Chú trọng đầu tư trực tiếp, đảm bảo tốc độ tăng trưởng vườn cây

CSVN – VRG khẳng định giảm suất đầu tư (SĐT) là chủ trương đúng đắn cần phải quyết liệt thực hiện. Nhiều đơn vị thực hiện nghiêm túc chủ trương này bằng nhiều giải pháp, trong đó việc đầu tư trực tiếp cho vườn cây luôn được đảm bảo để tốc độ tăng trưởng theo đúng quy trình kỹ thuật. Đây cũng chính là mục tiêu hàng đầu của VRG trong mọi thời điểm.
Trồng xen canh chuối tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Tùng Châu
Trồng xen canh chuối tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Tùng Châu
67.500 ha khai thác theo chế độ cạo D4

Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG khẳng định: “Chủ trương giảm SĐT rất thiết thực và phù hợp trong tình hình hiện nay. Qua đánh giá và kiểm tra của Ban Quản lý kỹ thuật thì tốc độ sinh trưởng của vườn cây không bị ảnh hưởng. Đối với công tác bón phân các đơn vị cần chú ý bón phân cho vườn cây KTCB theo đúng hướng dẫn của VRG, còn riêng vườn cây kinh doanh thì giảm lượng phân bón tối đa. Về chế độ khai thác, năm nay tổng diện tích khai thác của VRG theo chế độ D4 đã tăng lên nhiều, nhiều nơi thực hiện chế độ D5. Các đơn vị có công tác bảo vệ sản phẩm tốt thì nên mạnh dạn triển khai thí điểm bằng D5, D6”.

Đối với việc tiết giảm SĐT, ngoài biện pháp điều chỉnh phân bón và điều chỉnh công chăm sóc, giảm lao động qua cơ giới còn có nhiều biện pháp đang triển khai áp dụng, cụ thể: Biện pháp tăng năng suất lao động như để mủ đông tại lô, được triển khai tại Sa Thầy, Chư Mom Ray, Dầu Tiếng – Việt Lào, tuy nhiên biện pháp này vẫn chưa được triển khai đại trà do liên quan đến công tác bảo vệ mủ và chủng loại sản phẩm chế biến. Riêng chủ trương chuyển sang chế độ cạo D4 đã đi vào thực tế, các công ty trong toàn Tập đoàn đều triển khai thực hiện chuyển đổi chế độ cạo này.

Năm 2013 chỉ có Dầu Tiếng, Đồng Nai, Đồng Phú, Lộc Ninh, Dầu Tiếng – Việt Lào với 3.090 ha, đến nay toàn VRG có 67.500 ha thực hiện khai thác theo chế độ D4. Việc thực hiện chế độ cạo D4 là chủ trương đúng đắn, đặc biệt giải quyết vấn đề thiếu lao động. Ngoài ra, nhịp độ D4 giúp cây ổn định tốt về tình trạng sinh lý, tiết kiệm được 25% lớp vỏ nguyên sinh, giúp chủ động hơn trong quy hoạch vỏ cạo và kéo dài thêm chu kỳ kinh doanh.

Trong công tác bảo vệ thực vật cũng đã góp phần tiết giảm trong SĐT nhờ giảm chi phí cho phòng trị bệnh thông qua tăng cường điều tra nhận diện đúng bệnh, trị đúng thời điểm, giảm phun phòng. Khi phun phòng phấn trắng, các đơn vị đã rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước và tính toán kỹ việc đầu tư nên việc phun thuốc đã được giảm rất đáng kể, tiết kiệm hơn và mang lại hiệu quả hơn. Cụ thể, năm 2015 phun 48.000 ha từ 2 – 3 lần, thì đến năm 2016 phun 32.000 ha từ 1 – 2 lần.

