàn các vùng dự án. Hiện VRG có 59 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su với công suất 649.900 tấn mỗi năm và 14 nhà máy chế biến gỗ, với công suất hơn một triệu m3 mỗi năm.

Ngoài ra, VRG thực hiện chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hoá. Hiện nay, Tập đoàn thực hiện cấp chứng chỉ quốc gia và quốc tế về quản lý rừng bền vững cho 118.336,86 ha, thực hiện chiến lược và các giải pháp về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để mang lại giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế.

Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có các đơn vị đào tạo (Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su), nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành cao su (Viện Nghiên cứu Cao su) làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vừa đóng góp, phục vụ đào tạo các chuyên ngành cao su và phát triển các ứng dụng khoa học thuộc lĩnh vực giống cao su, chế biến cao su, môi trường.

Đến thời điểm báo cáo, Tập đoàn đang đầu tư vào 106 công ty con, trong đó có 63 công ty trồng cao su, 11 công ty chế biến gỗ, 8 công ty khu công công nghiệp, 5 công ty thuỷ điện, 13 công ty công nghiệp – dịch vụ, 2 công ty bất động sản và 4 đơn vị sự nghiệp do VRG đầu tư 100% vốn. Để phát triển cao su tại Lào và Campuchia, Tập đoàn đã thành lập các công ty là các pháp nhân độc lập để thực hiện các dự án tại nước ngoài. Các công ty này hoạt động theo quy định của nước sở tại, việc đầu tư góp vốn được huy động từ Công ty mẹ – Tập đoàn và các đơn vị thành viên dưới dạng đầu tư tài chính. Ngoài ra, Tập đoàn đầu tư 20 công ty liên kết với lĩnh vực chủ yếu là tập trung vào lĩnh vực trồng cao su, khu công nghiệp và chế biến gỗ.

Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG phát biểu tại buổi làm việc

Về cổ phần hoá, năm 2016, Tập đoàn hoàn thành cổ phẩn hoá tại Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa và Tân Biên. Tổng thu từ công tác cổ phần hoá tại Cao su Bà Rịa là 23,723 tỷ đồng, Cao su Tân Biên là 16,796 tỷ đồng. VRG cũng đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần từ ngày 01/6/2018 với quy mô vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng, cơ cấu vốn nhà nước chiếm 96,77%/vốn điều lệ.

Trong những năm qua, Tập đoàn thực hiện chương trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nhằm đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng, tập trung vào thực hiện tái kết nối FSC, chứng nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC.

Xác định chuyển đổi số là xu thế, VRG chủ trương từ sớm việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý. Tập đoàn chú trọng nghiên cứu, phát triển các giống mới tiến bộ về sinh trưởng, năng suất sản lượt vượt trội, chống chịu với bệnh hại và điều kiện môi trường. VRG cũng tìm giải pháp sản xuất xanh – sạch, giảm ô nhiễm.

Ông Trần Ngọc Thuận – Thành viên HĐQT VRG, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Thuận – Thành viên HĐQT VRG, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, thời gian qua, VRG thực hiện tốt các nhiệm vụ Nhà nước giao, bao gồm kinh tế, xã hội, gắn liền an ninh quốc phòng. Song đó, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82, Tập đoàn đối mặt vài vướng mắc, chủ yếu liên quan đến đất đai, cơ chế. Ông Thuận kiến nghị Chính phủ không thuê tiền thuê đất ở vườn cây kiến thiết cơ bản, quan tâm đến công tác đền bù đất cao su bị thu hồi, đồng thời tạo điều kiện người công nhân cao su có đất ở. Ngoài ra, đối với đường hành lang điện trên đất cao su, ông kiến nghị nên do phía điện lực quản lý và chịu tiền thuê phần đất đó.

Theo ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG, Nghị quyết 30 và Kết luận 82 tạo điều kiện cho các công ty thuộc Tập đoàn phát triển. Song đó, ông Kha kiến nghị Ban KTTW khi tổng kết Nghị quyết 30 và Kết luận 82 cần khẳng định vai trò của các công ty cao su ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù tại những đơn vị này, như miễn tiền thuê đất ở các công ty thuộc vùng sâu, xa, biên giới. Đồng thời, đối với những công ty này, Chủ tịch HĐQT VRG kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Trần Công Kha cũng mong muốn Đảng và Nhà nước có chính sách miễn BHYT, BHXH cho người lao động ở những vùng sâu, xa, thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giảm gánh nặng ngân sách cho doanh nghiệp. Nổi bật nhất, để tạo động lực mới cho Tập đoàn phát triển trong giai đoạn tới, với nguồn quỹ đất nhiều, VRG kiến nghị sẽ trở thành đơn vị ưu tiên trong đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp; đồng thời được tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nêu kiến nghị, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG cho biết, Tập đoàn có nguồn lực nhưng cơ chế, chính sách phát huy còn bất cập. Ông Hưng mong muốn có cơ chế về thuế, đồng thời kiến nghị nộp thuế đất theo hạng đất không phải vị trí đất.

Ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: “VRG là đơn vị đi đầu, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30. Ngoài các vấn đề, kiến nghị đã được nêu trong buổi làm việc hôm nay rất mong đoàn công tác có sự quan tâm, chia sẻ để VRG phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban điều hành Ban KTTW nhận định, ngoài thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, chăm lo tốt đời sống người lao động, đảm bảo an ninh quốc phòng, VRG còn là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Duy Hưng – Phó trưởng ban điều hành Ban Kinh tế trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo ông Hưng, sau 10 năm thực hiện, đơn vị thực hiện hiệu quả, thoái vốn thành công, cổ phần hoá các công ty. Lãnh đạo Ban KTTW đánh giá cao mô hình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, VRG bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ trong quản trị, sản xuất.

“Kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng uỷ, lãnh đạo Tập đoàn trong thực hiện Nghị quyết của Đảng nói chung và các quyết định của Chính phủ” – ông Hưng đánh giá. Với những bất cập trong thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của VRG, ông Hưng cho biết đoàn công tác ghi nhận, sẽ đưa vào báo cáo gửi Bộ Chính trị.

HOÀNG KHẢI – HẰNG NY