Nông nghiệp phải là ngành kinh tế có lợi thế chiến lược của quốc gia

CSVNO – Mặc dù nguồn lực đầu tư còn hạn chế nhưng nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Để phát huy giá trị của nông nghiệp, cần xác định đây là ngành kinh tế có lợi thế chiến lược của quốc gia.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách NN&PTNT

Đây là quan điểm TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách NN&PTNT, đưa ra xung quanh câu chuyện về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Xin ông đánh giá những mặt được và những hạn chế của việc phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua?

TS. Đặng Kim Sơn:Từ những nửa cuối những năm 1980 – thời kỳ bắt đầu đổi mới đến nay, nông nghiệp nước ta đã có nhiều thành tựu. Nhưng theo tôi thành tựu rực rỡ nhất chính là không những trở thành mảng xuất khẩu quan trọng, nông nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc hơn.

Nông thôn đến nay đã thay đổi cơ bản, khoảng cách nông thôn và đô thị được thu hẹp hơn. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn góp phần ổn định xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và giảm nhẹ thiên tai, giữ vững an ninh quốc phòng. 

Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là từ những năm 2008 đến nay, dù các Hội nghị Trung ương V, VI đã chỉ ra nhiều khuyết điểm trong phát triển nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Những yếu kém điển hình như tăng tường không bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ còn yếu, nguồn lực con người chưa phát huy được, lực lượng sản xuất chính vẫn là các nông hộ nhỏ. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn vẫn chuyển biến chậm, môi trường vẫn ô nhiễm, ứng phó với thiên tai còn nhiều thách thức.

Vấn đề đáng chú ý nhất là nông dân. Dù các nghị quyết của Trung ương đã đặt những vấn đề lớn như xây dựng nông thôn mới,  tái cơ cấu nông nghiệp nhưng lại chưa có đề án cụ thể nào tập trung cho nông dân. Nghị quyết số 26 năm 2008  về nông nghiệp-nông dân-nông thôn đã xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, nhưng thực tế đội ngũ này chưa được phát triển như mong đợi.

Vậy theo ông, để phát triển được nền nông nghiệp hiện đại trong tương lai, cần có sự thay đổi gì với hiện trạng?

TS. Đặng Kim Sơn:Gần đây mọi người hay nói về nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… Nhưng tôi cho rằng vấn đề tiên quyết vẫn là nông dân. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng cần đến nông dân.

Do đó trên hết, cần thay đổi tư duy về vấn đề “tam nông” vì đó không chỉ là trụ đỡ, là lá chắn cho phát triển bền vững mà còn phải là động lực kinh tế để phát huy được lợi thế của đất nước.

Nếu xác định được nông nghiệp là lợi thế chính của đất nước thì các đối tượng khác phải dựa vào ưu thế đó để phát triển. Tất cả các vấn đề từ vật tư đầu vào, máy móc, vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, logistics… phải cung cấp và ưu tiên cho nông nghiệp. Từ nó nông nghiệp mới phát huy được vai trò lợi thế của mình để các ngành khác dựa vào.

Riêng về vấn đề nông dân, phải đặt nông dân làm đầu, lấy nông dân làm gốc và là chủ thể của sự phát triển để họ làm chủ quá trình làm chủ của cả nông nghiệp và nông thôn. Chủ thể phải là người quản lý, quyết định và cung cấp dịch vụ công chứ không chỉ “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” như hiện nay… Rồi phải đổi mới hợp tác xã và Hội Nông dân.

Khảo nghiệm phun thuốc báo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái cho lúa tại Tiền Giang năm 2020 – Ảnh: Croplife Việt Nam

Ông có thể nói rõ hơn việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân để phát huy được nội lực của ngành nông nghiệp hiện nay?

TS. Đặng Kim Sơn:Chúng ta có thể thấy hiện vai trò của Hội Nông dân hay các hợp tác xã vẫn còn khá một chiều, là đơn vị vận động, thụ hưởng chính sách mà chưa có quyền quyết định nhiều về kinh tế. Ở nhiều quốc gia gần chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, các tổ chức này phát huy vai trò cộng đồng rất tốt, thậm chí họ có những tổ chức tài chính riêng như ngân hàng để cho hội viên vay ưu đãi làm nông nghiệp, họ chủ động kiểm soát nguồn vật tư đầu vào, và quan trọng là làm chủ cả khâu tiêu thụ nông sản.

Một điểm khác nữa là nếu muốn xây dựng tổ chức này thiết thực, ngoài những cơ chế, chính sách  phát triển thì nhân sự lãnh đạo phải người là từ các cấp hội nông dân ở dưới bầu lên. Người lãnh đạo hội nông dân sẽ nhận lương từ chính các hội viên, đại diện cho quyền lợi của nông dân và thực hiện mọi chính sách để người nông dân được phát triển và đảm bảo tối đa lợi ích kinh tế.

Tôi xin nhấn mạnh việc tại sao phải thay đổi tư duy này?

Giai đoạn phát triển rất thành công như vừa qua bộc rõ thế mạnh cũng như hạn chế của ngành nông nghiệp. Chúng ta thấy rằng nếu các địa phương chỉ lo phát triển khu công nghiệp hay các thành phố lớn thì việc di dân ồ ạt có thể tạo ra việc làm cho lao động về kinh tế nhưng không thúc đẩy đô thị hóa về xã hội và môi trường. Trong tương lai không xa, sẽ có hàng chục triệu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp và cư dân nông thôn chuyển thành thị dân. Mức độ thành công và vững bền của biến đổi vĩ đại này hoàn toàn tùy thuộc vào quá trình “lột xác” của con người và tài nguyên nông thôn.

Chỉ có đổi mới tư duy, đổi mới thể chế mới giúp sự đảm bảo cho quá trình tiến hóa này đúng hướng và thành công.

Quan điểm của ông về việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh như thế nào?

TS. Đặng Kim Sơn:Theo tôi nông nghiệp sinh thái là một nền nông nghiệp xanh về số lượng và cả môi trường, giảm sức ép tối đa cho môi trường và chuyển từ số lượng sang chất lượng. Điều này cũng tạo ra sự đặc biệt của sản phẩm nông nghiệp Việt, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng và cả với thế hệ tương lai.

Với nông thôn hiện đại thì trước tiên, thu nhập của người nông dân phải tiệm cận với người dân ở đô thị.

Còn nông dân văn minh thì người nông dân phải có mọi cơ hội phát triển kinh tế-xã hội và đóng góp tích cực vào quá trình này. Người nông dân muốn văn minh thì cũng phải có tri thức, có mức sống tương đương với cư dân cả nước và đô thị.

Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là xác định rõ vai trò ngành nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ mà phải là lợi thế chiến lược của đất nước. Phải hình thành nền kinh tế tổng hợp đủ sức tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới. Cư dân nông thôn phải trở thành trung tâm và chủ thể của quá trình phát triển.

60-70% nông dân phải tiếp cận với tài nguyên, thị trường và kiến thức để tạo động lực và cơ hội phát triển, đủ sức cầm lái điều hành quá trình thay đổi. Khởi nghiệp cần bắt đầu từ chính nông dân, nông thôn phải mãi mãi là nền tảng văn hóa, môi trường, kinh tế, quốc phòng vững chắc của đất nước.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!

theo baochinhphu.vn