Về trồng xen, ông Hà Văn Khương – Phó Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) cho biết: “Năm 2015, tổng diện tích cây ngắn ngày đã trồng được 6.723 ha, cây dài ngày 2.269 ha. Đánh giá sơ bộ bước đầu của Ban thì cả cây trồng xen và cây cao su đều phát triển bình thường, cao su phát triển tốt hơn trên các loại cây trồng xen có tưới. Hiệu quả trồng xen đã góp phần giảm SĐT, giảm công phát cỏ luồng, giảm công chống cháy. Tuy nhiên, việc thực hiện tiết giảm SĐT và nâng cao hiệu quả sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Hình thức tổ chức thực hiện xen canh như quản lý, thuê, khoán, cơ sở còn nhiều lúng túng, loay hoay áp dụng nhiều mô hình khác nhau. Đề nghị VRG cần có sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách cho các đơn vị thực hiện thuận lợi hơn”

[stextbox id=”stb_style_259398″]Dự kiến kế hoạch sản lượng của Tập đoàn 244.000 tấn, phấn đấu khả năng đạt 250.000 tấn với các biện pháp tích cực và trong điều kiện không có thiên tai bất thường. Diện tích trồng mới năm nay dự kiến 1.756 ha, tập trung chủ yếu ở Nghệ An 800 ha, Quảng Nam 300 ha, Bắc Lào 300 ha. Hiện nay, các công ty đang tích cực chuẩn bị đất, giống và đất xen canh.[/stextbox]
Đầu tư theo năng lực hiện có

Năm 2016, VRG rất quyết liệt trong việc tiết giảm SĐT, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chính vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn và các Ban chuyên môn đã theo dõi sát sao và hỗ trợ các đơn vị thành viên rất tích cực để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Thời gian qua, Ban QLKT đã kiểm tra, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Cao su VN quy hoạch bảng cạo hợp lý cho các công ty, đồng thời xây dựng dự báo sản lượng dài hạn khu vực miền núi phía Bắc và Campuchia.

Chăm sóc cao su tại Công ty CPCS Hà Giang. Ảnh: Tùng Châu
Chăm sóc cao su tại Công ty CPCS Hà Giang. Ảnh: Tùng Châu

Từ thực tế trong hai năm qua có thể khẳng định tiết giảm SĐT là vấn đề sống còn của đơn vị. Vì vậy trong năm 2016, Ban QLKT đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, đó là tăng cường công tác giám sát giảm SĐT; giám sát và hướng dẫn thực hiện kế hoạch phân bón, công tác phòng trị bệnh hại mùa mưa; Tiếp tục công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật và tổ chức hội nghị kỹ thuật với chủ đề theo đặc thù khu vực.

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng: “Chủ trương tiết giảm SĐT phải được hiểu rằng đầu tư theo năng lực hiện có. Nhìn chung, theo đánh giá và kiểm tra giám sát tại các đơn vị thì việc tiết giảm không ảnh hưởng lớn đến vườn cây. Bên cạnh đó còn đem lại những hiệu quả thiết thực như: xuất hiện nhiều hiến kế trong công tác quản lý nông nghiệp, trách nhiệm hệ thống quản lý, kiểm tra – giám sát ngày càng hoàn thiện hơn; nhiều mô hình trồng xen rất tốt góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần tăng thêm thu nhập cho NLĐ. Nhiều đơn vị thực hiện việc trồng xen có hiệu quả, trong tháng 6,7 tới đây VRG sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả công tác trồng xen để tổng kết và nhân rộng các mô hình hay – cách làm mới. Để đơn vị không còn dè dặt, loay hoay trong công tác trồng xen, các ban chuyên môn nên có văn bản hướng dẫn về cơ chế thực hiện cho các đơn vị”.

“Trong thời gian tới, VRG tiếp tục khuyến khích các mô hình tiết giảm SĐT hiệu quả. Phải nhận định rằng, mục tiêu của việc tiết giảm SĐT VRG hướng đến đó là đảm bảo đầu tư trực tiếp cho vườn cây, đảm bảo tốc độ tăng trưởng vườn cây đúng quy trình, rút ngắn thời gian KTCB. Những năm đầu phải giữ chi phí đầu tư trực tiếp trên vườn cây, Ban QLKT nên nghiên cứu để cụ thể hóa vùng đất nào thì chế độ dinh dưỡng nào cho phù hợp. Chú trọng đầu tư vườn cây trực tiếp, chú ý đến chất lượng vườn cây. Các đơn vị tuyệt đối không được thực hiện trái chủ trương này, Ban phải tăng cường công tác kiểm tra – giám sát, nếu đơn vị nào thực hiện theo quy trình ngược phải chấn chỉnh ngay”, ông Thuận nhấn mạnh.

Lâm Khanh